Bộ Quốc phòng Nga hôm 12/7 công bố một bức ảnh cho thấy các nhân sự của họ đang chuyển các trang thiết bị của S-400 lên một chiếc phi cơ Anatolev An-124 để bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó công bố một đoạn video cho thấy S-400 đã được bàn giao cho họ, như một phần trong thỏa thuận mua bán vũ khí mà hai bên ký kết từ tháng 4/2017.
Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, Mỹ đã ra sức kêu gọi nước đồng minh NATO này hủy thỏa thuận với Nga, cùng lúc đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt và hủy luôn hợp đồng mua mẫu phi cơ chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 của Ankara. Thế nhưng Ankara vẫn chơi bài rắn, và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có vẻ càng quyết tâm mua S-400 hơn sau khi có cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản hồi tháng trước. Trong cuộc trò chuyện, ông Trump đổ lỗi cho chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama đã không bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này phải quay sang mua S-400 của Nga.
"Họ đã không để ông ta mua mẫu tên lửa mà ông ta muốn mua, đó là Patriot" - ông Trump nói lúc bấy giờ - "Ông ấy là một thành viên NATO. Ông ấy đã trở thành bạn của tôi. Và các bạn nên đối xử công bằng với ông ấy. Tôi cho rằng ông ấy đã không được đối xử công bằng".
"Tôi nghĩ đó là một mớ hỗn độn" - ông Trump nói thêm - "Thành thực mà nói thì đây không phải lỗi của ông Erdogan".
Và sau cuộc trò chuyện này, Reuters dẫn lời ông Erdogan nói rằng, ông đã nhận được lời đảm bảo "cá nhân" từ ông Trump rằng Ankara sẽ không phải chịu đòn trừng phạt nào vì thương vụ S-400.
Mỹ vốn có lịch sử khá nhập nhằng về việc trừng phạt các nước lựa chọn mua S-400 của Nga. Một điển hình là việc Washington trừng phạt Trung Quốc vì mua hệ thống này, nhưng lại tạm tha cho Ấn Độ - nước cũng có thỏa thuận mua S-400 của Nga. Một mối quan ngại lớn khác hiện nay là việc liệu Mỹ có hủy thỏa thuận mua F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Và trong lúc thông tin về S-400 đã được chuyển giao tới Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm thứ Sáu vừa qua, điều người ta muốn ngóng nhất chính là phản ứng mà Lầu Năm Góc đưa ra trong một cuộc họp báo đã lên lịch sẵn. Thế nhưng nó lại không được tổ chức.
Thay vào đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ đơn giản là đưa ra một tuyên bố nói rằng Lầu Năm Góc "đã nắm thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400" và rằng "quan điểm của Bộ liên quan tới thương vụ F-35 vẫn không thay đổi". Ông Esper nói rằng ông sẽ gọi điện cho đối tác Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong ngày.
Cả Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đều xác nhận rằng, ông Esper đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó công bố một văn bản trong đó nói rằng "Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng thủ khu vực, cùng với vấn đề liên quan tới Syria, đã được thảo luận trong cuộc điện đàm".
"Nhấn mạnh về việc Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong chương trình phát triển F-35 và rằng chương trình này nên được tiếp tục, ông Akar nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ nguyên đề xuất thành lập một nhóm làm việc chung - trong đó có thể bao gồm NATO - để đánh giá về khả năng tác động giữa F-35 và S-400" - Văn bản trên nêu rõ.
"Ông Akar nói, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện tất cả các cam kết của mình trong chương trình F-35 và vẫn giữ quan điểm của mình" - văn bản có đoạn - "Bộ trưởng Akar nhấn mạnh rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 không có nghĩa rằng chúng tôi thay đổi định hướng chiến lược, đồng thời nhắc lại rằng sự suy giảm trong mối quan hệ song phương sẽ không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hay NATO".
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cả hai bên đã nhất trí tổ chức cuộc họp tại Ankara trong tuần tới để thảo luận về việc thiết lập một vùng an toàn ở Syria - nơi mà cả hai nước đang hậu thuẫn các phe phái nổi dậy khác nhau.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn các nhóm nổi dậy người Hồi giáo dòng Sunni, đặt họ ở vị trí đối đầu với Nga và Iran; nhưng cả 3 thế lực này đều đang tích cực tìm kiếm một giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm ở Syria. Cả 3 bên đều kêu gọi Mỹ rút quân, và Ankara đặc biệt muốn nắm được những khu vực mà nhóm chiến binh người Kurd - được Mỹ hậu thuẫn - đang chiếm đóng. Trong khi đó, Nga và Iran muốn Chính phủ Syria giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.
Theo Newsweek