Putin: Thời Mỹ cưỡi lên đầu lên cổ Nga đã qua rồi

VietTimes -- Theo giới phân tích quân sự, hệ thống A-235 được kết hợp với hệ thống tên lửa phòng không S-500 của Nga. Đáng chú ý là hệ thống S-500 của Nga không chỉ có thể đánh chặn máy bay, tên lửa đường đạn, tên lửa hành trình mà cả các đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa có khả năng cơ động và thay đổi quỹ đạo trong khi bay.
Nga sở hữu những hệ thống phòng không lừng danh thế giới
Nga sở hữu những hệ thống phòng không lừng danh thế giới

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga trở nên tồi tệ hơn cả thời Chiến tranh lạnh, còn Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống, giới chính trị và quân sự Mỹ tiết lộ rằng Lầu Năm Góc đang ráo riết chuẩn bị đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng bằng vũ khí thông thường “tinh khôn” và vũ khí hạt nhân nhằm vào Nga và coi đây là cách đưa Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, thì việc Nga liên tục thử nghiệm và đưa vào sử dụng các hệ thống vũ khí phòng thủ và tấn công mới là điều dễ hiểu [1,2].

Tuy nhiên, điều khó hiểu và bất ngờ nhất đối với Mỹ là trong điều kiện vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã, lại bị phương Tây bao vây cấm vận, bằng cách nào mà người Nga lại liên tiếp tiến hành các cuộc thử nghiệm thành công các loại vũ khí mới nhất, thậm chí là độc nhất vô nhị. Trong số đó có hệ thống tên lửa đánh chặn siêu đẳng A-235 Nudol-một loại vũ khí được giới phân tích quân sự gọi là “nỗi kinh hoàng” đối với Mỹ.

A-235 Nudol là hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ba tầng để đánh chặn ở tầm gần, tầm trung và tầm xa, trong đó thành phần chủ yếu là tên lửa đánh chặn có khả năng bắn tan xác các khoang đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa và các vệ tinh đang bay trên quỹ đạo xung quang trái đất. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược độc nhất vô nhị trên thế giới được chế tạo trên cơ sở phát triển công nghệ tên lửa đánh chặn A-235 từ thời Liên Xô trước đây.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã từng ký Hiệp ước phòng thủ tên lửa vào năm 1972, theo đó mỗi bên chỉ được bố trí một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược. Trong khi Mỹ bố trí hệ thống này xung quanh các trận địa phóng tên lửa đường đạn xuyên lục địa, thì Liên Xô lại bố trí hệ thống A-235 xung quanh thủ đô Matxcơva.

Hiệp ước phòng thủ tên lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, được ký kết vào thời điểm khi cuộc chạy đua vũ trang đã lên tới đỉnh điểm trong điều kiện kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô đã có tới hàng chục ngàn đầu đạn. Vì thế, hiệp ước này  là yếu tố rất quan trọng để duy trì sự cân bằng hạt nhân giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ, từ đó hình thành thế ổn định chiến lược toàn cầu, đặt nền móng cho việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân sau này. Tuy nhiên, năm 2002, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa để giành ưu thế đơn phương và ráo riết chuẩn bị tiến hành chiến tranh hạt nhân phủ đầu nằm tiêu diệt tiềm lực hạt nhân của Nga.

Hiện nay, hệ thống A-235 của Liên Xô hiện vẫn đảm nhận chức năng bảo vệ thủ đô của nước Nga và cũng là hệ thống độc nhất vô nhị trên thế giới, trong đó có hai hệ thống tên lửa đánh chặn được lắp đầu đạn hạt nhân. Trong hệ thống thứ nhất có tên lửa 51Т6 có khả năng đánh chặn mục tiêu ở độ cao từ 70km tới 670km, nghĩa là có thể đánh chặn các mục tiêu đang bay trong vũ trụ. Tầm xa đánh chặn của 51T6 nằm trong khoảng 350-850 km. Các tên lửa 51T6 làm nhiệm vụ trực chiến tới năm 2006 thì được tháo dỡ để thay thế bằng hệ thống khác.

Hệ thống thứ hai 53Т6 có tính năng rất đặc biệt. Nó có thể chịu được cường lực quá tải tới 210g, nghĩa là gấp 210 lần gia tốc rơi tự do của vật thể! Còn cường lực quá tải theo chiều ngang mà tên lửa có thể chịu được lên tới 90g. Trên thế giới không có loại tên lửa nào chịu được cường lực quá tải lớn như vậy. Tầm xa đánh chặn của tên lửa này là 100km và độ cao đánh chặn là 30km. Tên lửa có thể đánh chặn các mục tiêu bay với tốc độ 7km/giây. Trên thực tế, theo tuyên bố của Tổng công trình sư Antatoli Basitov, hệ thống này có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao gấp 3 lần (90km) và tầm xa gấp 2,5 lần (250lm).

