Tất cả những diễn biến này khiến người ta đặt câu hỏi, phải chăng Tổng thống Putin đã bắt đầu khuất phục trước sức ép của đối phương? Tuy nhiên, trên thực tế, câu trả lời là “không”, bởi sau những phát biểu đầy hòa dịu, Nhà lãnh đạo nước Nga vẫn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng, phải củng cố sức mạnh quân sự để duy trì hòa bình và sự ổn định.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát cách đây hơn một năm đã kéo theo một cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Một mình nước Nga phải chống chọi với sự dồn vây, áp lực tứ bề từ siêu cường số 1 thế giới là Mỹ cùng với các đồng minh Châu Âu cũng là những cường quốc hàng đầu.
Trong một “thế trận” dường như không cân sức ở trên, Nga rõ ràng là gặp khó. Với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, “xâm lược” Ukraine bằng vụ sáp nhập bán đảo Crimea và kích động cuộc xung đột tương tàn ở miền đông Ukraine, phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã thực hiện một chiến dịch bao vây, cô lập và phong tỏa Nga trên một loạt mặt trận, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao đến quân sự.
Trên mặt trận kinh tế, những đòn trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế Nga lao đao, loạng choạng. Trên chính trường ngoại giao, Nga bị loại ra khỏi nhóm G8 và vấp phải sự tẩy chay trong một loạt hoạt động ngoại giao. Nước Nga của ông Putin cũng liên tiếp vấp phải sự chỉ trích, lên án của giới chức phương Tây. Dường như cả bộ máy truyền thông khổng lồ của phương Tây đang thực hiện một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ. Về quân sự, NATO đang thực hiện các bước đi nhằm tạo một vòng vây ở xung quanh đường biên giới của Nga.
Giữa bối cảnh như vậy, Tổng thống Putin và nước Nga vẫn tỏ ra rất cứng rắn, quyết liệt theo đuổi lập trường của mình trong vấn đề Ukraine. Một mặt, Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc về sự dính líu của họ đến cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng. Mặt khác, Nga cũng không ngần ngại tung ra những đòn đáp trả thích ứng với những “đòn” mà phương Tây tung ra.
Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, người ta chứng kiến Tổng thống Putin có những hành động dịu nhẹ bất thường. Hôm 25/6, ông chủ điện Kremlin bất ngờ gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Obama để thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có thỏa thuận Minsk, cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tình hình hiện nay ở Syria cũng như các cuộc đàm phán hạt nhân Iran.
Theo phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ “đã nói đến thỏa thuận Minsk và hai ông đã nhất trí với nhau rằng, ông tương lai gần, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận Minsk ở Ukraine".
Thỏa thuận Minsk đang là niềm hy vọng của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một cái kết cho cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người ở Ukraine.
Ngoài vấn đề Ukraine, hai Tổng thống Putin và Obama còn bàn thảo về IS, về cuộc khủng hoảng ở Syria và các cuộc đàm phán hạt nhân Iran. Đây là những thách thức toàn cầu rất lớn đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới thì mới có thể tháo gỡ.
Ngoài cuộc điện đàm bất ngờ hôm 25/6, Tổng thống Putin gần đây cũng có nhiều phát biểu thể hiện sự “xuống giọng”. Trong bài phát biểu trước những sinh viên tốt nghiệp học viện quân sự cũng trong ngày 25/6, ông chủ điện Kremlin quyền lực khẳng định, Nga không đe dọa bất kỳ ai, chẳng có kế hoạch xâm lược bất kỳ ai và luôn đặt ưu tiên cho các giải pháp hòa bình để giải quyết những cuộc xung đột quốc tế.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Putin lên tiếng bảo đảm với cộng đồng thế giới về việc Nga không có ý định xâm lược hay tấn công bất kỳ nước này. Phát biểu trên rõ ràng là để đáp lại những cáo buộc, những thông tin từ phương Tây cho rằng Moscow sẽ tiếp tục tấn công, chiếm đóng các khu vực khác ở Châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Putin cũng từng nhấn mạnh, Nga không hề muốn có một cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây.
Những diễn biến trong mấy ngày qua rất dễ khiến người ta nghĩ rằng Tổng thống Putin có vẻ như đã khuất phục trước sức ép của phương Tây và đang muốn làm lành với phương Tây.
Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Sau những phát biểu đầy hòa dịu, Nhà lãnh đạo nước Nga đã tuyên bố đầy cứng rắn và quyết liệt rằng, nước ông đã phải đối diện với rất nhiều những thách thức, trong đó có một vài thách thức nằm ngay sát các đường biên giới của Nga. Đây là lý do chính buộc Nga phải và cần phải xây dựng một lực lượng vũ trang được trang bị tới “tận chân răng”, một lực lượng quân sự hiện đại, hùng mạnh để bảo đảm an ninh, chủ quyền cho Nga.
Có thể nói, lập trường của Nga hoàn toàn không thay đổi. Moscow vẫn muốn giải quyết mọi chuyện thông qua con đường đối thoại, đàm phán hòa bình nhưng nếu cần “gấu Nga” vẫn sẵn sàng “giương móng vuốt” sắc nhọn ra để đối phó.
Theo: VnMedia