Quyết tâm hạ bệ tổng thống Trump sẽ kéo dài thêm 2 năm nữa (P.1)

LTS: Nhà phân tích Terry F.Buss đã có bài viết chi tiết cho VietTimes về cuộc điều tra 2 năm do công tố viên đặc biệt Robert Mueller thực hiện nhằm kết luận ông Donald Trump có cấu kết với người Nga để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không.
Tiến sĩ Terry Buss nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách Công, ĐH Carnegie Mellon, thành viên Hội đồng quốc gia Mỹ.
Tiến sĩ Terry Buss nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách Công, ĐH Carnegie Mellon, thành viên Hội đồng quốc gia Mỹ.

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.2016, rất nhiều những nhóm quyền lực, bao gồm cả truyền thông chủ lưu - nay còn được gán cho tên gọi là "Nhóm phản kháng" - đã cố gắng để loại bỏ quyền lực của ông Trump, hoặc là làm suy yếu nó hòng phá hoại khả năng điều hành đất nước của ông. Họ liên tục có những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhưng không thành công, chưa kể có những trường hợp họ hành động phi pháp, trái đạo đức, tấn công cả nền dân chủ của đất nước.

Vào thứ 5 tuần trước, Tổng Chưởng lý mới được chỉ định là ông William Barr đã đưa ra một bản báo cáo gọi là Báo cáo Mueller [ông Robert Mueller là công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra vụ ông Trump có dính líu tới người Nga trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016]. Bản cáo cáo này được nhiều người trông đợi sẽ "đóng cái đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của ông Trump", sẽ chứng minh được ông có cấu kết với người Nga, điện Kremlin và ngay cả với tổng thống Vladimir Putin để "đánh cắp" kết quả bầu cử khỏi ứng viên Dân chủ Hillary Clinton, người kế vị hiển nhiên của ông Barack Obama. Báo cáo Mueller cũng được trông đợi sẽ chứng minh rằng ông Trump đã cố tình "cản trở luật pháp" bằng cách sa thải giám đốc FBI James Comey là người khởi đầu cuộc điều tra vụ cấu kết với Nga, rằng ông Trump đã cố gắng gây ảnh hưởng lên cuộc điều tra theo hướng có lợi cho ông hoặc dừng nó lại.

Bản báo cáo kết luận điều gì

Bất kể người đọc ủng hộ hay chống lại ông Trump, bản báo cáo là một mớ hỗn độn không làm thỏa mãn được bất cứ ai. Cuộc điều tra của Robert Mueller về khả năng ông Trump cấu kết với Nga và cản trở luật pháp mất tới 2 năm để hoàn thành. Nó sử dụng toàn bộ lực lượng của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ, cùng với đội ngũ nhân viên điều tra của toàn bộ 26 ủy viên công tố, gần như tất cả họ đều chống lại ông Trump. Vụ điều tra tiêu tốn 35 triệu USD tiền thuế của người dân Mỹ.

May thay cho dân Mỹ, cuộc điều tra không tìm ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy ông Trump hay bộ máy tranh cử của ông có mưu đồ cùng người Nga, điện Kremlin và Putin, cũng như không thể kết luận ông Trump là tình báo Nga hoặc ông Putin nắm giữ và sử dụng những thông tin có thể gây tổn hại để tống tiền ông Trump. Nhưng ngay cả như vậy, như sẽ bàn dưới đây, những người chống Trump trong nghị viện, giới truyền thông và những đảng viên Dân chủ trên đại thể vẫn đang thúc đẩy cuộc điều tra Mueller tiếp tục, mặc dù họ cũng không biết ông Mueller đã kết luận điều gì.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đã thực hiện cuộc điều tra 2 năm để xác minh tổng thống Mỹ Donald Trump có cấu kết với Nga hay không.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đã thực hiện cuộc điều tra 2 năm để xác minh tổng thống Mỹ Donald Trump có cấu kết với Nga hay không.

Câu chuyện cấu kết với Nga, xét ở bình diện rộng lớn hơn, không phải là bản thân ông Trump mà chính là những nỗ lực của nhóm quan chức -- hay được gọi là nhóm " Nhà nước ngầm" (Deep State), nhất là các cơ quan tình báo quốc gia và FBI -- nhằm ngăn ông Trump trở thành tổng thống và khi không làm được vậy thì cố gắng sớm hạ bệ ông. Những người gây ra việc này thì bản thân đang bị điều tra hình sự. Ông Mueller chỉ đề cập tí chút chuyện này ngoài việc nói rằng ông Trump đã phải chịu áp lực ghê gớm từ những cuộc tấn công bởi các lực lượng chính trị. Các nhà chính trị đang biến Hoa Kỳ thành "một chế độ độc tài kêch cỡm thuộc thế giới thứ 3".

Về cáo buộc cản trở luật pháp, ông Mueller đã phủi bỏ những trách nhiệm của một công tố viên khi đưa ra thông báo ông không thể xác định được liệu ông Trump có phạm tội hay không. Tổng chưởng lý William Barr và Phó tổng chưởng lý Rod Rosenstein sau khi xem kỹ những phân tích của ông Mueller đã kết luận rằng ông Trump không gây cản trở luật pháp.

