Richard Chandler: 'Mộng' làm máy bay điện của cha đẻ quỹ đầu tư từng là cổ đông lớn ở FPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Richard Chandler là nhà sáng lập Richard Chandler Corp - công ty mẹ của Orchid Capital Investments (quỹ đầu tư từng nắm giữ 10,6% vốn FPT). Ông cũng có niềm tin sâu sắc đối với tương lai của máy bay điện.

Richard Chandler có niềm tin sâu sắc đối với tương lai của máy bay điện (Ảnh: Forbes)
Richard Chandler có niềm tin sâu sắc đối với tương lai của máy bay điện (Ảnh: Forbes)

Không gian tĩnh lặng vào một buổi chiều lạnh giá ở bang Washington bị phá vỡ bởi tiếng động cơ đinh tai nhức óc của một chiếc máy bay chiến đầu F/A-18 đang hạ cánh xuống đường băng. Bên trong một nhà kho gần đó là Eviation Alice - chiếc máy bay màu trắng được kỳ vọng sẽ tạo nên cơn 'địa chấn' của ngành hàng không.

Eviation Alice có 2 động cơ, trông giống một chiếc Cessna Citation lai với một khinh khí cầu, hoàn toàn chạy bằng pin và vào tháng 9 đã trở thành chiếc máy bay điện nặng nhất (hơn 16.000 pound) từng bay, theo Forbes.

Richard Chandler, tỷ phú 63 tuổi người Singapore, là ông chủ Eviation và công ty sản xuất động cơ điện của Alice, MagniX.

Máy bay chạy bằng điện được cho là có nhiều ưu điểm, kể như: giúp tiết kiệm và làm không khí sạch hơn. Tuy nhiên, để có được loại pin dùng cho những máy bay chở khách cỡ lớn thì có lẽ phải mất hàng thập kỷ nữa.

Các nhà đầu tư chủ yếu để tâm tới loại máy bay điện có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Các loại máy bay như vậy thường được gọi là 'taxi bay'.

Richard Chandler lại có một quan điểm khác: Tại sao không điện khí hóa những chiếc máy bay nhỏ thông thường (?).

Theo vị tỷ phú này, sẽ rẻ hơn và dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ thay đổi hệ thống đẩy của máy bay. Bên cạnh đó, ít thay đổi hơn sẽ giúp các cơ quan quản lý an toàn thấy “thoải mái hơn”.

Giải pháp đơn giản nhất là thay đổi động cơ xăng cũ trên các máy bay hiện có bằng động cơ điện. Hoặc có thể chế tạo một chiếc máy bay hoàn toàn mới, kiểu như Alice. Với Chandler, Alice chở 9 hành khách chính là “Tesla Model S của máy bay điện”.

Giống như chiếc xe chạy bằng pin trị giá 95.000 USD đầu tiên của Elon Musk, Alice vô cùng đắt đỏ (7 triệu đến 8 triệu USD/chiếc, cao hơn gấp đôi so với một động cơ tua-bin cơ bản có sức chứa tương tự) và phạm vi hoạt động giới hạn (tốt nhất là 250 dặm – tương đương khoảng 400km).

Nhưng Chandler tin rằng Alice sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển của máy bay điện trong một ngành công nghiệp vẫn còn hoài nghi về chúng.

Triển vọng của 'máy bay Tesla'

Eviation chưa có doanh thu đáng kể. MagniX đã giành được hợp đồng trị giá 74 triệu USD của NASA vào năm 2021 để phát triển động cơ điện cho máy bay lớn hơn.

Theo Forbes, hãng hàng không Harbor Air có trụ sở tại Vancouver đã thử nghiệm thủy phi cơ Beaver chạy bằng MagniX từ năm 2019. United Therapeutics cũng đang hướng mục tiêu tới các chuyến bay kéo dài hàng giờ với máy bay trực thăng Robinson R44 chạy bằng MagniX.

Eviation cho biết, công ty đang hướng đến việc trang bị thêm một chiếc máy bay nhỏ thông thường với động cơ 650 kilowatt với chi phí gần bằng với việc đại tu định kỳ một động cơ tua-bin cánh quạt tương đương.

Tuy nhiên, Chandler nói rằng động cơ của MagniX phải có giá cao hơn để bù đắp cho nhược điểm về độ bền của máy bay: doanh thu từ bảo trì thấp hơn, vốn là huyết mạch của các nhà sản xuất động cơ thông thường.

Trên toàn thế giới, McKinsey ước tính có khoảng 12.000 máy bay nhỏ cũ hơn, phù hợp để chuyển đổi sang hệ thống pin hoặc hybrid (MagniX cũng đang phát triển những hệ thống này). Bên cạnh đó, công ty đang hợp tác với công ty khởi nghiệp Universal Hydrogen ở Nam California để cung cấp năng lượng cho máy bay khu vực 40 chỗ ngồi bằng pin nhiên liệu.

Vị tỷ phú ưa đầu tư mạo hiểm

Là người gốc New Zealand, Richard Chandler chuyển đến Singapore vào năm 2006 và đang điều hành Tập đoàn Clermont. Theo Forbes, số tài sản ròng tại thời điểm thực của ông là 2,5 tỉ USD. Ông hiện xếp thứ 15 trong danh sách 50 tỷ phú giàu nhất Singapore

Richard Chandler đã quen với các khoản đầu tư mạo hiểm.

Từ giữa những năm 1980, ông đã gây dựng được khối tài sản trị giá 2,6 tỉ USD nhờ các khoản đầu tư mang tính chiến lược, trái ngược với nhiều ngành công nghiệp (viễn thông, tiện ích, tài chính) ở Nga và các quốc gia đang phát triển ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Ông đã chi tổng cộng khoảng 180 triệu USD cho Eviation và hàng chục triệu USD cho MagniX.

Ông được cho là nhà đầu tư giá trị và với tầm nhìn dài hạn, vì thế vượt qua được các thăng trầm bất thường trong ngắn hạn của thị trường. Với xuất phát điểm là 10 triệu USD tiền mặt nhờ bán các hoạt động kinh doanh do bố mẹ để lại, năm 1986, ông cùng người em mở công ty đầu tư Sovereign Global.

Sovereign sau đó đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư cực kỳ thành công ở Hồng Kông, Đông Âu, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc và nâng trị giá tài sản lên mức 2 tỉ USD vào năm 2006, theo Forbes.

Cũng trong năm 2006, hai anh em ông quyết định chia đôi quỹ Sovereign Global. Với số tài sản trị giá khoảng 1 tỉ USD, Richard Chandler đã lập nên Richard Chandler Corp. (RCC), tiếp tục kinh doanh các lĩnh vực như chăm sóc sức khoẻ, đầu tư tài chính, hàng không vũ trụ.

Tại Việt Nam, RCC gây tiếng vang với thương vụ mua lại Y khoa Hoàn Mỹ từ Fortis Healthcare, đầu tư vào CTCP FPT (Mã CK: FPT) và Masan Group thông qua công ty con Orchid Fund (nay đổi tên thành Orchid Capital Investments)./.

Nguồn tham khảo: Forbes