“Rụng như sung” tại Việt Nam, Mỹ cải tiến trực thăng thế nào?

VietTimes -- 270 chiếc AH-1A bị bắn rơi vẫn là con số khiêm tốn đối với trực thăng chiến đấu nếu so với trực thăng vận tải đa năng UH-1. Chỉ riêng phiên bản nâng cấp “H”, không tính các phiên bản khác, con số tổn thất đã vượt quá 1.300 chiếc trên chiến trường Việt Nam.
 Trực thăng tấn công AH-64 Apache bị bắn hạ trên chiến trường Iraq
Trực thăng tấn công AH-64 Apache bị bắn hạ trên chiến trường Iraq
Chiếc trực thăng Apache bị bắn hạ và những người dân Iraq

Ngày 24.03.2003, truyền thông mạng xã hội dậy sóng vì một tin gây sốc từ Iraq. Theo các bản tin từ quốc gia này, đêm 23 rạng ngày 24.03.2003, người nông dân Iraq Ali Obeid Mangash, bằng khẩu súng săn của mình đã bắn hạ một máy bay trực thăng tấn công Mỹ AH-64 Apache.

Nhờ có chiến công này, Ali Obeid Mangash nhận được giải thưởng vẻ vang của nhà nước Iraq với một khoản tiền là 50 triệu dinar. Thông tin về sự cố chiếc trực thăng nổi tiếng Apache bị bắn rơi bởi một khẩu súng săn trở thành nguồn cảm hứng cho hàng nghìn câu chuyện đùa ác ý, đả kích và bôi nhọ ngành công nghiệp chế tạo máy bay trực thăng Mỹ. Tất nhiên không thể có chuyện một viên đạn súng săn có thể gây tổn thất cho chiếc trực thăng chiến đấu, có khả năng chịu được đạn phòng không 12,7 mm.

Sau khi chiến tranh kết thúc, các phóng viên mới có thể làm sáng tỏ được vấn đề cụ thể. Người nông dân Iraq Ali Mangash phát hiện ra chiếc Apache trên cánh đồng sau khi chiếc máy bay bị rơi nhiều giờ. Ngay sau khi Mangash thông báo cho cơ quan chức năng, một nhóm truyền hình Iraq lập tức có mặt, thực hiện một phóng sự liên quan đến “chiến tích” này. Bất chấp những thông tin mới làm thay đổi bản chất sự kiện, huyền thoại về khẩu súng săn và chiếc Apache vẫn tiếp tục tồn tại và lan rộng.

Cho đến ngày nay, vẫn không ai biết những người hùng thật sự – xạ thủ phòng không Iraq đã bắn hạ chiếc Apache trong thời gian chiến tranh. Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn không phải là danh tính của các xạ thủ súng phòng không bắn hạ chiếc trực thăng, mà là vẫn đề những nguy cơ và tổn thất đe dọa trực thăng chiến đấu trong một cuộc chiến tranh phi quy ước. Chiếc Apache danh giá đã phục vụ nhiều thập kỷ và có được sự nổi tiếng trên toàn cầu. Hơn thế nữa, trong suốt thời gian khai thác sử dụng đến tận ngày nay, trong tất cả mọi tình huống cũng như quốc gia, chỉ có khoảng một vài trăm chiếc bị phá hủy.  

"Cobra" trên chiến trường Việt Nam

Nếu so sánh Apache với các máy bay tiền nhiệm thì tổn thất của Apache thực sự khá nhỏ. Chiếc trực thăng chiến đấu đầu tiên tham gia 1 chiến trường thực sự là Bell AH-1 Cobra. Theo thông tin của quân đội Mỹ, trong khoảng 7 năm thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cho các chiến dịch của quân đội Mỹ trên bầu trời Việt Nam, khoảng 270 chiếc Cobra bị bắn hạ. Mặc dù không quân Mỹ khống chế không phận, máy bay được thiết kế với những tấm giáp bảo vệ kíp lái và những bộ phận quan trọng của máy bay trước hỏa lực của súng bộ binh, các chiến sĩ Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam cũng vẫn bắn hạ hoặc phá hỏng hàng trăm chiếc trực thăng tấn công AH-1 Cobra.