Họ cũng nói không đồng ý với những lập luận pháp lý mà ông Mueller dùng [trong bản báo cáo] để đi đến chỗ "không" có phán quyết. Ông Mueller đã thả ra "một con quỷ" có thể hủy diệt phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Trump, có thể gây nên những hỗn loạn trong nước Mỹ khi mà những bè phái chính trị cạnh tranh nhau để những diễn giải của họ được chấp nhận. Lịch sử có phần chắc sẽ đánh giá ông Mueller là kẻ hèn nhát. Còn Nhóm Phản kháng thì đã kết luận - trước cả khi có bản báo cáo Mueller - rằng ông Barr và Rodstenstein là những kẻ biện hộ cho ông Trump, những kẻ che đậy tội ác cho ông.

Ngay lúc này, bản báo cáo với những kết luận phức tạp, rắc rối và rất chính trị khiến không ai có thể tiên báo kết quả cuối cùng sẽ ra sao; và hệ thống chính trị nhiều khả năng sẽ không đưa ra được một kết quả công bằng cho sự việc. Điều chắc chắn hơn cả mà chúng ta có thể nói lúc này, là Nhóm Phản kháng sẽ mãi mãi tin rằng ông Trump là một gián điệp Nga, là tổng thống tham nhũng nhất từ trước đến nay. Còn những người ủng hộ ông Trump sẽ tin rằng ông vô tội. Sự đoàn kết, tính thống nhất sẽ trượt ra khỏi một nước Mỹ chia rẽ, phân mảnh.

Còn những người đóng thuế Mỹ thì cần đòi ông Mueller trả lại 35 triệu USD.

Quan hệ xấu giữa ông Trump và Nhóm Phản kháng

Tại sao Phe Phái ngầm và Nhóm phản kháng lại có sự cố chấp trong những nỗ lực hất cẳng ông Trump bằng một đòn đánh chính trị? Trong khi danh sách của những mối bất bình rất dài thì nguyên nhân chính là do ông Trump đã đánh bại ứng viên Dân chủ Hillary Clinton, nhân vật được rất nhiều người tin là "người kế nhiệm chính đáng" của ông Barack Obama. Bà Hillary được tin là sẽ theo đuổi nghị trình tiến bộ và đổi mới của ông Obama mà những người Mỹ cánh tả mong muốn.

Năm 2016, ông Trump đã đưa ra một mô thức cạnh tranh gây đảo lộn kế hoạch của ông Obama. Sẽ không có chính sách, luật, hiệp ước, thỏa thuận hay quy định nào được giữ lại. Lúc đó ông Trump không có một nghị trình tích cực. Nhưng thật trớ trêu, ông đã thành công trong việc thủ tiêu hầu hết những thành quả "mang thương hiệu" Obama (chương trình chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân với Iran, chính sách nhập cư) bằng cách sử dụng những biện pháp vi hiến -- hành động mà không cần Quốc hội cho phép -- mà chính Obama đã dùng khi ban hành những chính sách hữu quan.

Ông Trump đã đánh bại ông Obama và bà Hillary nhưng theo cách mà ông đang khiến kỷ cương chính quyền Mỹ tụt xuống một chuẩn thấp kỷ lục. Quyền lực chính trị của ông dựa phần lớn vào việc sử dụng Twitter tấn công đối thủ, ông luôn phải dùng đến phương sách đả kích cá nhân, có luận điệu bóp méo, bình luận hằn học và khiêu chiến. "Những nhóm định danh" bao gồm những nhóm thiểu số về tôn giáo, chủng tộc, đạo đức hay giới tính thường bị xúc phạm. Và những nhóm này muốn ông Trump rời nhiệm sợ "bằng bất cứ giá nào có thể": biểu tình và bạo lực.

Đảng viên Cộng hòa John Boehner tuy phản đối chính sách của ông Obama nhưng cũng không ưa gì tổng thống Trump. Ông này từng phát biểu: "Không có đảng Cộng hòa. Đó là một đảng Trump".
Đảng viên Cộng hòa John Boehner tuy phản đối chính sách của ông Obama nhưng cũng không ưa gì tổng thống Trump. Ông này từng phát biểu: "Không có đảng Cộng hòa. Đó là một đảng Trump".

Những nhà chính trị cánh tả cũng tạo ra mối hận thù với các nghị viên Cộng hòa trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama (2009-2017). Năm 2010, đảng viên Cộng hòa John Boehner là Chủ tịch Hạ viện, vị trí dân bầu quyền lực nhất trong chính quyền chỉ sau Tổng thống, đã tuyên bố quan ngại về những chương trình của ông Obama. Ông tuyên bố ý định sẽ làm tất cả những gì có thể trong quyền lực của mình để "tiêu diệt nó, dừng nó lại, hay làm bất cứ điều gì trong khả năng của chúng ta". Lãnh đạo của phe Cộng hòa chiếm thiểu số trong Thượng viện là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói: "Điều quan trọng bậc nhất mà chúng ta muốn đạt được, đó là tổng thống Obama chỉ được tại nhiệm trong 1 nhiệm kỳ". Những người Cộng hòa không thể chấp nhận được chương trình hành động gây thay đổi quá lớn của ông Obama.

