Sai lầm khiến Mỹ nguy cơ đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

VietTimes -- Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ phải "thận trọng" với cuộc tấn công quân sự mà nước này đang tiến hành ở miền bắc Syria, báo động về nguy cơ 2 quốc gia thành viên NATO xảy ra xung đột công khai, Văn hóa Chiến lược cho biết.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đổ bộ từ trực thăng, tấn công YPG. Ảnh: Muraselon
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đổ bộ từ trực thăng, tấn công YPG. Ảnh: Muraselon

Vào tuần trước, tổng thống Trump và người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis đều đã đưa ra tín hiệu nghiêm khắc tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hối thúc nước này "kiềm chế" trong bối cảnh Ankara đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự vào khu vực Afrin, Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phớt lờ những cảnh cáo của Nhà Trắng, khẳng định họ không giảm tốc độ, mà đang cố gắng điều quân về phía tây để giành lấy thành phố Manbij từ tay các chiến binh người Kurd ở Syria.

Đó là nơi người Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự lớn để hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Kurd YPG. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố YPG là "những kẻ khủng bố", Washington lại khẳng định đây là lực lượng ủy nhiệm giúp chiến đấu chống lại các phần tử khủng bố IS.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định: “Những kẻ khủng bố ở Manbij (lực lượng người Kurd YPG) đang liên tục nổ súng khiêu khích. Nếu Mỹ không ngăn chặn chúng, vậy chúng tôi sẽ...”.

Sai lầm khiến Mỹ nguy cơ đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria ảnh 1Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) chiến đấu ở Afrin. Ảnh: Masdar News

Tờ New York Times cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Manbij "có thể khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xung đột trực tiếp với quân Mỹ đóng tại đó, và kết quả không thể đoán trước".

Vì thế, ông Trump và các quan chức khác của Washington đang đưa ra những cảnh cáo nghiêm khắc để Ankara lùi lại.

Mặc dù vậy, tình huống 2 thành viên NATO sa lầy vào một cuộc chiến là rất khó xảy ra bởi các chiến đấu cơ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cất cánh từ cùng một căn cứ không quân của NATO tại Incirlik thuộc miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Trớ trêu là, người ta cũng tự hỏi điều khoản số 5 của NATO sẽ hoạt động như thế nào trong trường hợp kỳ lạ khi một thành viên NATO kêu gọi 27 quốc gia khác trong liên minh quân sự này bảo vệ nếu nước đó bị tấn công bởi một thành viên NATO khác!

Tình huống oái ăm khôi hài này rất thích hợp với tiểu thuyết phản chiến châm biếm Catch 22 của Joseph Heller.

Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn chẳng hài hước chút nào. Nó có thể thổi bùng một cuộc chiến tranh toàn diện lôi kéo cả Syria, Nga và Iran tham chiến.

Gần như mất hút trong loạt tin tức hàng ngày là sự thật rằng cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không nên có bất kỳ lực lượng quân sự nào hoạt động tại Syria. Sự hiện diện của các lực lượng này là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Syria.

Sai lầm của Washington là điều đáng lên án nhất. Đó là tuyên bố được Lầu Năm Góc đưa ra hồi giữa tháng 1/2018 rằng đã thành lập một lực lượng an ninh biên giới 30.000 quân trong đó có sử dụng lực lượng dân quân người Kurd (YPG) làm lính bộ binh đã gây ra phản ứng phẫn nộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sai lầm khiến Mỹ nguy cơ đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria ảnh 2Binh lính Mỹ và dân quân người Kurd (YPG) có mặt tại thị trấn Darbasiya, Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Trong tuần trước, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tìm cách rút lại lời tuyên bố về việc thành lập lực lượng an ninh biên giới, khẳng định kế hoạch của Lầu Năm Góc đã bị thổi phồng bởi các bản tin không chính xác của giới truyền thông. Nhưng việc làm này gần như không có sức thuyết phục. Đây không phải lần đầu tiên mà chính sách của Washington ở Syria, và những nơi khác trên thế giới, được cho là gây ra hiểu lầm hoặc tệ hơn là bất hòa trầm trọng.

Nỗi lo sợ về một khu vực người Kurd được Mỹ trang bị vũ khí ở biên giới Syria có thể mở rộng sang lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ và hợp nhất với những phần tử ly khai người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) đã thúc đẩy ông Erdogan tiếp tục cuộc tấn công. Hành động như ông nói, là để tiêu diệt "đội quân khủng bố" mà Washington xây dựng.

Câu hỏi cần phải được giải quyết gấp nhờ sức mạnh của luật pháp quốc tế là: quân đội Mỹ hiện diện ở Syria theo thẩm quyền pháp lý nào? Washington thành lập lực lượng dân quân ở Syria theo ủy thác nào? Hoàn toàn không có.

Gần 7 năm nay, Mỹ và các nước đồng minh NATO đều tuyên bố rằng họ công khai can thiệp vào Syria nhằm mục đích tiêu diệt các nhóm khủng bố liên kết với Al Qaeda. Trong khi trên thực tế họ lại bí mật trợ giúp những nhóm này thực hiện mục tiêu lật đổ chính phủ Syria của Tổng thống Assad.

Cuộc chiến kéo dài gần 7 năm đang đi đến hồi kết nhờ sự can thiệp hợp pháp của Nga, Iran và Hezbollah của Lebanon theo yêu cầu của nhà cầm quyền Damascus đã khiến cho lực lượng ủy nhiệm do phương Tây hậu thuẫn bị thua tan tác.

Chưa từng có bất cứ lý do hợp pháp nào biện minh cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria. Thậm chí bây giờ Mỹ còn chẳng kiếm nổi một cái cớ hợp thức. Quân đội Mỹ phải chấm dứt sự hiện diện hoàn toàn bất hợp pháp trên lãnh thổ Syria. Chiến thắng đạt được trước các nhóm khủng bố chủ yếu là nhờ quân đội Syria với sự trợ giúp của Nga, Iran và Hezbollah. Chính quyền Syria và đồng minh có thể dễ dàng giải quyết những phiến quân nổi dậy còn lại. Việc Mỹ tiếp tục đóng quân tại Syria là hoàn toàn không cần thiết, ngay cả khi người ta chấp nhận lời tuyên bố giả dối rằng Washington đang chiến đấu chống các phần tử khủng bố.

Sự can thiệp của người Mỹ vào Syria ngày càng giống với một cuộc chiếm đóng trắng trợn bất hợp pháp theo chương trình nghị sự bí mật của Mỹ là làm đất nước Syria mất ổn định hơn nữa, Văn hóa Chiến lược nhấn mạnh.