Sau một tuần cảnh cáo, Thổ Nhĩ Kỳ tung chiến dịch «nhành ô liu» với mục tiêu quân sự là chiếm vùng Afrin, ở tây bắc Syria. Với cao điểm cùng tên và địa thế hiểm trở, Afrin do đảng Liên Hiệp Dân Chủ Kurdistan và lực lượng dân quân kiểm soát từ năm 2012, sau khi quân đội Syria rút lui trước đợt tấn công của IS.
Lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận là thông báo của Washington, ngày 14/1/2018 vừa qua, huấn luyện một lực lượng an ninh biên giới gồ 30.000 quân, cho người Kurd Syria mà nòng cốt là chiến binh đã có kinh nghiệm chiến trường sau 5 năm chống cự và đánh bại IS với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế.
Mục tiêu công khai của tổng thống Erdogan là tiêu diệt lực lượng vũ trang người Kurd Syria bị xem là đồng minh khủng bố của đảng PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ, kiểm soát một vùng biên giới Syria. Thứ hai là đặt Mỹ vào thế khó xử: Ai phê bình chiến dịch «nhành ô liu» sẽ trả giá nặng.
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã cung cấp cho người Kurd Syria những loại vũ khí tối tân kể cả tên lửa FGM-148 chống xe tăng mà Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, không có. Yenik Satak, một nhật báo thân chính quyền bình luận: «Cung cấp vũ khí cho khủng bố là hành động tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định thành lập một lực lượng Kurdistan ở Syria có nguy cơ làm tổn hại quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ».
Tấn công vào lãnh thổ Syria là một quyết định đầy rủi ro, chắc chắn Ankara đã thuyết phục được Matxcơva chấp thuận. Bởi vì trên thực tế, tuy Mỹ sát cánh với lực lượng Kurdistan-Syria ở chiến trường đông và đông-nam chống IS nhưng Afrin ở tây-bắc là «rừng của cọp Nga». Không phận Afrin do Nga kiểm soát và Nga có một căn cứ quân sự. Không riêng gì Mỹ, Nga cũng có quan hệ tốt và cung cấp nhiều loại vũ khí cho chiến binh người Kurd Syria.
Theo nhà phân tích Ilter Turan, đại học Istanbul, chiến dịch quân sự của Ankara cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ hơn. Không có sự đồng ý của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không thể không kích, pháo kích vào Afrin trong hai ngày qua.
Truyền thông phương Tây cho rằng động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được Matxcơva bật đèn xanh vì ít nhất hai lý do: một là trừng phạt người Kurd «chọn đi theo Mỹ» và hai là xoa dịu Ankara đang bất bình chuyện Nga yểm trợ cho quân đội Damascus tiến về Idlib «vùng giảm leo thang căng thẳng», theo một thỏa ước giữa Damascus và các tổ chức đối lập trong khuôn khổ các cuộc đàm phán do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến Mỹ thông điệp bất bình rằng quan hệ hai bên xấu đi vì Mỹ chọn người Kurd làm đồng minh gây tổn hại cho quyền lợi của Ankara.
Khi "bật đèn xanh" để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Afrin, báo chí phương Tây nhận định Nga còn có dụng ý gây chia rẽ nội bộ đồng minh của NATO. Matxcơva còn muốn chặn trước nguy cơ chế độ Assad bị đe dọa nếu một ngày người Kurd đủ sức hiện thực hóa tham vọng thành lập quốc gia riêng.