Quân đội Trung Quốc bành trướng hoạt động ở nước ngoài, cải tổ PLA

Theo hãng tin Bloomberg, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được cải tổ mạnh vì ông Tập Cận Bình cần quân đội Trung Quốc bành trướng hoạt động ở nước ngoài. 
Lính TQ giải cứu công dân TQ ở Yemen
Lính TQ giải cứu công dân TQ ở Yemen

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp ngày 26.11 với các quan chức PLA, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nói rằng, từ năm 2020 tất cả các binh chủng sẽ chịu một sự chỉ huy chung và cuộc cải tổ này nhằm tăng cường sức mạnh và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của PLA.

Ông nói TQ muốn hướng đến việc xây dựng một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, có thể bảo vệ lãnh thổ cũng như hoạt động ở nước ngoài.

Hồi tháng 5, TQ chính thức công bố việc quân đội Trung Quốc bành trướng hoạt động ở nước ngoài và nói PLA sẽ “tự thích ứng với các nhiệm vụ ở những vùng khác nhau”, trong khi hải quân (PLAN) sẽ chú trọng hoạt động bảo vệ ở các vùng biển xa”.

PLA muốn có “cú đấm mạnh trên thế giới”

Đảng Cộng sản TQ (CPC) cũng sẽ kiểm soát chặt lực lượng 2,3 triệu quân PLA. Ông Tập nhấn mạnh CPC là lãnh đạo tuyệt đối của PLA. Ông nói: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội chuyển hóa từ một lực lượng nhỏ thành lớn, từ yếu trở nên mạnh hơn, để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Ông nói PLA cần phải mạnh để chạy đua với thời gian và không ngừng cải tổ, khi đất nước trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự.

Hồi tháng 9, ông Tập tuyên bố PLA sẽ giảm 300.000 quân. Bloomberg nêu kế hoạch cải tổ là thu gọn 7 quân khu thành 4 quân khu.

Thời ông Đặng Tiểu Bình, PLA cũng được cải tổ, thu gọn số quân khu từ 11 xuống còn 7 quân khu và sa thải 1 triệu lính.

Trong báo cáo hàng năm trình quốc hội Mỹ hồi tháng 5.2015, Bộ quốc phòng Mỹ nói việc lập cơ cấu chỉ huy chung là “sự thay đổi lớn nhất ở bộ phận chỉ huy PLA” kể từ năm 1949.

Cựu đại tá Nhạc Cương thuộc Bộ tổng tham mưu PLA, nói rằng đây là cuộc tái cơ cấu quân đội lớn nhất kể từ những năm 1950, loại bỏ hẳn cơ cấu quân sự kiểu Liên Xô cũ, chuyển qua áp dụng cơ cấu chỉ huy chung kiểu Mỹ. Ông cho rằng điều này sẽ khiến PLA trở thành một lực lượng quân sự “có cú đấm mạnh trên thế giới”.

Ông Tập trở thành chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) từ khi nắm quyền lực hồi cuối năm 2012 và hiện đang đích thân giám sát cuộc cải cách quân sự này.

PLA là một mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư CPC Tập, người muốn củng cố quyền lực trên PLA. Ông đã khai trừ hai cựu phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Chánh Cương, cùng hàng chục tướng bị cáo buộc rút ruột công quỹ, bán chức hàm để thu lợi bất chính.

Ông Tập nói PLA phải lập quy định luật mới, lập ủy ban pháp lý và chính trị để bảo đảm quân đội tuân thủ luật pháp.

Cựu đại tá Nhạc Cương nói cuộc cải tổ quân đội này nhằm tăng cường quyền lực của chủ tịch CMC và là bài học rút ra từ thế hệ lãnh đạo quân sự trước, khi chủ tịch CMC chỉ có chút quyền hành thực sự trên PLA.

Tham vọng hoạt động xa bờ của hải quân TQ

Dưới thời ông Tập, TQ hung hăng đòi độc chiếm biển Hoa Đông và Biển Đông khiến TQ có quan hệ căng thẳng với các nước trong hai khu vực này.

Gần đây, TQ phô trương sức mạnh quân sự xa bờ, nhất là ở Biển Đông. TQ ngang ngược đòi độc chiếm 90% Biển Đông, khiến có tranh chấp với các nước khác trong khu vực.

Hiện TQ từ chối có mặt ở phiên điều trần từ ngày 24 đến 30.11 của Tòa án trọng tài thường trực (CPA) thuộc Liên Hợp Quốc. CPA đã thụ lý đơn kiện TQ của Philippines, nước phản đối quyết liệt nhất trước yêu sách ngang ngược độc chiếm Biển Đông của TQ.

Mỹ đã tổ chức những cuộc tuần tra vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ gọi đó là sự thực thi quyền tự do hàng hải, nhằm thách thức TQ. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ “cố tình khiêu khích”.

Chính sách ngoại giao "hùng hổ" của ông Tập khác hẳn chính sách thời ông Đặng Tiểu Bình. Khi đó, TQ hạ thấp mình, tránh bị thế giới chú ý. Nay, TQ ráo riết tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước ngoài.  