Do lực lượng vũ trang Miền Nam Việt Nam chỉ được trang bị các loại vũ khí đơn giản, đại đa số Cobra bị các loại súng bắn thẳng như súng máy phòng không DShK 12, 7mm, súng phòng không 14,5 mm hoặc các loại tương đương, trong nhiều trường hợp Cobra bị bắn hạ bởi súng bộ binh, giai đoạn cuối chiến tranh bị bắn hạ bằng tên lửa phòng không vác vai. Nhưng đại đa số các máy bay trực thăng tấn công bị tiêu diệt hoặc bắn hỏng bằng vũ khí bộ binh các cỡ nòng.

“Rụng như sung” tại Việt Nam, Mỹ cải tiến trực thăng thế nào? ảnh 2Trực thăng tấn công Cobra trên chiến trường Việt Nam

Trong chiến tranh Việt Nam thể hiện rõ nét tính đối kháng đặc trưng của lực lượng phòng không chiến trường và lực lượng trực thăng chiến đấu. Trong hầu hết các trận đánh, trực thăng tấn công Cobra đều phải bay trên độ cao thấp, sử dụng hỏa lực yểm trợ bộ binh tấn công hoặc phòng ngự, chính vì vậy trực thăng luôn là mục tiêu của các loại vũ khí bộ binh và pháo phòng không tầm thấp. May mắn là tính cơ động của Cobra so với các loại trực thăng khác cao hơn rất nhiều, lại được bọc giáp ở những bộ phận trọng yếu nên số lượng tổn thất tương đối thấp hơn so với các loại trực thăng khác trong chiến tranh Việt Nam.

270 chiếc AH-1A là con số khiêm tốn đối với trực thăng chiến đấu nếu so với trực thăng vận tải đa năng UH-1. Chỉ riêng phiên bản nâng cấp “H”, không tính các phiên bản khác, con số tổn thất đã vượt quá 1.300 chiếc. Nhưng chính con số tổn thất nhỏ đã khiến các nhà quân sự trên thế giới tập trung sự quan tâm vào cấu trúc thiết kể và phương thức khai thác sử dụng các máy bay trực thăng chiến đấu.

Trước hết, để tránh bị bắn hạ bởi hỏa lực vũ khí bộ binh, các nhà quân sự tập trung vào sự cần thiết phải gia tăng tầm bắn của các loại vũ khí trên máy bay. Ví dụ, các loại tên lửa có điều khiển của trực thăng tấn công cho phép các phi công – xạ thủ có thể tấn công trên khoảng cách từ 2,5-3 km, đảm bảo độ an toàn cao trước khả năng đánh trả của vũ khí bộ binh.

Đây cũng chính là nguyên nhân đầu tiên mà các phiên bản nâng cấp Cobra được trang bị tên lửa hạng  AGM-71 TOW, làm gia tăng đáng kể khả năng tấn công và giảm thiểu tổn thất của trực thăng chiến đấu Mỹ.

Hai cuộc chiến tranh có sử dụng AH-64 Apache

Tư duy tiến hành các cuộc tập kích đường không vào mục tiêu đối phương mà không cần phải bay vào vùng sát thương của các tổ hợp súng phòng không được thể hiện rất rõ trong cấu trúc thiết kế và chế tạo máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache của liên minh các hãng Hughes/McDonnell Douglas/Boeing.

“Rụng như sung” tại Việt Nam, Mỹ cải tiến trực thăng thế nào? ảnh 3 Trực thăng tấn công AH-64 Apache của liên minh các hãng Hughes/McDonnell Douglas/Boeing.

