5 hạn chế cần khắc phục
Phát biểu tại "Diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã thẳng thắn chỉ ra 5 hạn chế còn tồn tại ở các cơ quan, doanh nghiệp khi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thứ nhất, không phải cơ quan, doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến chuyển đổi số, kể cả những người có trách nhiệm. Việc vượt lên chính mình vẫn là điều khó nhất. Lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp không thích thay đổi thói quen, cách làm cũ, cách suy nghĩ cũ.
"Hơn nữa, không phải ai cũng thích sự minh bạch, bởi vì minh bạch thì không giấu được những chuyện đang muốn giấu, cho nên họ cứ làm theo kiểu truyền thống", Phó thủ tướng nói.
Điều thứ hai, cơ chế, chính sách thực sự chưa tạo ra một đường băng để cơ quan, doanh nghiệp cất cánh.
Điểm hạn chế thứ ba là hạ tầng số, nền tảng cho tăng trưởng xanh đã có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Điểm thứ tư là nguồn lực chưa thực sự được ưu tiên và chưa được ứng xử như là một lĩnh vực tiên phong.
Hạn chế thứ năm, theo Phó thủ tướng là trong một số tiêu chí trong bảng tổng hợp xếp hạng chuyển đổi xanh của thế giới, thì Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thấp. Ví dụ như tiêu chí khả năng tận dụng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đứng thứ 150/190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
6 việc cần làm
Theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, có 6 điểm cần làm để cải thiện chỉ số chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các cơ quan, doanh nghiệp.
Thứ nhất là phải có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về chuyển đổi số đi đôi với chuyển đổi xanh. "Về tư tưởng chúng ta phải thông để tự tin làm và ưu tiên cho lĩnh vực này. Phải dám dấn thân vì không dấn thân chúng ta chẳng có gì cả", Phó thủ tướng nói.
Việc thứ hai, phải chú trọng đầu tư hạ tầng số, đặc biệt là khu vực có nhu cầu và có sự ảnh hưởng phát triển, ví dụ như các khu trung tâm, khu kinh tế, khu công nghiệp. Theo Phó thủ tướng, phải có thứ tự ưu tiên, bởi vì chúng ta chưa đủ tiềm lực làm tất cả mọi việc cùng lúc. Chính phủ sẽ có sự ưu tiên trong ngân sách công.
Việc thứ ba là phải huy động nguồn lực ngoài đường sách, bởi vì ngân sách thì không thể kham nổi tất cả mọi việc.
Việc thứ tư, Phó thủ tướng nhấn mạnh, là đào tạo nguồn nhân lực. "Khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, họ sẽ không hỏi về giá thuê đất vì đã có sẵn trên mạng, mà họ đặt vấn đề với lãnh đạo địa phương về khả năng cung ứng nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao", Phó thủ tướng nói. Ông cũng chia sẻ rằng đã có thời gian giữ vị trí lãnh đạo tỉnh Hải Phòng. Địa phương này thu hút được nguồn vốn FDI khá tốt vì có nguồn nhân lực dồi dào.
Về mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, Phó thủ tướng nói rằng ông đồng tình với mục tiêu này, và đang kêu gọi Intel, Samsung và các hãng bán dẫn cùng kết hợp đào tạo, để khi các sinh viên ra trường có nhà xưởng để thực hành, làm việc ngay, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
Việc thứ năm là Nhà nước cần có một cơ chế khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, với tinh thần là chấp nhận rủi ro và chấp nhận học hỏi.
Điều thứ sáu là Việt Nam phải cố gắng từng bước, "ngồi trên vai người khổng lồ", tức là biết cách khai thác, tận dụng tốt nhất các thành tựu của thế giới qua hợp tác quốc tế, thu hút những dự án FDI tốt cho quốc gia.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra hình ảnh mặt trời ở phía trước nhưng con đường đi đến đó còn có gập ghềnh phải vượt qua. Phó Thủ tướng chúc lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp tâm trong, trí sáng, tràn đầy năng lượng để đưa Việt Nam đến một ngày mai tươi sáng.