Quốc vương Salman, người đã trị vì quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là một đồng minh thân thiết của Mỹ kể từ năm 2015, hiện đang trải qua quá trình kiểm tra sức khỏe; hãng SPA đưa tin mà không nêu thêm chi tiết.
Sau khi thông tin xuất hiện, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã tạm hãn một chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước tới Arab Saudi; theo Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan Al Saud.
Trước đó, ông từng là phó thị trưởng và thị trưởng Riyadh trong 48 năm từ 1963-2011, trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. Ông trở thành thái tử vào năm 2012 sau khi anh trai là Nayef bin Abdulaziz mất.
Người kế vị Quốc vương chính là Hoàng thái tử Mohammed bin Salman, thường được nhắc tới bằng tên viết tắt là MbS, người đã khởi động chương trình cải cách rộng khắp nhằm biến đổi nền kinh tế nước này, chấm dứt tình trạng “nghiện” dầu mỏ cố hữu.
Vị Hoàng thái tử 34 tuổi, người khá nổi tiếng trong cộng đồng người trẻ tuổi ở Arab Saudi, đã nhận được nhiều lời ngợi khen cả ở trong và ngoài nước nhờ tháo gỡ dần các hạn chế xã hội ở vương quốc Hồi giáo vốn có quan điểm bảo thủ, trao thêm quyền cho phụ nữ và cam kết đa dạng hóa nền kinh tế nước nhà.
Đối với những người ủng hộ Quốc vương Salman, chương trình cải cách này đã giúp Arab Saudi tăng cường vị thế, và là một tín hiệu tích cực cả ở trong và ngoài nước sau nhiều thập kỷ đầy cảnh giác và trì trệ. Tuy nhiên, sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước với giới truyền thông, cùng việc trừng phạt những người bất tuân ở vương quốc này lại gây ra không ít điều tiếng.
Các hoạt động cải cách của Hoàng thái tử MbS đi cùng với một đợt thanh trừng các thành viên hoàng gia cấp cao và các doanh nhân bị cáo buộc tham nhũng, cùng cuộc chiến hao tổn tiền bạc ở Yemen – những vấn đề khiến các đồng minh phương Tây và giới đầu tư e ngại.
Danh tiếng của MbS cũng chịu ảnh hưởng lớn sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018, mà thủ phạm được cho là một nhân viên an ninh Arab Saudi thân cận với ông.