S-400 giúp Việt Nam lập hàng loạt “vùng cấm bay“

VietTimes -- Thời gian gần đây, truyền thông trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến hệ thống phòng không S-400 Triumf . Dấy lên làn sóng bình luận sôi nổi với chủ đề: liệu Việt Nam có mua hệ thống tên lửa này hay không? Trong hệ thống phòng không Việt Nam, S-400 sẽ đóng vai trò gì?
S-400 triển khai ở sân bay Hmeymin, Latakia, Syria
S-400 triển khai ở sân bay Hmeymin, Latakia, Syria

Ngày 24.11.2015, Bộ tổng tham mưu quân đội Nga cho biết sẽ tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ căn cứ - sân bay quân sự của Nga ở Syria. Trước mắt đưa tổ hợp tên lửa phòng không Fort (tương đương S-300) vào sẵn sàng chiến đấu bảo vệ không phận Latakia.

Ngày 25.11, tổng thống Nga V.Putin ra quyết định cho phép triển khai trên căn cứ quân sự Hmeymin tổ hợp tên lửa siêu hiện đại mới nhất của Nga trong biên chế trang bị S-400. Cùng với tổ hợp Fort trên tuần dương hạm Moskva, S-400 Triumf sẽ bảo vệ an toàn các máy bay của Nga ở Syria. Ngày 27.11.2015 , tổ hợp tên lửa phòng không S-400 được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trên căn cứ không quân Nga Hmeymin thuộc tỉnh Latakia.

Sự kiện S-400 triển khai ở Syria lần đầu tiên ở nước ngoài gây chấn động trên toàn thế giới. Lần đầu tiên các lực lượng không quân Mỹ, NATO và các lực lượng không quân khu vực cảm nhận sức mạnh thật sự của loại vũ khí phòng không tiên tiến này.

S-400 giúp Việt Nam lập hàng loạt “vùng cấm bay“ ảnh 1

Uy lực của S-400 thật sự đã tạo ra một vùng ADIZ trên hầu hết lãnh thổ Syria, Lebanon, Sip, một phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan và tạo thành vùng cấm bay gần như 2/3 trên lãnh thổ Syria.

Sự kiện S-400 đã tạo lên một làn sóng sôi động những quốc gia muốn sở hữu hệ thống tên lửa phòng không siêu hiện đại này, có thể kể đến như Trung Quốc, Ấn độ, Algeria, Ai Cập… Hiện Ấn Độ và Trung quốc đã ký hợp đồng mua S-400 sau thời gian đàm phán kéo dài, Ấn Độ mua 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 và 6000 đạn với giá hơn 6 tỷ USD, Trung Quốc mua 6 tổ hợp S-400, mỗi tổ hợp gồm 8 bệ phóng và một số lượng đạn không xác định, có trị giá tới hơn 3 tỷ USD.Theo truyền thông Nga, Việt Nam đề xuất mua 4 đến 6 tổ hợp tên lửa S-400 Triumf.

Tại thời điểm nay, không thể kiểm chứng được Việt Nam có đàm phán được S-400 hay không, nhưng trên mạng truyền thông Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc sở hữu các tổ hợp tên lửa siêu hiện đại này. Có những ý kiến cho rằng, S-400 chưa quá cần thiết do đã có hai tiểu đoàn S-300 làm nhiệm vụ bảo vệ không phận Hà Nội, Việt Nam cần phát triển các tổ hợp tầm trung như Buk – M2, Tor M2, Pantsir - S1 nhằm hình thành một hệ thống phòng không đa tầm.

Tất nhiên, để sở hữu được S-400 không phải là điều dễ dàng, thực tế Nga mới chỉ có 5 trung đoàn tên lửa S - 400 đưa vào sẵn sàng chiến đấu. Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm tới 11 hệ thống, do đó, sau hai hợp đồng này sẽ đến các nước khác, ngoại trừ tình huống đặc biệt tương tự như Syria sẽ là cả một quá trình tương đối dài. Nhưng S-400 sẽ đóng vai trò gì trong hệ thống phòng không của Việt Nam và ưu thế thực sự của S-400 là gì?

