Quân đội Mỹ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông dù có "hiệu ứng ve sầu" ở Lầu Năm Góc

VietTimes -- Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 4/8 cho rằng mặc dù Chính phủ Mỹ hiện đang "hạ nhiệt" tình hình Biển Đông, nhưng Quân đội Mỹ vẫn "gióng trống khua chiêng" triển khai vũ khí hạng nặng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thường xuyên làm tốt chuẩn bị cho "khai chiến ngày đêm".
Hait quân Mỹ.
Hait quân Mỹ.

Mỹ triển khai vũ khí hạng nặng ở Thái Bình Dương

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết sau 10 năm, Bộ Quốc phòng nước này đã tiếp tục điều một phi đội máy bay ném bom chiến lược siêu cơ động B-1 Lancer đến khu vực Thái Bình Dương.

Máy bay sẽ tiến hành tuần tra ở khu vực Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, máy bay chiến đấu F-35A - loại máy bay đắt nhất trong lịch sử Không quân Mỹ dự kiến nhanh nhất sẽ được triển khai ở nước ngoài vào đầu năm 2017, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Máy bay ném bom B-1B sẽ được điều đến căn cứ không quân Anderson, Guam vào ngày 6/8, thay thế cho máy bay ném bom B-52. Mỹ sẽ còn điều khoảng 300 binh sĩ không quân đến căn cứ này để thực hiện nhiệm vụ bảo trì máy bay.

Máy bay ném bom B-1 Lancer Không quân Mỹ
Máy bay ném bom B-1 Lancer Không quân Mỹ


Guam thuộc quần đảo Mariana, thuộc quyền sở hữu của Mỹ. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay ném bom B-1 ở khu vực trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nhưng thực sự là lần đầu tiên trong 10 năm qua".

B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược cánh cụp cánh xòe. Máy bay có thể chở 56 tấn tên lửa và bom. Máy bay này có thể hoạt động ở độ cao rất thấp, giúp cho nó có khả năng chọc thủng hệ thống phòng không của đối phương, nó khác với máy bay ném bom B-52 có thể mang theo vũ khí hạt nhân.

Bài báo trên tờ Đa Chiều cho rằng đây là hành động của phe diều hâu Quân đội Mỹ, hành động này sẽ tiếp tục kích động Trung Quốc. Trước đó, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cũng mạnh mẽ tuyên bố rằng phải làm tốt chuẩn bị khai chiến ngày đêm với Trung Quốc.

Máy bay ném bom B-1 Lancer Không quân Mỹ
Máy bay ném bom B-1 Lancer Không quân Mỹ


Nhà Trắng muốn “hạ nhiệt” tình hình Biển Đông?

Nhưng, điều đáng chú ý là, sau khi Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 công bố phán quyết về vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, đến nay, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu "hạ nhiệt" tình hình Biển Đông, tránh tiếp tục kích động Trung Quốc.

Ngày 25/7, khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Lào, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc. Về vấn đề Biển Đông, ông John Kerry hoan nghênh Trung Quốc và ASEAN ra tuyên bố chung, cho biết Mỹ "không giữ lập trường" về kết quả trọng tài Biển Đông, ủng hộ Trung Quốc và Philippines khôi phục đối thoại song phương, cần nhanh chóng vượt qua vụ kiện, làm cho tình hình Biển Đông hạ nhiệt.

Ngoài ra, ngày 27/7, Ngoại trưởng John Kerry còn có cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong cuộc họp báo sau đó, ông John Kerry cho biết nếu kiên trì với các chi tiết của kết quả trọng tài, rất khó tiến hành đối thoại có hiệu quả.

Kiên trì đối đầu với họ không bằng đi tìm biện pháp giải quyết vấn đề. Ông cho rằng các bên hiện nay cần bắt đầu nhìn về phía trước.

Ngoài ra, đối với việc Trung Quốc tuyên bố Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 9 tới, Chính phủ Mỹ thể hiện thái độ rất thận trọng và ôn hòa.

Bất kể là Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao đều không tận dụng cơ hội để tiếp tục nói mạnh về mối đe dọa Trung Quốc và Nga, kích động mâu thuẫn Biển Đông, trái lại chủ động hạ nhiệt tình hình Biển Đông.

Ngày 27/7/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngày 27/7/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 28/7 cho biết diễn tập quân sự không nhất định sẽ dẫn đến tình hình tiếp tục căng thẳng. Mục đích diễn tập quân sự là nâng cao khả năng, không nhất định sẽ làm cho tình hình căng thẳng. Điều này thực sự tùy thuộc vào cách thức tổ chức diễn tập.

Mỹ hy vọng những cuộc diễn tập quân sự và hành động này có thể giống như Mỹ, được tiến hành theo cách tuân thủ nghĩa vụ và luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng cho biết, loại quan hệ quân sự này không chỉ tồn tại giữa Trung Quốc và Nga, mà còn tồn tại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Mặc dù không biết cuộc diễn tập quân sự theo kế hoạch như vậy của Trung Quốc và Nga, nhưng Mỹ và Trung Quốc cũng có quan hệ quân sự song phương, vì vậy nghe thấy thông tin Nga và Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ quân sự của họ, Mỹ hoàn toàn không ngạc nhiên - Josh Earnest cho biết.

Quân đội Mỹ bị yêu cầu giữ im lặng với sự bành trướng của Trung Quốc?

Nhiều quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8/4 cho biết sĩ quan chỉ huy cấp cao Quân đội Mỹ bị yêu cầu không được công khai nói đến hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những quan chức này cho biết Nhà Trắng tìm cách giảm sự bất đồng giữa Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia về vấn đề nhạy cảm này. Nhưng, họ cũng cho biết hoàn toàn không có lệnh chính thức.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ


Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris yêu cầu Mỹ áp dụng lập trường đối đầu hơn với Trung Quốc để sớm ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời gây thiệt hại cho lợi ích chiến lược mà Trung Quốc đã thu được ở Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris đề nghị Mỹ cần triển khai hành động quân sự ở vùng biển 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông, nhưng những lời kêu gọi này của ông hầu như đều chưa được Nhà Trắng chấp nhận.

Tờ Thời báo Hải quân Mỹ cho rằng "lệnh bí mật" của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã gây "hiệu ứng ve sầu" ở Lầu Năm Góc. Nhà lãnh đạo quân sự Mỹ lý giải lệnh này là “giữ im lặng” đối với các hành động kiểm soát bất hợp pháp phần lớn Biển Đông của Trung Quốc.

Họ lo ngại, loại phản ứng này có thể sẽ làm cho người Trung Quốc hung hăng hơn, nhưng lại làm cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực này cảm thấy lo ngại.