Ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch BIDV (Ảnh: Internet)
|
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an mới đây đã có kết luận, đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trung Dũng”.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho các công ty “sân sau”, thực hiện xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.500 tỷ đồng. Ông Trần Bắc Hà được đình chỉ điều tra do đã tử vong.
Tuy nhiên, để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, nhà chức trách đã rà soát, kê biên, phong tỏa và ngăn chặn giao dịch hàng loạt bất động sản, cổ phiếu, tài khoản trong và ngoài nước của ông Hà và người thân trong gia đình.
Nhà, đất ở Việt Nam
Ông Trần Bắc Hà và vợ là bà Ngô Kim Lan trực tiếp đứng tên, sở hữu nhiều bất động sản tại Tp. HCM, bao gồm: Căn hộ D8-01, Khu phố Panorama - CN5 Phú Mỹ Hưng, đường Trần Văn Trà (Đô Đốc Tuyết - Tôn Dật Tiên), phường Tân Phong, quận 7; Căn hộ B1-2 (Khu Garden Plaza II - CN3) khu phố 4, Phú Mỹ Hưng, đường Lý Long Tường, phường Tân Phong, quận 7; Bất động sản tại số 68/2 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình (diện tích 60,8 m2, được mua từ năm 1997).
Tại tỉnh Bình Định, vợ chồng Trần Bắc Hà - Ngô Kim Lan còn sở hữu bất động sản rộng 125 m2 tại số 86 đường Hà Huy Tập, phường Lý Thường Kiệt, Tp. Quy Nhơn.
Con trai ông Hà - ông Trần Duy Tùng - cũng trực tiếp đứng tên sở hữu nhiều căn hộ thuộc các dự án chung cư cao cấp, như: Căn hộ 23.6 tầng 23, Lô B Tòa nhà Vincom (số 72 Lê Thánh Tôn và 45A Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Tp. HCM); Căn hộ C23.03 tầng 23 Block C Hoàng Anh River View (số 37 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2, Tp. HCM); Căn hộ C24.03 Lô A1 Chung cư Imperia, (phường An Phú, Quận 2, Tp. HCM).
Trong đó, căn hộ tại chung cư Imperia nêu trên là do ông Tùng nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Kiến Á.
Ông Tùng còn sở hữu hai bất động sản tại Thôn An Thường 2, xã Ân Thạch, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định có diện tích lần lượt là 303,3 m2 và 317 m2.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của VietTimes, nhà ông Trần Bắc Hà còn có liên quan tới một số dự án bất động sản, nông nghiệp được đầu tư và phát triển bởi các pháp nhân do người thân trong gia đình ông Trần Bắc Hà tham gia góp vốn, đảm nhiệm chức vụ cấp cao.
Trong đó phải kể tới CTCP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn - chủ sở hữu Khu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn 4 sao, tọa lạc trên khu “đất vàng” dọc theo bãi biến dài hơn 500m, tọa lạc tại số 01, Hàn Mặc Tử, Tp. Quy Nhơn, Bình Định - quê hương của ông Trần Bắc Hà.
Nguồn gốc resort nhà ông Trần Bắc Hà |
Khu nghỉ dưỡng Hoàng Gia Quy Nhơn còn có tên gọi khác là Hoàng Anh Resort, hay Khu du lịch Ghềnh Ráng. Có nhiều căn cứ cho thấy, dự án ban đầu thuộc sở hữu CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) – một đối tác và cũng là con nợ lớn của BIDV, rồi mới được "sang tay" cho công ty của nhà ông Hà.
Địa chỉ số 01 Hàn Mặc Tử cũng là nơi đăng ký trụ sở chính của CTCP Tập đoàn An Phú (do ông Trần Duy Tùng làm Chủ tịch HĐQT) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (do bà Trần Lan Phương - con gái ông Trần Bắc Hà - sở hữu).
Hai doanh nghiệp này từng hợp thành liên danh đầu tư Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng tại khu đất K200 ở Tp. Quy Nhơn. Tuy nhiên, khu đất K200 sau đó đã bị chính quyền địa phương thu hồi và chuẩn bị đem bán đấu giá nhằm tìm kiếm nhà đầu tư mới.
CTCP Tập đoàn An Phú và HAG từng hợp tác đầu tư vào dự án chăn nuôi bò tổng mức đầu tư 4.223 tỉ đồng tại tỉnh Hà Tĩnh.
Liên quan tới dự án này, theo lời khai của ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT HAG), đầu năm 2015, ông Trần Bắc Hà có gọi điện mời ông tham dự cuộc họp do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức để kêu gọi HAG đầu tư dự án chăn nuôi bò.
Cuộc họp do ông Võ Kim Cự chủ trì, có sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành và ông Trần Bắc Hà cùng một số lãnh đạo cao cấp của BIDV. Ông Đức cho biết có tham gia với vai trò khách mời, không phát biểu và không cam kết gì.
Sau cuộc họp, ông Đức có về tổ chức cuộc họp HĐQT HAG để bàn, đánh giá việc tham gia đầu tư dự án và nhận thấy khu vực này không đủ điều kiện để chăn nuôi bò.
