Sau dưa, hành, thêm gạo "chính thức" tắc ở cửa khẩu

Sau dưa hấu và nhiều nông sản khác, tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu lại tái diễn đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo.
Xe chở gạo nằm chờ nhiều ngày qua tại khu vực biên giới tỉnh Lào Cai.
Xe chở gạo nằm chờ nhiều ngày qua tại khu vực biên giới tỉnh Lào Cai.

Sau khi dưa dấu miền Trung rớt giá thê thảm, người trồng hành tím Sóc Trăng cũng lao đao thì gạo xuất khẩu một lần nữa xuất hiện tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai. Thống kê của Sở Công thương tỉnh cho biết tại các kho chứa gần biên giới hiện tồn đọng hơn 20.000 tấn gạo, chưa kể số gạo còn nằm trên hàng trăm xe tải loại lớn ở các bãi tập kết hoặc đỗ tạm trên đường. Ước tính số gạo tồn đọng, ùn tắc tại Lào Cai gần 30.000 tấn.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua (25/4), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố mùa vụ của sản xuất nông nghiệp, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút. “Tuy nhiên, còn do các nước nhập khẩu thay đổi phương thức quản lý, điều hành, tăng cường áp dụng các rào cản thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. Đồng thời cạnh tranh xuất khẩu cũng diễn ra ngày càng gay gắt”, Bộ trưởng nói.

Ghi nhận tại Lào Cài cũng cho thấy từ đầu tháng 4, phía Trung Quốc bắt đầu tăng cường chống buôn lậu, siết lại các lối mở trên tuyến biên giới, khiến đường tiểu ngạch xuất khẩu gạo bị phong tỏa.

Bộ trưởng Nên thông tin, trước tình trạng khó khăn về xuất khẩu nêu trên, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Trước mắt, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng dự báo, tăng cường thông tin về thị trường; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng với lãi suất ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản; tiếp tục phát triển các kênh phân phối nội địa; có biện pháp can thiệp thị trường, bảo hộ phù hợp để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản như mua tạm trữ thóc, gạo…

Theo đó, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, các bộ, cơ quan liên quan đánh giá rõ thực trạng, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là trong việc liên kết với sản xuất, chất lượng và giá thành sản phẩm…

Để giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả tình trạng “được mùa, mất giá”, người phát ngôn Chính phủ cho rằng việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt cần làm tốt.

Theo Vnexpress