Những chỉ trích từ Ủy ban EU của Quốc hội Anh – cơ quan giám sát các chính sách EU của chính phủ Anh, được đưa ra trong bối cảnh lệnh ngừng bắn mới nhất ở Ukraine đang chao đảo vì những cuộc giao tranh giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai miền đông.
Kiev và phương Tây cáo buộc Nga trang bị vũ khí và đưa binh lính vào Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông. Nga bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc như vậy.
Ủy ban EU của Quốc hội Anh “tin rằng EU và cùng với đó là Anh đã mắc tội mộng du trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, chủ tịch ủy ban – ông Christopher Tugendhat cho biết. Theo ông này, việc thiếu năng lực phân tích ở cả Anh và EU đã dẫn đến sự hiểu sai tai hại và thảm họa về tình hình ngay trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên.
Bản báo cáo của Ủy ban EU của Quốc hội Anh cho rằng, quan hệ giữa Liên minh Châu Âu với Nga từ lâu đã có được “một nền tảng lạc quan” mà ở đó Nga đang trên con đường trở thành một quốc gia dân chủ hơn. Bản báo cáo đã đổ lỗi tình trạng thiếu ý kiến chuyên môn, thiếu phân tích về Nga trong văn phòng đối ngoại Anh cũng như trong các bộ khác của EU đã dẫn đến tình trạng không có khả năng đưa ra được “một phản ứng thích hợp”.
"Chính phủ không chủ động hay không nhìn thấy rõ được vấn đề mà đáng ra họ có thể làm được”, Ủy ban EU nhận xét.
Trong khi Ủy ban EU hoan nghênh chính sách trừng phạt Nga, cơ quan này cũng chỉ ra rằng cần phải có một chiến lược để thoát ra khỏi con đường trừng phạt. Theo bản báo cáo của Ủy ban EU của Quốc hội Anh, nếu các thỏa thuận về hòa giải đạt được ở Minsk được thực hiện, Châu Âu nên sẵn sàng hủy bỏ các biện pháp trừng phạt.
Cũng theo bản báo cáo, về lâu về dài, EU và Nga phải học cách chung sống với nhau như những người láng giềng và đối thoại với nhau về các vấn đề mà họ có chung lợi ích chiến lược, trong đó có không gian kinh tế chung và một cấu trúc an ninh mới của Châu Âu. Ủy ban EU của Quốc hội Anh cũng khuyến khích các mối quan hệ hợp tác giữa Châu Âu và Nga trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học.
Bản báo cáo trên được xem là cú giáng mạnh mới nhất nhằm vào chính quyền của Thủ tướng David Cameron trong vấn đề Ukraine sau khi Thủ tướng trước đó vừa bị một vị tướng hàng đầu của Anh trong NATO – ông Richard Shirreff miêu tả là “người không hiểu gì về chính sách đối ngoại”.
Văn phòng đối ngoại Anh đã phản ứng với những lời chỉ trích nói trên. "Anh đóng một vai trò hàng đầu trong việc ủng hộ quyền của Ukraine để chọn con đường tương lai của riêng họ thông qua việc bảo đảm EU áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc lên Nga vì việc nước này tìm cách gây ảnh hưởng lên các lựa chọn của Kiev”, một phát ngôn viên của văn phòng đối ngoại Anh cho biết. Phát ngôn viên này còn thêm rằng, văn phòng đối ngoại Anh đã ‘tăng cường phân tích, lấy ý kiến chuyên gia về vấn đề Nga và khu vực đồng thời tiếp tục bảo đảm duy trì phản ứng mạnh mẽ và đoàn kết trước sự gây hấn của Nga”.
Phương Tây lâu nay vẫn đổ lỗi, chỉ trích Nga về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Moscow bị cáo buộc kích động cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, đưa vũ khí, binh lính vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai trong cuộc chiến chống lại quân đội Kiev. Tuy nhiên, Nga thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc này đồng thời nhiều lần lên tiếng thách phương Tây đưa ra được những bằng chứng xác thực, thuyết phục để chứng minh cho những cáo buộc của họ. Cho đến nay, chưa có bằng chứng có trọng lượng nào được đưa ra để chứng minh cho việc Nga dính líu đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Anh sợ không đủ sức đấu với Nga
Ngoài những lời chỉ trích về việc Anh không có sự phân tích đầy đủ, không hiểu vấn đề Ukraine dẫn đến không có khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu, Anh còn phải đối mặt với lời cảnh báo về việc thiếu sức mạnh để có thể đấu với Nga.
Các cựu quan chức quốc phòng của Anh gần đây đã tỏ ra hoài nghi về năng lực của các hệ thống phòng không của Anh. Họ cho rằng, hệ thống phòng không của Anh không đủ để có thể đối phó với Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.
Lời cảnh báo trên được đưa ra vài ngày sau khi xảy ra vụ việc các máy bay chiến đấu của Anh nhận lệnh cất cánh khẩn cấp để chặn hai chiếc máy bay ném bom chiến lược của Nga bay trong không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển Cornwall.
Ông Michael Graydon nói với tờ Daily Mail rằng: “Chúng ta hiện tại chỉ có được một nửa khả năng so với những gì chúng ta có trước đây. Họ bay trong những khu vực đó để thử thách các hệ thống phòng không của chúng ta và nó đã cho thấy những hệ thống phòng không của chúng ta không còn đủ sắc bén như trước đây”.
Chuẩn tướng Không quân Anh – ông Andrew Lambert, trước đây từng là giám đốc nghiên cứu quốc phòng của Không quân Hoàng gia Anh, nhận định, Không lực Anh có thể bị lấn át, bị ngợp bởi số lượng thực sự của quân đội Nga trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ Nga bất chấp việc Anh sở hữu công nghệ vũ khí hiện đại.
Theo: VnMedia