Theo lời khai của ông Đức, do HAG là khách hàng vay vốn tại BIDV và phụ thuộc vào ông Trần Bắc Hà, nên ông không thể trả lời thẳng là "không tham gia đầu tư vào dự án".
Khi ông Hà nhờ giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm quản lý giúp khi thành lập công ty để đầu tư dự án, ông Đức đã giới thiệu ông Đinh Văn Dũng (trước là nhân viên cũ của HAG nhưng do một số lý do cá nhân, HAG đã cho nghỉ việc). Cha con ông Hà làm việc với ông Dũng thế nào, thực hiện dự án ra sao ông Đức không biết và không tham gia.
Sau khi công ty Bình Hà được thành lập để dự án chăn nuôi bò, HAG thông qua 2 công ty con, đứng ra nhập khẩu bò giúp công ty này giai đoạn đầu (khi chưa có giấy phép).
Đến khi một số lò mổ của Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn Escas (trong đó có công ty Bình Hà), thì công ty này ký hợp đồng mua bò với 2 công ty con của HAG. Cụ thể mua bán thế nào do các công ty con trực tiếp thực hiện, ông Đức nói mình "không biết và không tham gia".
Điền sản ở Lào
Tổng giá trị tài sản có liên quan đến ông Trần Bắc Hà đã bị phong tỏa và ngăn chặn giao dịch tại Lào là trên 300 tỷ đồng.
Ông Trần Duy Tùng (ngoài cùng bên trái) và ông Trần Bắc Hà (ngoài cùng bên phải) tại một sự kiện
|
Trong đó, Công ty SHH Viêng Chăn bị cơ quan chức năng phong tỏa 10 triệu USD là số tiền góp vốn vào LaoVietbank (10% vốn điều lệ). Các công ty SHH Champasak và SHH Savannakhet cũng bị phong tỏa các khối tài sản có giá trị được định giá lần lượt là 2,68 triệu USD và 1,8 triệu USD, bao gồm cả các vườn cây chuối (146ha) và vườn chanh dây (150ha).
Cha con ông Trần Bắc Hà từng muốn “chơi lớn” với dự án nông nghiệp quy mô hàng nghìn ha đất tại Lào.
Như VietTimes từng đề cập, cuối năm 2017, ông Trần Bắc Hà – trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam tại Lào (AVIL) và ông Trần Duy Tùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Souk Houng Heang Savannakhet (SHH Savannakhet) đã đăng tuyển hàng nghìn kỹ sư, lao động kỹ thuật, sinh viên cho các dự án phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại Lào.
Kế hoạch tuyển dụng này cũng ít nhiều tiết lộ về quy mô dự án nông nghiệp mà SHH Savannakhet dự kiến triển khai. Theo đó, công ty này dự kiến sẽ trồng 8 loại cây ăn quả trên diện tích 18.500 ha, bao gồm: Chuối (6.000 ha); Chanh dây (1.500 ha); Thanh Long (2.000 ha); Lựu (1.500 ha); Bơ (1.000 ha); Bưởi da xanh (2.000 ha); Mít (2.500 ha); Sầu riêng (2.000 ha).
Nhu cầu tuyển dụng của SHH Savannakhet năm 2017 là 140 kỹ sư (phục vụ cho tổng diện tích 1.800 ha); Năm 2018 là 248 kỹ sư (3.750 ha); Năm 2019 là 330 kỹ sư (4.150 ha); Năm 2020 là 255 kỹ sư (4.500 ha); Năm 2021 là 172 kỹ sư (4.300 ha).
Tiền và chứng khoán
Ngoài ra, kết quả kê biên cho thấy, ông Trần Bắc Hà còn có 2,08 tỷ đồng tại ngân hàng, 1.867 cổ phiếu PVY chưa lưu ký, 136.643 cổ phiếu BID (lưu ký tại BIC). Phu nhân của ông Hà - bà Ngô Kim Lan - sở hữu 215.670 cổ phiếu CGP và ít cổ phiếu HAG, cùng 7,97 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Ông Trần Duy Tùng có 5,3 tỷ đồng tại ngân hàng, 687.621 cổ phần của CTCP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn và 15,5 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn An Phú. Ngoài ra, con trai của ông Trần Bắc Hà còn nắm giữ 13.000 cổ phiếu TXM (lưu ký tại SSI) và số ít cổ phiếu STB (lưu ký tại BVSC).
Bà Trần Lan Phương - con gái ông Trần Bắc Hà - có 1,67 tỷ đồng và 95.026 USD tại ngân hàng. Bên cạnh đó, bà Phương còn nắm giữ 260.000 cổ phiếu HAG và 500.000 cổ phiếu ISH.
Ngoài ra, ông Trần Anh Quang (cháu ông Trần Bắc Hà) bị kê biên 500.000 cổ phần tại CTCP Tập đoàn An Phú và bị ngăn chặn 450 triệu đồng góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Chiếu sáng đô thị An Phú./.