Hệ thống tên lửa S-500 của Nga được cho là khắc tinh đối với đòn tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ
Hệ thống tên lửa S-500 của Nga được cho là khắc tinh đối với đòn tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ

Báo Mỹ Washington Free Beacon số ra ngày 27/52016  công bố bài  báo với tựa đề “Nga thử thành công tên lửa đánh chặn Nudol”, trong đó đưa ra nhận định, người Nga có khả năng hủy diệt vệ tinh dẫn đường, truyền thông, tình báo và chỉ thị mục tiêu của Mỹ. Trong số 5 lần thử nghiệm của người Nga đã có 4 lần thành công. Tầm xa diệt mục tiêu của tên lửa đánh chặn Nudol của Nga đạt tới mức thật khó tin là 1.500km, còn tầm cao đánh chặn đạt tới 1.000km! Ngoài ra, tên lửa đánh chặn của Nga có thể bắn tan xác các tên lửa đường đạn xuyên lục địa bay với tốc độ 10km/giây.

Từ năm 2015, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm Frank Kendall từng tuyên bố: “Nga và Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện trong vũ trụ, còn người Mỹ chúng ta đang tụt hậu. Cần phải thừa nhận rằng, người Nga đang kiên nhẫn và quyết tâm hiện đại hóa vũ khí đánh chặn vệ tinh của họ”.

Sự tụt hậu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đánh chặn đã từng được thể bộc lộ trong thực tế. Đó là, ngày 22/6/2017, Mỹ thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 thuộc hệ thống Aegis trang bị trên chiến hạm John Paul Jones hoạt động ở vùng biển Hawai. Kết quả là SM-3 đã không thể đánh chặn tên lửa đường đạn tầm trung. Mặc dù radar điều khiển của hệ thống Aegis phát hiện được mục tiêu nhưng tên lửa đánh chặn SM-3 đã bắn trượt nó. Trong khi đó, hệ thống Aegis được lắp tên lửa đánh chặn SM-3 đã từng được quảng bá là “hiện đại nhất thế giới”, là “độc nhất vô nhị”. Đáng chú ý là hệ thống Aegis đã được trang bị cho Nhật Bản để đánh chặn tên lửa đường đạn xuyên lục địa và vệ tinh trên quỹ đạo.

Theo giới phân tích quân sự, hệ thống A-235 được kết hợp với hệ thống tên lửa phòng không S-500 của Nga. Đáng chú ý là hệ thống S-500 của Nga không chỉ có thể đánh chặn máy bay, tên lửa đường đạn, tên lửa hành trình mà cả các đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa có khả năng cơ động và thay đổi quỹ đạo trong khi bay. Hiện nay, ngoài Nga ra, chưa có một quốc gia nào có khả năng chế tạo được hệ thống tên lửa phòng không tương tự S-500. Được biết, S-500 là vũ khí phòng không nhằm vô hiệu quả đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng có tầm toàn cầu mà Mỹ đã đưa vào trang bị.

Đáng lưu ý là hệ thống A-235 và S-500 đều là những hệ thống cơ động, nghĩa là với hai hệ thống này, Nga có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn xuyên lục địa ở bất kỳ đâu và từ bất kỳ hướng tấn công nào [3,4].

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Câu lạc bộ Valdai 2017 ở Sochi, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh: “Suốt thời gian trong những năm 1990 sau khi Liên Xô bị giải thể, người Mỹ cưỡi lên đầu lên cổ chúng ta. Họ hủy hoại vũ khí hạt nhân của chúng ta mà không sợ bị trừng phạt. Thời gian đó nay đã qua rồi”. Cũng tại Diễn đàn này, Tổng thống Nga V.Putin còn nói:"Sai lầm chủ yếu của Nga trong quan hệ với Phương Tây là chúng tôi đã tin vào họ, còn họ lại coi đó là điểm yếu của chúng tôi và ra sức lợi dụng nó".

Tổng thống Nga V.Putin đã từng tuyên bố rằng, ngày nay nước Nga không thể để mình bị rơi vào tình cảnh trong năm 1941, khi đó Hitler đã bất ngờ xé toạc Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô và sử dụng hàng trăm sư đoàn tinh nhuệ mở cuộc tấn công chớp nhoáng, mở đầu cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II trên mặt trận Đức-Xô./.

***

Tài liệu tham khảo

[1] Адский доклад Пентагона: империя США рушится — «Нам нужна война!». http://politprosvesh.blogspot.com/2017/07/blog-post_80.html  

[2] США разрабатывают удар против России. https://news.rambler.ru/articles/38148923/?utm_content=rnews&utm_medium=read_more&utm_source=copylink

[3] Чем Россия ответит на комплексы глобального удара США
Читайте больше на https://www.pravda.ru/news/society/13-10-2017/1350784-usa-0/

[4]Главный русский аргумент XXI века. http://www.nasha-strana.info/archives/21538