Putin đang quyết tâm tạo ra một trật tự thế giới mới đầy tham vọng

VietTimes -- Theo báo La Stampa của Ý:  Chính sách của Nga đối với Ukraine, can thiệp quân sự vào Syria, hòa giải thành công mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ Tổng thống Putin đang tạo ra xung quanh nước Nga một trật tự thế giới mới, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ.
Tổng thống Nga V.Putin (ảnh minh họa)
Tổng thống Nga V.Putin (ảnh minh họa)

Báo La Stampa trong bài xã luận dưới tiêu đề “Cuộc chơi lớn của Putin: chiến lược trên 3 mặt trận” của Tổng biên tập Mauritsio Molinary có đoạn viết:

“Những cuộc đọ súng liên tiếp dọc biên giới với Ukraine, cuộc chiến đẫm máu chống lực lượng Hồi giáo nổi dậy tại Aleppo và hòa giải thành công với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho thấy ông Putin đang quyết tâm tạo ra xung quanh Liên bang Nga một trật tự thế giới mới đầy tham vọng”.

Phân tích sự chủ động về chính sách đối ngoại của nước Nga theo những định hướng này, bài viết nhấn mạnh, “Putin đang chủ trương làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng Mỹ”.

“Tại Ukraine, ông Putin đã làm suy giảm lòng tin về việc coi Washington như một sự bảo đảm chắc chắn cho Đông Âu, tại Syria ông hy vọng thể hiện khả năng chiến đấu mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong cuộc đấu tranh chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan thánh chiến nếu so với liên minh hơn 60 nước dưới sự lãnh đạo của tổng thống Mỹ Barack Obama, tại Thổ Nhĩ Kỳ Putin đang hướng tới mục tiêu gây mâu thuẫn trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với NATO”, – nhà phân tích chính trị Ý nhận định.

Ông Molinary tập trung phân tích vào những chính sách đã định hình trong thời gian gần đây của phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ nhằm giải quyết các mâu thuẫn về vấn đề di cư và chủ nghĩa khủng bố.

Ông nhận định rằng các chính sách này đang làm sụt giảm năng lực kinh tế của châu Âu và suy thoái vị thế lãnh đạo, châu Âu đang chịu ảnh hưởng của các phong trào phản đối, điển hình là cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại nước Anh.

Theo đánh giá của Tổng biên tập La Stampa, Nga đang tạo ra một hệ thống những mối quan hệ tối huệ quốc với nhiều nước, mà mô hình chính trị tại các quốc gia này khác với hệ thống chính trị dân chủ phương Tây, – từ Belarus tới Thổ Nhĩ Kỳ, Từ Ai Cập tới Iran và nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.

Moscow sử dụng các chính sách đòn bẩy khác nhau, bao gồm các khoản đầu tư năng lượng, sự hiện diện quân sự và thể hiện sử dụng có hiệu quả quyền lực mềm, điển hình là sự phổ biến rộng rãi rất có uy tín của hãng truyền hình RT trong cộng đồng thế giới A rập.

Điện Kremlin hiểu rất rõ rằng, trong giai đoạn quan trọng của chiến lược mở rộng vùng ảnh hưởng, chính quyền ông Putin có nguy cơ phải đối mặt với những hậu quả sau khi kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống Obama.

Bất cứ ai sau này có thể trở thành Tổng thống Mỹ cũng sẽ không nín nhịn chấp nhận chính sách đối ngoại của Nga trên trường thế giới. Đặc biệt, Moscow thực sự quan ngại những kết quả đạt được của bà Hillary Clinton, do ứng cử viên tổng thống tiềm năng này thể hiện được tham vọng của lưỡng đảng muốn giành lại được những vị thế đã mất trên thế giới trong những năm qua. 

Putin muốn ngăn chặn một trong những sai lầm to lớn của Moscow trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vào những năm 1980, nước Mỹ dưới thời của tổng thống Jimmy Carter đã suy yếu do hậu quả các cuộc khủng hoảng ở Iran, Afghanistan và Nicaragua và Moscow đã hy vọng vào chiến thắng chung cuộc của hệ thống các nước XHCN.

Nhưng sự xuất hiện của tổng thống Ronald Reagan làm thay đổi tiến trình lịch sử, đảo ngược lại tình thế của hai hệ thống chính trị thế giới. Chính vì vậy, Putin sẽ không ngừng tấn công, nước Nga sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới bất cứ nơi nào có thể, ngay cả trung tâm của châu Âu. Nhà bình luận chính trị người Ý nhấn mạnh.

NT