Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 13/8 cho rằng máy bay chiến đấu Su-35 Nga sắp gia nhập Không quân Trung Quốc.
Tổng giám đốc Sergey Chemezov, Tập đoàn khoa học công nghệ và công nghiệp Liên bang Nga cho biết căn cứ vào hợp đồng xuất khẩu đầu tiên năm 2015 của Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport), tập đoàn này đã bán một lô máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc.
Báo chí Nga cho biết Trung Quốc có kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 trong giai đoạn 1, sẽ trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất của dòng máy bay chiến đấu này.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ cho rằng nếu thông tin trên báo chí Nga là sự thật, Không quân Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp nhận số ít máy bay chiến đấu Su-35 trong năm nay.
Su-35 được giới quân sự phương Tây gọi là Super Flanker. Tài liệu cho biết máy bay chiến đấu hạng nặng đa năng 2 động cơ có tính năng tiên tiến này dài khoảng 22 m, sải cánh khoảng 15 m, hành trình khoảng 4.000 km, trang bị 1 khẩu pháo 30 mm, 12 điểm treo có thể lắp tên lửa không đối không, tên lửa chống hạm, tên lửa dẫn đường chính xác tấn công đối đất và tên lửa chống bức xạ.
Radar quét mảng pha điện tử bị động Irbis-E có cự ly dò tìm lớn nhất đối với tàu chiến là 400 km, cự ly dò tìm đối với mục tiêu trên không thông thường là 350 km, cự ly dò tìm đối với máy bay chiến đấu tàng hình có mặt phản xạ radar khoảng 3 m2 hoặc mục tiêu trên không nhỏ hơn khoảng 100 - 150 km.
Truyền thông và chuyên gia quân sự Nga định nghĩa Su-35 là máy bay chiến đấu "thế hệ 4++" hoặc "máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư rưỡi cải tiến sâu sắc", cho rằng tính năng của nó không chỉ vượt xa các máy bay chiến đấu Rafale Pháp và Typhoon châu Âu, thậm chí có thể áp chế máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mới nhất của Quân đội Mỹ.
Chuyên gia bay thử Không quân Trung Quốc, phi công bay thử lần đầu tiên của máy bay chiến đấu J-10, ông Từ Dũng Lăng cho rằng Su-35 có hai điểm mạnh đó là tính siêu cơ động và công nghệ đẩy véc-tơ.
Từ Dũng Lăng nhấn mạnh, nguyên lý của tính siêu cơ động đã được làm rõ, nhưng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hoàn toàn không thực hiện được đầy đủ công năng. "Phi công Trung Quốc hầu như chưa tiếp xúc được máy bay chiến đấu có khả năng bay siêu cơ động, một khi J-20 đã có khả năng này, phi công chưa có kinh nghiệm liên quan điều khiển nó thì có thể sẽ gặp rủi ro. Vì vậy, chương trình Su-35 đã cung cấp phương án giải quyết".
Từ Dũng Lăng cho rằng Su-35 có khả năng siêu cơ động, có khả năng tác chiến vượt toàn diện các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ cho rằng khi có sự hỗ trợ của hệ thống không chiến có hiệu quả, Su-35 có thể đánh bại máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ.
Chuyên gia phân tích quốc phòng cho rằng sau khi mua Su-35, Trung Quốc có thể sẽ tập trung triển khai sử dụng như một "lực lượng đặc nhiệm không chiến". Khác với Su-27, Su-35 không chỉ có thể mang theo thùng dầu phụ, mà còn có khả năng tiếp dầu trên không. Điều này giúp cho phạm vi tuần tra và tác chiến của nó đủ để bao quát các vùng biển nhạy cảm như biển Hoa Đông, Biển Đông.
Đồng thời, Su-35 có thể lắp các loại vũ khí dẫn đường chính xác đối không, đối hải và đối đất, bất kể đối mặt với nhiệm vụ bất ngờ nào đều có thể lựa chọn vũ khí thích hợp để cất cánh nghênh chiến trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, tận dụng ưu thế cự ly dò tìm xa của radar, khi phối hợp với các máy bay chiến đấu khác, Su-35 còn có thể tận dụng ưu thế nhìn xa, chia sẻ tin tức tình báo, phát huy vai trò dẫn đường mục tiêu hoặc máy bay chỉ huy.
Tóm lại, nhập khẩu máy bay Su-35 không chỉ có lợi cho Không quân Trung Quốc học tập công nghệ máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga, mà còn có thể giúp cho Trung Quốc tiến hành sáng tạo về chiến thuật không chiến, phương pháp tác chiến.