Những năm đầu tiên, các máy bay trực thăng chỉ được sử dụng trong các cuộc xung đột cường độ thấp. Một số máy bay trực thăng Apache tổn thất hoàn toàn trong điều kiện thời binh, do hỏng hóc kỹ thuật và lỗi điều khiển máy bay của phi công.

Cuộc xung đột lớn đầu tiên có sự tham gia tích cực của AH-64 là cuộc chiến ở Afghanistan. Theo những dữ liệu có được, trong cuộc tiến công của liên minh Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế ISAF do NATO lãnh đạo, kể từ đầu cuộc chiến cho đến thời điểm này, chỉ có 13 chiếc AH-64 bị phá hủy. Đặc điểm tình hình nói chung là đối phương không có khả năng tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả chống lại các máy bay trực thăng chiến đấu. Theo thông tin chính thức từ Lầu Năm Góc, không có một chiếc Apache nào bị Taliban bắn hạ.

Tuyên bố này thực sự gây ngạc nhiên cho các nhà bình luận quân sự. Trên thực thế, taliban sở hữu nhiều vũ khí phòng không, trong đó có cả MANPAD và hoàn toàn có thể tấn công hiệu quả các máy bay trực thăng của Mỹ. Đồng thời có một thực tế ủng hộ cho tuyên bố của Lầu Năm Góc, mặc dù tình huống chiến tranh du kích không ủng hộ thực tế này là Mỹ và Anh thường xuyên sử dụng AH-64 Apache, tấn công công trên khoảng cách ngoài tầm hỏa lực của các loại súng phòng không mặt đất như ZSU – 23-2.

Trong cuộc chiến tranh Iraq, trực thăng chiến đấu Apache gánh chịu những tổn thất đáng kể. Lực lượng vũ trang Iraq, trong cuộc chiến chống lại lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu, sau hơn 4 năm chiến tranh (từ tháng 03.2003 đến tháng 07.2005 bắn hạ 31 chiếc AH-64 của khối NATO. Chiếc đầu tiên bị bắn hạ chính là chiếc máy bay “chiến lợi phẩm” của người nông dân Iraq Mangash, trở thành nổi tiếng nhờ các phương tiện truyền thông quốc tế.

Theo thông tin chính thức của phương Tây, trong số 31 chiếc Apache bị phá hủy, 12 chiếc bị hỏa lực phòng không bắn hạ, 4 chiếc bị phá hủy trong các đợt pháo kích, một chiếc bị phá hủy bởi hỏa lực thân thiện của đồng minh. Số còn lại bị rơi và phá hủy do các nguyên nhân kỹ thuật hoặc do lỗi của phi công hoặc do sự cố xảy ra trên sân bay. Mặc dù vậy, những tổn thất của trực thăng chiến đấu ở Iraq cho thấy lực lượng phòng không của Saddam Hussein tác chiến tương đối hiệu quả.

Theo những thông tin thu nhận được, đại đa số những máy bay trực thăng tấn công ở Iraq cũng như các máy bay bị tổn thương đều do hỏa lực của súng, pháo phòng không. Ngoài ra, một trong 12 chiếc Apache bị bắn hạ bởi tên lửa chống tăng.

“Rụng như sung” tại Việt Nam, Mỹ cải tiến trực thăng thế nào? ảnh 4
“Rụng như sung” tại Việt Nam, Mỹ cải tiến trực thăng thế nào? ảnh 5Trực thăng tấn công AH-64 Apache bị bắn hạ trên chiến trường Iraq

Phân tích kết quả những trận đánh đầu tiên ở Iraq, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ thừa nhận sự liên kết phối hợp tốt của các đơn vị phòng không Iraq. Sử dụng hệ thống giám sát hiện tại từ radar đến tuần tra giám sát thông thường, người Iraq có thể phát hiện kịp thời các cuộc tấn công của không quân Mỹ và có những hành động phản kích thích hợp.