Hệ thống phòng S-400 "cấm bay" tại Syria

S-400 giúp Việt Nam lập hàng loạt “vùng cấm bay“ ảnh 2

Hệ thống phòng không bảo vệ vùng trời Latakia trên thức tế có cụm không quân tiêm kích Su – 35, Su-30SM, hệ thống S-400, hệ thống Fort (S-300), các tổ hợp tên lửa "Buk-M2E"; hệ thống phòng không tầm gần "Osa-AKM" và S-125 "Pechora-2M" thuộc quân đội Syria, bảo vệ hệ thống S -400 là tổ hợp pháo – tên lửa tầm cận gần Pantsir – S. Tổ hợp tác chiến điện tử "Krasuha-4"

Tất cả các tổ hợp này được tích hợp trong một hệ thống phòng không nhất thể hóa, sử dụng song song hệ thống điều hành tác chiến, một thuộc sở chỉ huy tiền phương sân bay Hmeymin, một trong đài chỉ huy, điều hành tác chiến của hệ thống S-400. Hệ thống phòng không này gần như không cho phép bất cứ vật thể bay nào nằm ngoài tầm kiểm soát của hệ thống.

Một đơn vị chiến đấu S-400 (cấp lữ đoàn, sư đoàn phòng không) có

- Hệ thống chỉ huy 30K6E

- Trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến 55K6E đặt trên xe tải Ural-532301.

- Hệ thống quan sát, phát hiện mục tiêu sử dụng rađa toàn cảnh 92N6E  (tầm quan sát phát hiện mục tiêu 600 km) có khả năng chống nhiễu. Đặt trên xe vận tải MZKT-7930. Hệ thống 92N6E có thể đồng thời theo dõi 300 mục tiêu.

- 6 tiểu đoàn tổ hợp tên lửa phòng không 98ZH6E, có thể là một đơn vị tác chiến dành cho các hướng chiến đấu độc lập, bao gồm:

1- Rađa đa năng 92N6E hoặc 92N2E, tầm quan sát 400 km, theo dõi 100 mục tiêu.

2- Xe vận tải phóng đạn 5P85TE2 hoặc 5P85SE2 đặt trên xe tải BAZ-64022 hay MAZ-543M (tối đa 12 ống phóng).

3- Các tên lửa phòng không như 48N6E, 48N6E2, 48N6E3, 48N6DM, 9M96E, 9M96E2 và tên lửa tầm siêu xa 40N6E (hiện chưa có trong biên chế).

Với cấu trúc biên chế này, hệ thống S-400 có khả năng quản lý không phận trên phạm vi bán kính 600 km, tiêu diệt mục tiêu tầm xa nhất là 250 km.

Hệ thống chỉ huy 30К6Е có thể điều khiển các hệ thống vũ khí sau:

Hệ thống S-400 Triumf 98ZH6E; S-300PMU2 (thông qua hệ thống điều khiển 83М6Е2); S-300PMU1 (thông qua hệ thống điều khiển 83М6Е); Tor-M1 thông qua trạm điều khiển cấp khẩu đội Ranzhir-M; Pantsir-S1 thông qua xe chỉ huy của khẩu đội.

Hệ thống S-400 và các tuyến truyền thông liên kết phối hợp với các tổ hợp phòng không khác

Trong tình huống thực tế tương tự như Syria, Hệ thống chỉ huy có thể điều khiển và chỉ thị mục tiêu cho hầu hết các các tổ hợp vũ khí phòng không của Liên xô cũ và của Nga hiện nay, dựa trên cơ sở đổi mới, nâng cấp và hiện đại hóa các thiết bị điện tử của S-125, Strela – 10.

