Cột mốc 3 nghìn tỉ
Apple trong hôm 30/6 chính thức trở thành công ty có giá trị vốn hoá thị trường vượt mốc 3 nghìn tỉ USD, một cột mốc phản ánh tầm ảnh hưởng lâu dài và sức mạnh bền bỉ của iPhone, một sản phẩm làm thay đổi cuộc sống và thương mại trên toàn thế giới.
Khởi đầu từ một công ty máy tính ở hầm để xe ở California, Mỹ năm 1976, Apple giờ có giá trị thị trường lớn gấp đôi giá trị của đối thủ lâu năm Google và gấp 7 lần Exxon Mobile – từng là công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới trong suốt nhiều năm liền.
“Gã khổng lồ” công nghệ này đã len lỏi sâu vào cuộc sống của người tiêu dùng và trở thành một nền tảng vững chắc níu kéo các nhà đầu tư tin tưởng vào sự thống trị của nó, kể cả trong bối cảnh phương Tây căng thẳng với Bắc Kinh làm dấy lên lời kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc.
Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Cupertino, California này đã tăng mạnh trong năm nay, nhờ nhu cầu từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ và sản phẩm mới đầu tiên mà họ công bố trong suốt gần một thập kỷ: một bộ tai nghe kết hợp thực tế ảo với khả năng đưa nội dung kỹ thuật số vào thế giới thực có giá 3.499 USD. CEO Tim Cook gọi nó là một nền tảng “điện toán không gian”.
Giá cổ phiếu Apple đã tăng gần 50% tính từ đầu năm nay và vượt 30% so với mức tăng của chỉ số Nasdaq Composite. Phải mất 42 năm để công ty này cán mốc giá trị 1 nghìn tỉ USD vào năm 2018, và sau đó thêm 2 năm để đạt 2 nghìn tỉ USD vào năm 2020. Cán mốc 3 nghìn tỉ USD khiến Apple mất thêm gần 3 năm.
Trong tháng 1/2022, có thời điểm Apple đã vượt mốc giá trị vốn hoá thị trường 3 nghìn tỉ USD trong một phiên giao dịch trong ngày, nhưng lại không thể duy trì cho đến lúc khép phiên. Cuối phiên giao dịch ngày 30/6 vừa qua, giá cổ phiếu Apple ở mức 193,7 USD, tăng 2,3% trong ngày và giúp Apple đạt giá trị 3,05 nghìn tỉ USD.
Đà phục hồi ấn tượng
Dan Morgan, quản lý danh mục đầu tư kỳ cựu đến từ hãng Synovus Trust, cho hay Apple được coi là một nơi an toàn đối với các nhà đầu tư trong hầu hết mọi viễn cảnh nhờ “dòng tiền và cơ sở khách hàng khổng lồ” của công ty này. Ông nói thêm: “Đó là một công ty mà giới đầu tư muốn mua vào ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn”.
Sức mạnh bền bỉ của Apple chủ yếu đến từ sự thành công của iPhone, sản phẩm này chiếm tới một nửa tổng doanh số bán hàng hàng năm của công ty. Kể từ khi ra mắt vào năm 2007, họ đã bán được hơn 2 tỷ chiếc iPhone. Mặc dù doanh số iPhone không còn tăng trưởng nhanh như trước đây, quyết định tăng giá bán nhờ ra mắt dòng sản phẩm iPhone Pro vào năm 2019 đã đẩy mạnh doanh số bán hàng.
Apple cũng tiếp tục phát triển các hoạt động kinh doanh phụ trợ xung quanh sản phẩm iPhone, vừa để tăng thêm doanh số bán vừa để giữ chân khách hàng bên trong hệ sinh thái của họ, ví dụ mới đây nhất là tài khoản tiết kiệm lãi suất cao, một phần của ứng dụng Wallet.
Hoạt động gần đây của Apple còn cho thấy sức phục hồi của nó khi phải đối diện với những thách thức trên thị trường rộng lớn, điều này cho phép công ty này hồi phục nhanh hơn hầu hết các đối thủ “Big Tech” giai đoạn hậu COVID-19.
Apple cũng nhanh chóng vượt mặt đối thủ lâu năm Microsoft. Công ty phần mềm có trụ sở tại Redmond, Washington, cán mốc giá trị thị trường 2 nghìn tỉ USD vào năm 2021, chậm 1 năm so với Apple, và từng có khoảng thời gian ngắn vượt qua Apple. Cổ phiếu của Microsoft đã tăng hơn 40% tính đến thời điểm này trong năm, nhờ vào mối quan hệ đối tác mật thiết với OpenAI, chủ sở hữu ChatGPT.