Ngay trong những ngày đầu tiên, lực lượng pháo phòng không Iraq nhận được mệnh lệnh không khai hỏa khi chưa cắt điện hoàn toàn trong khu vực, điều đó khiến các phi công Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm phát hiện vũ khí trang bị của quân đội Iraq.

Trong cuộc không kích đánh vào vị trí của sư đoàn "Medina" đêm 24.03.2003, lực lượng súng – pháo phòng không các cỡ nòng của Iraq gây tổn thất bằng đạn và mảnh đạn pháo cho 30 máy bay trực thăng chiến đấu Mỹ, một chiếc bị bắn hạ bởi súng phóng lựu chống tăng. Máy bay bị vỡ động cơ nhưng kíp lái vẫn cố gắng đưa máy bay về đến Kuwait.

1/3 trực thăng chiến đấu trong số các máy bay bị tổn thương trên chiến trương đêm ngày 24.03 được sửa chữa trong vài ngày, số còn lại được đưa trở về đội hình chiến đấu một thời gian sau đó.

Trong đêm giao chiến này, súng phòng không Iraq gây tổn thất nặng nề cho chiếc trực thăng số hiệu sản xuất 99-5135, chính chiếc trực thăng này người nông dân Iraq đã tìm thấy trên cánh đồng của mình và trở thành ngôi sao của truyền thông.

Một vấn đề thú vị là một số trực thăng AH-64 quay trở lại căn cứ vẫn còn nguyên cơ số tên lửa chống tăng, phòng không Iraq đã ngăn chặn không cho các máy bay này tấn công xe tăng Iraq.

Đến cuối năm 2003, lực lượng phòng không Iraq đã bắn hỏng và bắn cháy khoảng 10 chiếc AH-64 các phiên bản khác nhau. Đồng thời những khó khăn trong việc cung cấp hậu cần kỹ thuật cho chiến tuyến đã khiến Bộ tư lệnh tiền phương quân đội Mỹ thay đổi chiến thuật khai thác sử dụng trực thăng tấn công. Trực thăng AH-64 không thực hiện tấn công sâu vào hậu phương kẻ thù mà chỉ thực hiện các chuyến bay trinh sát hỏa lực và trực tiếp đảm nhiệm chi viện hỏa lực cho bộ binh tấn công trên sa mạc.

Bất chấp chiến thuật đã thay đổi, trực thăng tấn công AH-64 tiếp tục bị tổn thương và bị bắn rơi trên chiến trường. Chính vì những tổn thất này, trong Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ bắt đầu xuất hiện những ý kiến về vấn đề, có thích hợp để sử dụng các máy bay trực thăng tấn công, có hệ thống bảo vệ yếu trên chiến trường hay không. Trong các cuộc hội thảo, các nhà làm luật nhặc nhở về những chiếc Apache bị bị bắn hoặc bị xuyên thủng nhiều chỗ vì đầu đạn và mảnh đạn pháo phong không.

Nhưng việc nâng cấp khả năng phòng thủ của trực thăng AH-64 trước đây và hiện nay đòi hỏi một sự thay đổi lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như vỏ máy bay, cánh quạt, động cơ và cả khả năng được tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ khác nhau của Mỹ chấp thuận. Đó là cả một quá trình dài và tốn kém, khó có thể được Lầu Năm Góc chấp thuận, do đó những cải tiến mới của Apache về khả năng bảo vệ vẫn rất thấp tương tự như 10 năm trước.

Từ kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam và những máy bay trực thăng tấn công bị hạ trên bầu trời Iraq, có thể nhận thấy rất rõ: để hạn chế năng lực tác chiến của các trực thăng tấn công, phương án tối ưu hiện nay vẫn là tổ chức hệ thống phòng không súng – pháo – tên lửa vác rộng khắp trên chiến trường, có khả năng tạo dựng lưới lửa dày đặc và bất ngờ, kềm chế năng lực tác chiến của loại phương tiện chiến tranh nguy hiểm này và có thể gây tổn thất nặng nề cho không quân cánh xoay của đối phương.

TTB