Rúng động đoạn tweet khó hiểu về “Chiến lang” của sứ quán Trung Quốc ở Ireland

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại sứ quán Trung Quốc tại Ireland ngày 1/4 đã đăng một bản tweet, dẫn truyện ngụ ngôn của Aesop “Chó sói và cừu non". Tuy nhiên nhiều người đọc xong đều nhận xét họ không hiểu sứ quán Trung Quốc định nói gì.
Sứ quán Trung Quốc tại Ireland hứng chịu giễu cợt, nhạo báng vì mập mờ khi dẫn truyện ngụ ngôn "Chó sói và cừu non" của Aesopp (Ảnh: Đông Phương).
Sứ quán Trung Quốc tại Ireland hứng chịu giễu cợt, nhạo báng vì mập mờ khi dẫn truyện ngụ ngôn "Chó sói và cừu non" của Aesopp (Ảnh: Đông Phương).

Câu đầu tiên của bản tweet là hỏi "Ai là sói?" và viết tiếp: “Một số người đã buộc tội Trung Quốc về cái gọi là ‘ngoại giao Chiến lang’. Trong truyện ngụ ngôn nổi tiếng của mình, Aesop đã mô tả cách con sói cáo buộc con cừu phạm tội. Chó sói là chó sói, không phải là cừu. Nhân tiện xin nói rõ, Trung Quốc không phải là cừu”.

Tuần báo The Spectator của Anh ngày 1/4 đưa tin, 20 giờ sau khi bản tweet này được đăng tải, một người dùng internet khi phản hồi lại bản tweet này nói rằng khi ông học câu chuyện ngụ ngôn này ở trường lúc còn nhỏ, ngụ ý của nó là "một bạo chúa luôn có thể tìm cớ cho sự chuyên chế của mình". Người này hỏi tiếp "Nhưng (bạn nói) Trung Quốc không phải là một con cừu”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ireland đã đăng tiếp một bản tweet. nhưng với nội dung cũng khiến người ta khó hiểu: “The wolf of current generation has evolved to call the lamb a wolf” (Chó sói của thế hệ này đã diễn biến đến mức cừu được gọi là sói).

Bản tweet gây sóng gió của Đại sứ quán Trung Quốc ở Ireland (Ảnh: Đông Phương)

Bản tweet gây sóng gió của Đại sứ quán Trung Quốc ở Ireland (Ảnh: Đông Phương)

Cùng ngày, tờ The Guardian của Anh dẫn lời ông Victor Shih, Phó giáo sư tại Đại học California, San Diego, một học giả chính sách và chuyên gia khoa học chính trị tại Ngân hàng Trung Quốc, cho biết: "Tôi thực sự không nghĩ rằng nhân viên đại sứ quán muốn mô tả Trung Quốc như một con sói trong truyện ngụ ngôn này, nhưng tôi thực sự không biết họ muốn thể hiện điều gì thông qua truyện ngụ ngôn này. Có vẻ như họ muốn nói rằng Trung Quốc vô tội như con cừu trong truyện ngụ ngôn. Trừ khi Trung Quốc là một con sói, đừng (trích dẫn) sử dụng truyện ngụ ngôn”.

Trang VOA tiếng Trung ngày 2/4 đăng bài giễu cợt “Đại sứ quán Trung Quốc tại Ireland đã đăng một bài viết tuyệt vời trên Twitter, nhưng không ngờ lại rơi vào bẫy của chính mình, bị độc giả phương Tây soi mói và chế giễu”.

Bản tweet của đại sứ quán Trung Quốc trích dẫn truyện ngụ ngôn của Aesop trong để phản bác những người chỉ trích Trung Quốc đang tiến hành “ngoại giao sói chiến” (Chiến lang), ngụ ý rằng những người chỉ trích Trung Quốc là những kẻ viện đủ thứ cớ để ăn thịt cừu giống như chó sói, nhưng ở cuối bản tweet, tác giả rõ ràng lại không muốn phương Tây coi Trung Quốc là một con cừu non. Dòng tweet hỗn loạn về mặt logic này đã khơi dậy sự chế giễu từ người xem, đồng thời nêu bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của các nhà ngoại giao Trung Quốc khi vừa phải phản bác những lời chỉ trích của quốc tế, lại vừa phải đáp ứng những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước.

VOA bình luận, rõ ràng, các nhà ngoại giao Trung Quốc muốn sử dụng câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa của phương Tây để phản công rằng, các lực lượng phương Tây cáo buộc Trung Quốc là Chiến lang mới chính là những con sói, để ăn thịt những con cừu non, họ thêu dệt ra đủ thứ tội.