Hải quân TQ (PLAN) thể hiện rõ nhất nỗ lực hiện đại hóa quân đội, với nhiều tàu chiến hiện đại tham gia tuần tra chống hải tặc ở Vịnh Aden từ năm 2008. Đây là một tuyến hàng hải chính để TQ nhập khẩu dầu thô.

PLAN từng sơ tán công dân TQ khỏi những vùng chiến sự ở Libya hồi năm 2011 và ở Yemen hồi tháng 3.2015. Năm nay, TQ nói sẽ tăng quân cho 2.600 quân gìn giữ hòa bình của họ đang ở châu Phi.

Sĩ quan TQ chuẩn bị tham quan một tàu chiến Mỹ ở Thượng Hải
Sĩ quan TQ chuẩn bị tham quan một tàu chiến Mỹ ở Thượng Hải

Ngày 26.11, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng TQ lần đầu tiên xác nhận Bắc Kinh đang thương lượng với Djibouti, về chuyện xây dựng một cơ sở hậu cần ở nước này, nhằm để TQ tiếp liệu cho tàu chiến PLAN hoạt động ngoài khơi vùng biển Đông Phi.

Đại tá Wu Qian, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ, nói hoạt động chống hải tặc ngoài khơi Somalia của TQ rất khó khăn trong việc tiếp nhiên liệu. Ông nói: “Cơ sở này sẽ bảo đảm quân đội TQ có thể chu toàn các nhiệm vụ như giữ gìn hòa bình quốc tế, hộ tống trong Vịnh Aden và vùng biển Somalia, cùng việc hỗ trợ nhân đạo”.

Theo báo The Wall Street Journal (WSJ), cơ sở hải quân TQ đầu tiên ở nước ngoài là cách Bắc Kinh bảo vệ quyền lợi an ninh - kinh tế ngày càng lớn của nước này trên toàn thế giới.

Andrew Erickson, một chuyên gia về quân sự TQ ở Học viện hải chiến Mỹ, nói cơ sở TQ có thể được mở rộng, gồm một đường băng đủ lớn để vận tải cơ hạ và cất cánh. Ông nói TQ có thể chọn Djibouti vì đó là một vị trí ổn định chính trị và an ninh, gắn liền các quyền lợi trên biển và trên bộ của TQ tại khu vực này, gồm tuyến đường biển nhập khẩu dầu về TQ.

WSJ nói rằng các quan chức TQ không gọi cơ sở hải quân là một căn cứ quân sự và TQ thường bào chữa việc thiếu căn cứ ở nước ngoài là bằng chứng TQ có những ý định yêu chuộng hòa bình. Nhưng việc phát triển khả năng quân sự trong nhiều năm qua, chính là cách TQ thể hiện yêu sách chủ quyền khu vực và tăng sự hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.  

Mỹ lo ngại mất đất được Djibouti hứa cho thuê vào tay TQ

Djibouti là cựu thuộc địa Pháp, có khoảng 830.000 dân. Ở đây đã có 4.000 quân Pháp - Nhật - Mỹ đóng ở căn cứ Lemonnier để hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố ở vùng Mũi Sừng châu Phi và tuần tra chống hải tặc ở Vịnh Aden.

Chính vì vị trí chiến lược này của Djibouti, nhiều nước trong đó có TQ muốn hiện diện ở đây. Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, nói với WSJ rằng nếu chính phủ Djibouti không khéo nắm tình hình thì mọi chuyện sẽ trở nên rất phức tạp.

Lầu Năm Góc cũng có những quan ngại an ninh, khi nhiều nước gồm TQ muốn có những quyền lợi quân sự ở Djibouti. Lầu Năm Góc cảnh giác về quyền lợi TQ ở đó, tin tưởng sẽ duy trì quan hệ dài lâu với chính phủ Djibouti để Mỹ hoạt động tại căn cứ Lemonnier.  

Quan chức Mỹ nói chính phủ Djibouti phải quan tâm đến lo ngại của Mỹ khi cấp cho TQ sử dụng số đất mà họ đã hứa cho Mỹ thuê. Các quan chức quốc phòng Mỹ nói đã biết việc hai chính phủ TQ - Djibouti từ tháng 5. Khi đó, Tổng thống Ismail Omar Guelleh nói với truyền thông Pháp rằng chính phủ ông đang nói chuyện với TQ về một căn cứ.

Theo báo The Hill, tuần trước TQ đã ký một hợp đồng 10 năm để thuê cơ sở ở Djibouti, cho phép quân đội TQ vươn tầm hoạt động. Nhưng báo này cũng nói rằng hiện hoạt động của TQ ở châu Phi không có biểu hiện khiêu khích.  

WSJ cho biết trong tháng 11 này, một đoàn gồm 1 thành viên CMC do tướng Phòng Phong Huy, Tham mưu trưởng PLA đã thăm Djibouti. Ông gặp Tổng thống Guelleh và thị sát một chiến hạm TQ đang nhận tiếp liệu ở Djibouti. Đi cùng tướng Phòng là Phó tư lệnh Không quân TQ Trương Kiến Bình, người thị sát một căn cứ không quân ở Djibouti.

Vĩnh Thụy - Theo International Business Times, The Wall Street Journal, Một thế giới