Giá trị vốn hoá thị trường của Microsoft hiện ở mức 2,5 nghìn tỉ USD.
Vào thời điểm cuối năm ngoái, Apple còn đang chật vật. Tháng 11, họ phát đi một cảnh báo về những gián đoạn chuỗi cung ứng do các lệnh hạn chế giai đoạn COVID ở Trung Quốc, làm dấy lên nhiều quan ngại về việc Apple quá phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất phần cứng. Bước vào mùa nghỉ lễ, Apple vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đối với các mẫu hạng sang như iPhone 14. Cổ phiếu của họ giảm gần 30% vào thời điểm kết thúc năm 2022.
Năm nay, Apple báo cáo doanh thu giảm liên tiếp lần thứ ba trong một thập kỷ. Trong quý tài chính thứ hai năm 2023 (kết thúc vào ngày 1/4/2023), công ty này báo cáo doanh thu 94,8 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng các lãnh đạo của nó nhấn mạnh rằng doanh số iPhone tại các thị trường mới nổi – như Ấn Độ, Indonesia, Mỹ Latin và Trung Đông – vẫn tăng, từ đó tăng lòng tin của giới đầu tư.
“iPhone là một sản phẩm toàn cầu đích thực, và chúng tôi vẫn đang làm tốt ở các thị trường mới nổi”, Giám đốc tài chính của Apple, Luca Maestri, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5. “Điều này đã giúp chúng tôi giảm thiểu được những thách thức kinh tế vĩ mô”.
Bên cạnh mở rộng thị trường tại các thị trường đang phát triển này, Apple còn tăng cường nỗ lực dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, đến những nơi như Ấn Độ và Việt Nam.
Bước chân vào thị trường mới đầy thách thức
Tuy nhiên, tăng trưởng ở các thị trường mới nổi có thể không đủ để đối phó với sự suy giảm mà Apple đang gặp phải ở các nước phát triển hơn.
Ngân hàng đầu tư UBS mới đây đã hạ xếp hạng cổ phiếu của Apple xuống mức trung bình do đà tăng trưởng liên tục giảm tại các thị trường phát triển, và dự báo xu hướng này còn tiếp diễn. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu cung cấp khoảng 70% nhu cầu iPhone trong quý kết thúc vào ngày 1/4.
Cổ phiếu của Apple sụt giảm sau tuyên bố hạ mức xếp hạng nhưng phục hồi trở lại cùng với phần còn lại của thị trường sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng 6.
Với sự ra mắt cặp kính thực tế ảo Vision Pro hồi đầu tháng này, Apple đã đặt chân vào một thị trường sôi động với nhiều đối thủ cạnh tranh – đặc biệt là dòng kính Quest của Meta. Tuy nhiên, cặp kính của Apple đã nhận được sự đón nhận tích cực của những fan hâm mộ công ty này, những người yêu thích thực tế ảo và nhiều nhà phân tích.
Vision Pro “là sản phẩm mà chỉ Apple mới có thể sản xuất được tại thời điểm này, xét về yêu cầu tích hợp phần cứng và phần mềm”, Krish Sankar, chuyên gia phân tích kỳ cựu đến từ ngân hàng đầu tư TD Cowen, nhận định.
Vision Pro được cho là sẽ không thể sớm mang lại lợi ích về tài chính đáng kể. Mức giá cao của nó khó có thể khiến thị trường rộng lớn tiếp nhận, nhưng Apple cho hay đang tiếp tục nghiên cứu các phiên bản rẻ hơn và có thể sớm cho ra mắt vào năm 2025. Các nhà phát triển metaverse cũng hy vọng việc Apple gia nhập thị trường này sẽ giúp cho thị trường non trẻ này được chấp nhận và trở thành chính thống.
Ở hiện tại, những bước đi của Apple vào thị trường này đã đưa ra một viễn cảnh tiềm năng về một thiết bị thay thế cho iPhone ở tương lai.
“Chúng tôi tin rằng sự chấp nhận của công chúng đối với thực tế ảo sẽ là một hành trình dài và khó có thể đem lại lợi ích tài chính cho Apple trong ngắn hạn”, Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích đến từ Bernstein, nhận định./.
Vốn hóa của Apple vượt mốc 3.000 tỉ USD
Apple công phá thị trường Đông Nam Á, đánh bật Samsung
Cạnh tranh logo trái táo: Apple ép một Hiệp hội 111 tuổi phải đổi logo
Theo Wall Street Journal