Bản tweet giễu cợt của trang The Relevant Organs (Ảnh: VOA).

Bản tweet giễu cợt của trang The Relevant Organs (Ảnh: VOA).

Nhưng khi viết đến đây, tác giả của bản tweet rõ ràng nhận ra rằng có một vấn đề về logic khi trích dẫn câu chuyện ngụ ngôn này: nó giống như việc nói rằng Trung Quốc là con cừu bị chó sói ăn thịt. Đối với khán giả trong nước ở Trung Quốc, cho dù những nhà lãnh đạo hàng đầu tin rằng Trung Quốc đã trở thành trung tâm của sân khấu thế giới, hay đông đảo người dân bình thường với tình cảm dân tộc cao, làm sao họ có thể chấp nhận khi mô tả Trung Quốc như một con cừu non?

Làm thế nào để nhảy ra khỏi cái hố đã tự đào cho chính mình? Tác giả quay ngoắt ở cuối bản tweet: "Nhân tiện xin nói rõ, Trung Quốc không phải là cừu”.

Trung Quốc rốt cục là sói hay cừu? Có vẻ như chính nhà ngoại giao Trung Quốc đã viết bản tweet này cũng không nói rõ được.

Một bản tweet về Chiến lang như vậy đã thu hút rất nhiều lời chế giễu và nhạo báng. Vì bản tweet này xảy ra vào dịp ngày 1 tháng 4 Cá Tháng Tư, một số người đã tweet: “Đây chắc là chuyện Cá tháng Tư?”

The Relevant Organs, một tài khoản Twitter với gần 50.000 người theo dõi, đã chế nhạo bản tweet này của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ireland: “So, to be clear, the West is the Wolf. But China is not a lamb! The west thinks China is a lamb. But China is actually a larger wolf that looks like...a lamb? Shit. That doesn't work. Give us a minute. https://twitter.com/ChinaEmbIrelan (À, nói rõ ràng chút, phương Tây là chó sói. Nhưng Trung Quốc không phải là cừu! Phương Tây nghĩ Trung Quốc là một con cừu non. Nhưng Trung Quốc thực sự là một con sói lớn, có điều trông giống như ... một con cừu? Cứt thật! Điều này không ổn. Hãy cho chúng tôi một chút thời gian để suy nghĩ thêm”.

Bản tweet nhận xét về các nhà ngoại giao Trung Quốc của James Palmer

Bản tweet nhận xét về các nhà ngoại giao Trung Quốc của James Palmer

Tờ The Guardian của Anh đưa tin, mặc dù bản tweet này gây ra sự chế giễu nhưng nó cũng cho thấy các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng muốn thể hiện sự cứng rắn với thế giới bên ngoài, bất kể thực tế họ có làm tốt hay không.

James Palmer, Phó Tổng biên tập của trang web Foreign Policy (Chính sách đối ngoại của Mỹ), người từng là phóng viên ở Trung Quốc. nói rằng có vẻ như các nhân viên cấp dưới của sứ quán Trung Quốc đã cố gắng sử dụng truyện ngụ ngôn để cho thấy phương Tây kiên quyết buộc tội Trung Quốc vô tội như thế nào, cũng giống như con sói trong truyện ngụ ngôn. Phương Tây sẽ tìm mọi cách để có thể để làm như vậy. Nhưng cuối cùng, con sói phát hiện ra rằng mình không thể che giấu. Ông nói rằng Trung Quốc không thể được miêu tả như một con cừu yếu ớt sẽ bị sói ăn thịt. Palmer cho rằng vì Trung Quốc hùng mạnh và quyền lực nên người viết dòng tweet này đã thêm từ “BTW”.

James Palmer cho rằng trong nhiều trường hợp, những nhận xét cứng rắn của các nhà ngoại giao Trung Quốc thực sự là để cấp trên của họ ở Trung Quốc lắng nghe, hiệu quả của khán giả quốc tế như thế nào không mấy quan trọng. Palmer nói trong dòng tweet: “Ai quan tâm đến bản tweet này? Đầu tiên, đó là sếp của ông ta. Ông cần thể hiện rằng mình đang làm việc”.

Theo quan điểm của ông, đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc, việc một bản tweet ngu ngốc nhận được nhiều lời chế giễu cũng có thể có lợi, vì nếu đo ảnh hưởng của một bản tweet, họ quan tâm số lượng hơn là chất lượng.

Banr tweet gây ầm ĩ này hiện không còn được tìm thấy trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ireland nữa. Cũng cần lưu ý là Twitter bị chặn ở Trung Quốc.