Trong xung đột tiềm năng, Việt Nam sẽ phải đối đầu từ hướng nào?

Bản đồ không kích Việt Nam của không quân Mỹ tháng 12.1972

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng Biển Đông, nguy cơ một cuộc chiến tranh “dồn nén thời gian”, cường độ cao là hoàn toàn có thể. Kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh đường không chống Mỹ cho thấy, hầu hết các mũi tiến công vào các cơ sở hạ tầng kinh tế, các khu vực quân sự trong khu vực Bắc Bộ đều bắt nguồn từ hướng Vịnh Bắc Bộ, hướng thứ yếu hơn là từ khu vực biên giới Lào.

Lực lượng không quân Trung Quốc trên các quân khu và hạm đội

Xét sự phân bổ của lực lượng không quân nước láng giềng, có thể thấy mũi nhọn tập kích đường không nếu xảy ra, sẽ nằm chủ yếu ở hướng Vịnh Bắc Bộ, hạm đội Nam Hải có hai sư đoàn không quân, quân khu Quảng Châu có hai sư đoàn không quân nằm cận kề biên giới phía nam, đòn tập kích có thể theo hướng này. Quân khu Thành Đô có một sư đoàn không quân. Đây là những lực lượng không quân tương đối mạnh, dù chưa thể so sánh được với lực lượng không quân Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam trước đây...

Do số lượng máy bay chiến đấu của không quân kẻ địch tiềm năng rất lớn, khả năng trong đợt tập kích đường không có thể sử dụng đến 200 – 300 máy bay chiến đấu cùng lúc. Số lượng bom, tên lửa hành trình được sử dụng có thể lên tới hàng nghìn đơn vị.

Trong kịch bản chiến tranh hiện đại, đòn tấn công đầu tiên của tên lửa đạn đạo, hành trình từ các phương tiện đường không và mặt đất sẽ nhằm vào các căn cứ không quân quan trọng nhất, có nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không nhằm ngăn chặn các hoạt động tác chiến đường không của đối phương.  Các đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo, hành trình tầm xa sẽ tấn công vào các căn cứ hải quân quan trọng dọc bờ biển Việt Nam, các khu vực. Các cụm máy bay tiêm kích mang tên lửa sẽ đánh vào các trận địa phòng không bảo vệ mục tiêu dọc theo bờ biển.

Sau khi đòn tấn công thứ nhất gây thiệt hại đáng kể về hạ tầng quân sự , đòn tấn công thứ hai của lực lượng không quân và tên lửa hành trình sẽ tập trung đánh vào trung tâm kinh tế chính trị, các cơ sở công nghiệp, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật quân sự ít quan trọng hơn.

Để có thể khống chế được bầu trời, các đòn tấn công đường không chủ yếu sẽ nhằm vào các mục tiêu phía Bắc, tính từ Thanh Hóa nhằm vô hiệu hóa sức mạnh trên biển của Việt Nam.

Với hệ thống tên lửa phòng không hiện có của sư đoàn phòng không 361, hai tiểu đoàn tên lửa S-300PMU1 dù rất tiên tiến, nhưng bán kính phòng không chỉ có 150 km, do đó các máy bay chiến đấu của đối phương vẫn có thể thâm nhập lãnh thổ và tấn công các mục tiêu quan trọng dọc tuyến bờ biển Việt Nam mà không bị nguy cơ tiêu diệt từ tên lửa phòng không tầm xa.

Trong hệ thống bố trí binh lực của quân chủng Phòng không Không quân, có 3 đơn vị tiêm kích đa nhiệm chủ lực Su-30MK2 là Trung đoàn 923, 927, 935. Trong đó trung đoàn 923 đóng tại Thọ Xuân Thanh Hóa, trung đoàn 927 tại Kép Bắc Giang. Chỉ có trung đoàn 927 nằm dưới ô phòng không bảo vệ của tổ hợp tên lửa S-300 PMU1, căn cứ trung đoàn 923 tại Thọ Xuân có thể bị tấn công bởi các phương tiện đường không xuất phát từ hướng biển.

