Ngoài ra, theo trang tin Hồng Kông Hk01, ngày 30/6, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã gửi công hàm cho phía Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc đơn phương thực hiện lệnh cấm ngư dân các nước đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông trong thời hạn 3,5 tháng kể từ ngày 1/5.
Hk01 cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về các thông tin này của giới truyền thông.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines lên án việc Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá với cớ “nhằm khôi phục nguồn tài nguyên thủy sản”, phạm vi thực thi bao gồm cả vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines: "Trong công hàm ngày 30/5/2022, Bộ Ngoại giao đã bày tỏ phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc ở vùng biển bao gồm khu vực Biển Tây Philippines (mà Trung Quốc gọi là “Nam Hải” thuộc Trung Quốc) mà Philippines có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ”.
Trong một tuyên bố khác, Bộ Ngoại giao Philippines chỉ trích tàu Trung Quốc đã quấy rối một phái đoàn nghiên cứu khoa học biển chung được Chính phủ Philippines ủy quyền. Chiếc tàu tiến hành nhiệm vụ nghiên cứu là tàu “Legend” của Đài Loan, đang thực hiện dự án nghiên cứu hải dương chung giữa Philippines và Đài Loan.
Cảnh sát biển Philippines theo dõi tàu Hải Cảnh và tàu cá Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp (Ảnh: Sputnik). |
Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết Bộ đang xem xét các báo cáo về sự có mặt của các tàu Hải Cảnh nước ngoài trong vùng biển nơi các công ty Philippines đang tiến hành thăm dò dầu khí. Sự việc diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua.
Tuyên bố nói, các hành động này "không phù hợp với nguyên tắc đi qua vô hại và là sự vi phạm rõ ràng quyền tài phán trên biển của Philippines", nhưng bộ này không giải thích lý do tại sao phải sau hơn một tháng mới bình luận về các vụ việc này.
Tuyên bố nói rằng vùng biển mà các tàu Philippines đang tiến hành thăm dò đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Chúng nằm trong khu vực bãi Cỏ Rong (Reed Tablemount/ Reed Bank hay Recto Bank, Trung Quốc gọi là Liyue Tan) đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Hồi tháng 4, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5 đến ngày 16/8, ở các khu vực Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và phía Bắc Biển Đông ở phía bắc vĩ tuyến 12 độ Bắc. Đến nay Bộ Ngoại giao Philippines chính thức gửi công hàm phản đối.
Động thái phản đối Trung Quốc của chính phủ Philippines đặt ra một thách thức sắp tới đối với Tổng thống mới đắc cử Ferdinand Marcos Jr.
Theo Hk01, Ông Marcos chủ trương ủng hộ sự cân bằng tinh tế trong chính sách Trung Quốc, theo đuổi quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Trung Quốc nhưng cũng dường như không khuất phục trước các hành động khiêu khích trên biển của Bắc Kinh mà giới quân sự Philippines coi là bất hợp pháp.
Ông Marcos dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30/6 tới.
Ông Marcos đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/5 và được các nhà phân tích cho rằng thân cận với Bắc Kinh, nhưng tuần trước nói rằng ông sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Đây là những phát biểu mạnh mẽ nhất của ông về chính sách đối ngoại.
Sau khi trúng cử tổng thống Philippines, ông Marcos tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống sự xâm lấn của Trung Quốc. |
Trước đó, ông nói trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông sẽ đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trong lịch sử “rất không ổn định” do các tuyên bố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và hoạt động của lực lượng Hải Cảnh và đội tàu đánh cá của họ.
Trang tin Nga Sputnik ngày 31/5 bình luận, Trung Quốc và một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tranh cãi trong nhiều thập kỷ về vấn đề chủ quyền một số đảo ở Biển Đông, nơi có trữ lượng lớn dầu và khí đốt đã được phát hiện trên thềm lục địa. Đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và đảo Scaborough.
Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm bốn nước thành viên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, đã nối lại các cuộc đàm phán trong năm nay về một bản "quy tắc ứng xử" hoặc một hiệp ước không xâm phạm nhằm ngăn chặn đối đầu vũ trang ở Biển Đông.