Không khó để đoán rằng, khi Nhà Trắng quyết định rút toàn bộ quân Mỹ, thì đồng minh chính của Mỹ tại Syria là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với chủ lực là Các đơn vị bảo vệ Nhân dân Kurd - YPG và Đảng Lao động người Kurd PKK sẽ bị bỏ mặc, phải đối mặt với chiến dịch tấn công tiềm tàng của nhóm nổi dậy Quân đội Syria tự do FSA được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ. Tương lai của những khu vực do người Kurd kiểm soát sẽ tương tự như Afrin. Hành động này của Mỹ có thể là để ngăn chặn Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Nhà Trắng đồng thuận cho Ankara mua một hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa Patriot, với giá thành ước tính khoảng 3,5 tỷ USD.
Thông báo được đăng vào tối ngày 18.12.2018 trên trang web chính thức Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA). Hệ thống bán cho Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 80 tên lửa Patriot MIM-104E Guidance Enhanced (tăng cường khả năng dẫn đường) và 60 tên lửa PAC-3 Missile Segment Enhancement (tăng cường phân đoạn), cũng các phương tiện, trang thiết bị đi cùng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần bỏ qua hệ thống Patriot. Năm 2013, Ankara dự kiến chọn hệ thống phòng không HQ-8 của Trung Quốc, sau đó hủy hợp đồng. Năm 2017, Ankara lại bỏ qua Patriot khi khẳng định hoàn tất hợp đồng mua S-400.
Trong cả hai lần bỏ qua Patriot, Thổ Nhĩ Kỳ đều khăng khăng đòi phải chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa liên quan đến Patriot trước khi Ankara nghiên cứu xem xét mua sắm hệ thống này, nhưng phía Mỹ từ chối. DSCA tuyên bố rằng một số các kỹ thuật công nghiệp thuộc loại nào đó có thể được chuyển giao đáp ứng yêu cầu với thỏa thuận mua sắm trang thiết bị. Nhưng tại thời điểm đưa ra tuyên bố, những điều khoản phụ của thỏa thuận không được đề cập. Những điều khoản này sẽ chỉ được xác định trong các cuộc đàm phán giữa quốc gia mua sắm và nhà thầu.
Hệ thống S-400 là một áp lực chính trong mối quan hệ đồng minh quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Lầu Năm Góc và lãnh đạo NATO tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ không được phép đưa S-400 vào hệ thống phòng không - không quân của đồng minh. Ví dụ như tích hợp S-400 với F-35. Vì trên nguyên tắc Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO.
Hai hệ thống tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa khác nhau về mục đích yêu cầu khai thác sử dụng. Hệ thống S-400 là hệ thống phòng không di động lớn, được thiết kế để triển khai phía sau chiến tuyến, bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, với tầm bắn rất xa. Patriot, là hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa tầm trung.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng Patriot để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa và phòng không, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực. Hệ thống vũ khí sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại sự xâm lược của kẻ thù, bảo vệ các đồng minh NATO khi thực hiện huấn luyện và tiến hành các hoạt động chiến đấu trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài các tên lửa được cung cấp, gói trang thiết bị bao gồm 4 tổ hợp radar AN/MPQ-65, bốn sở chỉ huy, điều hành tác chiến, 10 cụm ăng-ten cột, 20 tổ hợp phóng M903 và 5 hệ thống trạm nguồn (Electrical Power Plant) III.
Tương tự với tất cả các thông báo của DSCA, giá thành và số lượng trong hợp đồng có thể bị thay đổi cả vào phút cuối. Thượng viện phải đồng thuận trước khi chính phủ quốc gia khách hàng và chính phủ Mỹ đàm phán thống nhất hợp đồng.
Tên lửa phòng không MIM-104E là phiên bản nâng cấp của MIM-104C với phần mềm được cập nhật cho đầu tự dẫn sử dụng radar bán chủ động và đầu đạn nổ phá mảnh mạnh, tối ưu hóa khu vực phân mảnh (một kỹ thuật tương tự được sử dụng trong đầu đạn 48H6E2/DM của S-300PMU và S-400 "Triumph" nhằm tăng hiệu quả đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật).
Tên lửa MIM-104E GEM-T SAM có tầm bắn khoảng 160-200km, không lớn hơn tên lửa của hệ thống Triumph S-400 của Rosoboronexport. Tên lửa 48N6DM S-400 có phạm vi đánh chặn đến 250km, tốc độ bay lớn hơn (v= 9000km/h so với 6000km/h của tên lửa GEM-T), tốc độ mục tiêu bị đánh chặn (4800m/s so với 2200m/s).
Điểm đặc biệt là hệ thống đánh chặn tên lửa MIM-104F PAC-3MSE. Mặc dù tốc độ bay của tên lửa và tốc độ của mục tiêu tương đương nhau, nhưng tên lửa có khả năng phá hủy tên lửa đạn đạo bằng phương pháp tấn công động năng va chạm (hit - to kill). Để thực hiện được điều này, cần dẫn đường chính xác như phân ly trên quỹ đạo tên lửa. Do đó hệ thống tự dẫn đầu đạn được lắp một radar chủ động hoạt động trên dải tần số Ka-milimet, điều khiển khả năng cơ động bằng một vành đai các ống phụt phản lực phần đầu của tên lửa đánh chặn MIM-104F.
Đầu tự dẫn chủ động và hệ thống vành đai động lực khí cho phép tên lửa đánh chặn có thể tiêu diệt thành công hơn các tên lửa hành trình có khả năng cơ động cao, ẩn nấp trước AN/MPQ-65 bằng độ cao gò đồi, hẻm núi trên địa hình hoặc nằm dưới đường chân sóng radio (bay ở tầm thấp bức xạ radar không với tới), tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu cơ động vượt tải đến 20-25G .
Mặc dù Mỹ đã xuống thang rất nhiều, tuyên bố rút quân ra khỏi Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa từ bỏ S-400, do tầm bắn quá lớn của tên lửa 48N6DM, thông số năng lượng cao hơn 2,5 lần của radar 92H6E so với radar Mỹ và khả năng tiêu diệt mục tiêu có tốc độ lên tới 17.280km/h.
Những tính năng kỹ chiến thuật của S-400 không chỉ phòng không toàn bộ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn khống chế đường không cả khu vực. Điều này thực sự là mơ ước của Ankara khi quốc gia này muốn có một vị thế ảnh hưởng lớn đến các quốc gia Hồi giáo. Nhưng việc Mỹ nhượng bộ và bán cho Ankara tên lửa Patriot không có nghĩa là an ninh quốc gia này đã được bảo đảm. Washington có thể có một kế hoạch khác, như gây hỗn loạn chính trị và thổi bùng nội chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu tình huống diễn ra như vậy, cả S-400 và Patriot đều vô nghĩa.