Thông tin về âm mưu ám sát của chính quyền Tehran lần đầu tiên được đăng tải bởi hãng tin Politico của Mỹ, trong đó có dẫn lời một quan chức hiểu vấn đề và một quan chức khác được xem thông tin tình báo.
Nếu Iran thực sự có kế hoạch thực hiện vụ ám sát, điều này chắc chắn sẽ làm tăng căng thẳng đột biến với Washington, và nhiều khả năng là chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra biện pháp trả đũa.
Giới chức Mỹ từ lâu đã nhận thức rõ về những mối đe dọa nhằm vào Đại sứ của họ tại Nam Phi, Lana Marks, nhưng thông tin tình báo của Mỹ chỉ ra rằng những mối đe dọa đó đã trở nên rõ rệt hơn trong những tuần gần đây.
Bà Lana Marks chỉ là một trong số những quan chức Mỹ mà các cơ quan tình báo Mỹ tin là đã trở thành mục tiêu của Tehran để trả đũa vụ sát hại tướng Soleimani.
Ông Soleimani bị sát hại trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái do Mỹ thực hiện hồi tháng 1 năm nay.
Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Lana Marks (trái) là một trong số những mục tiêu trả thù của Iran (Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Nam Phi)
|
Ông Soleimani là người quyền lực thứ hai ở Iran, và được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả là nhân vật nguy hiểm không khác gì thủ lĩnh của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi. Tháng 10 năm ngoái, Baghdadi đã tự sát trong một cuộc truy kích mà quân đội Mỹ thực hiện ở một khu phức hợp phía Tây Bắc Syria, 7 tháng sau khi cái gọi là “nhà nước Caliphate” ISmaats đi vùng lãnh thổ cuối cùng ở Syria.
Tháng 4/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ sát hại 608 binh sĩ trong cuộc chiến tranh Iraq. Tướng Soleimani là người đứng đầu các lực lượng Iran và lực lượng mà Iran hậu thuẫn đã tham gia các chiến dịch sát hại binh sĩ Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, 17% tổng số binh sĩ Mỹ hy sinh ở Iraq trong khoảng 2003 – 2011 là do chỉ đạo của Soleimani.
Vụ tấn công bằng máy bay không người lái mà Mỹ thực hiện đầu năm nay cũng giết hại ông Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn có tên gọi Các lực lượng huy động nhân dân (PMF) Iraq. Theo AP, vụ việc này khiến tổng cộng 7 người thiệt mạng và có ít nhất 3 trái rocket đã được phóng.
Tướng Soleimani là thủ lĩnh lâu năm của nhánh tình báo tinh nhuệ của IRGC có tên Qud – đây là lực lượng gồm 20.000 binh sĩ và đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố từ năm 2007. Được xem là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, Soleimani thường được người ta gọi bằng biệt danh “chỉ huy bóng tối” hay “bậc thày do thám”.
Vụ tấn công ban đêm do Mỹ thực hiện diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ, sau khi một nhóm dân quân Iran hậu thuẫn tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Iraq.