Ông Boehner và McConnell đã thành công trong việc ngăn cản những chính sách ông Obama đưa ra trong 8 năm ông tại nhiệm. Ông Boehner nghỉ việc từ năm 2015, nhưng tới giờ vẫn chưa chấp nhận ông Trump. Ông MacConnell thì vẫn tại nhiệm sở và ủng hộ hầu hết các chính sách của ông Trump, mặc dù ông đã nói với đảng Cộng hòa rằng trong cuộc bầu cử năm 2020 đừng ai liên danh với ông Trump.

Cần lưu ý, trước đây, trong nhiệm kỳ của tổng thống Bill Clinton (1993-2001), Điều tra viên độc lập Ken Star đã phát hiện ra ông Clinton khai man và cản trở luật pháp trong một cuộc điều tra về những giao dịch tài chính của ông. Nhưng những cáo buộc đưa ra lại không liên quan tới vấn đề tài chính bị điều tra của ông, thay vào đó lại dính líu tới vụ ngoại tình của ông với một nhân viên thực tập. Năm 1999, những đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội luận tội ông Clinton nhưng không tim ra tội của ông. Đảng Dân chủ giờ đây cũng đang nhất quyết tìm cách luận tội ông Trump để trả đũa cho ông Bill và bà Hillary. Các nhà chính trị có vẻ nhớ rất dai khi cần phải trả thù. Điều này cũng đúng với trường hợp của ông Trump!

Những nỗ lực hủy hoại chiến dịch tranh cử của ông Trump dần xuất hiện kể từ khi ông bắt đầu đánh bại 17 đối thủ đảng Cộng hòa để trờ thành đại diện tranh cử cho đảng Cộng hòa năm 2016. Chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã ủy quyền cho Fusion GPS - một công ty chuyên đào bới những câu chuyện xấu xa của những ứng viên đối lập - để tìm, bịa đặt hay đưa ra những thông tin gây rắc rối với ông Trump để có thể đánh bật ông khỏi cuộc đua. GPS đã thuê Christopher Steele, cựu điệp viên MI6 để tạo ra những thông tin - được gọi là "Hồ sơ Steele" về việc ông Trump có thể có những giao dịch mờ ám với người Nga. Ông Trump đã được mô tả là một người âm mưu có dính líu tới Putin vì những lợi ích chung và tranh thủ sự giúp đỡ của Nga để đánh bại bà Hillary. Và, rất nhiều nhà phân tích tin rằng ông Trump không cấu kết với Nga, mà chính bà Hillary là thủ phạm! Tổng Chưởng lý William Barr hoàn toàn có thể điều tra vấn đề này.

Theo ông Mueller, trong những tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử, Wikileaks - một website theo chủ trương vô chính phủ, có những bí mật chống chính phủ đã tung ra hàng nghìn email liên quan tới chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, được cung cấp bởi tình báo quân đội Nga GRU. Đây được coi là một nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.

Nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange có thể sẽ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.
Nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange có thể sẽ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.

Người Nga bị buộc tội nhưng sẽ không bao giờ bị xét xử tại Hoa Kỳ. Nhưng nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange có thể sẽ bị truy tố. Assange đang đối mặt với việc có thể bị dẫn độ từ London nơi ông đã ẩn náu 7 năm nay trong đại sứ quán Ecuador.

Cũng trong những tháng trước cuộc bầu cử, FBI, cùng với vài ủy ban quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, đã bắt đầu điều tra việc bà Hillary sử dụng những email cá nhân và máy chủ máy tính để trao đổi những thông tin mật một cách bất hợp pháp, có vẻ như để giấu các hoạt động của bà khỏi sự soi xét của công chúng khi làm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama. Đội ngũ của bà Hillary đã xóa bỏ các tài khoản email, các thiết bị liên lạc và máy chủ nhằm giấu giếm những việc làm sai trái.

Bê bối email của bà Hillary là một yếu tố chính khiến bà thua trong cuộc tranh cử với ông Trump, mặc dù ông Trump chẳng làm gì với điều đó cả, ngoại trừ việc hả hê với những vấn đề bà gặp phải. Scandal email của bà Hillary hiện đang được Tổng Chưởng lý William Barr điều tra để xác định xem các nhân viên FBI và Bộ Tư pháp liệu có không kết tội bà một cách trái luật để giúp bà trở thành tổng thống hay không. James Comey [cựu giám đốc FBI] bị ông Trump sa thải, là trung tâm của việc làm trái trong cuộc điều tra này, ông đã vi phạm nhiều quy định, chính sách và luật của FBI và Bộ Tư pháp.