Rõ ràng, để đối phó với một đợt tấn công tổng lực như vậy, lực lượng không quân chủ lực của Quân chủng Phòng Không – Không Quân không thể phối kết hợp tốt với lực lượng tên lửa phòng không mà đơn vị chủ lực là S-300PMU1 để ngăn chặn và làm suy giảm đáng kể đòn tập kích đường không ban đầu của đối phương.

Giả thiết về sự có mặt của S-400

Trong tình huống Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa S-400 với 4 – 6 tiểu đoàn tên lửa, mỗi tiểu đoàn có 12 ống phóng đạn. Trong điều kiện S-400 thay thế vị trí của S-300 PMU1 hiện tại. Hệ thống S-400 tập kết trên một khu vực tương tự như ở sân bay quân sự Hmeymin của Syria.

S-400 giúp Việt Nam lập hàng loạt “vùng cấm bay“ ảnh 8

Hệ thống S-400 có tầm quan sát mục tiêu lên đến 600 km, hoàn toàn bao trùm lên các cụm sân bay nằm dọc biên giới Việt Nam và trên đảo Hải Nam, dễ dàng phát hiện các cụm không quân tác chiến đường không xuất kích và theo dõi hướng bay, đồng thời cũng có thể phát hiện và theo dõi mọi phương tiện bay khác nhau bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Bất cứ động tĩnh nào trên không trong khu vực này cũng sẽ lọt vào tầm theo dõi của hệ thống radar S-400 và có thể là các hệ thống cảnh báo sớm tầm xa khác của Việt Nam...

Tầm xa chiến đấu của S-400 có khoảng cách lên đến 250 km, do đó hai căn cứ không quân của trung đoàn 927, 923 đều nằm trong ô phòng không của hệ thống tên lửa này. Các máy bay tiêm kích đa nhiệm chủ lực Su-30MKI hoàn toàn có thể phối kết hợp với lực lượng phòng không thực hiện nhiệm vụ xuất kích chiếm ưu thế trên không.

Cùng với các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm gần khác, trong đó có các tổ hợp tên lửa S-125 hiện đại hóa, Buk – M2, (Tor-M2, Pantsir – S1) và các tổ hợp pháo, tên lửa phòng không tầm thấp hiện có khác tạo ra một hệ thống phòng không nhiều tầng nhiều lớp.

Hệ thống phòng không với S-400 làm nòng cốt có thể vươn rộng khoảng cách tấn công, đánh chặn các phương tiện bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên nhiều tuyến khác nhau ngay từ khi các nguy cơ này bắt đầu xâm nhập vào không phận hoặc tuyến phân chia ranh giới Vịnh Bắc Bộ.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU được di chuyển vào miền Trung, gần với quân cảng Cam Ranh và Đà Nẵng, trở thành ô phòng không bảo vệ bàn đạp xuất kích ngăn chặn các hoạt động tác chiến Không – Biển của kẻ địch trên biển Đông.

Từ những suy luận trên, với S - 400 Việt Nam có thể hình thành hệ thống Chống tiếp cận/Chống xâm nhập - A2/AD với tầm xa lên đến 250 km, bao trùm hầu hết biên giới phía bắc và khu vực Vịnh Bắc Bộ, đồng thời đảm bảo phòng không cho căn cứ hải quân chiến lược miền Trung hướng ra phía Trường Sa và Hoàng Sa.

Với S-400, kẻ địch sẽ mất ưu thế số lượng trên biển Đông, bởi lẽ hệ thống tên lửa đáng sợ này có thể bao phủ tầm giám sát tới đảo Hải Nam, khu vực này hoàn toàn sẽ nằm trong tầm không kích của không quân Việt Nam, kể cả máy bay cường kích mang bom Su-22 UM-3K.

TTB