Ngày 8/7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết cho dù có giành chiến thắng trong vụ kiện trọng tài Biển Đông, Philippines cũng hoàn toàn có khả năng sẵn sàng cùng Trung Quốc chia sẻ tài nguyên thiên nhiên ở "khu vực tranh chấp Biển Đông".
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đây mới chỉ là các ý kiến phỏng đoán được báo chí cố tình loan tin vào thời điểm hết sức nhạy cảm hiện nay.
Ông Perfecto Yasay nói rằng chính quyền Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng sẽ nhanh chóng bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA).
Nội dung đàm phán bao gồm hợp tác sử dụng nguồn tài nguyên khí đốt và ngư trường trong "vùng đặc quyền kinh tế" (EEZ) của Philippines.
Ông Perfecto Yasay nói: "Chúng tôi thậm chí muốn nghiên cứu cách thức hợp tác thăm dò các khu vực liên quan, cách thức có thể cùng được lợi từ EEZ có tranh chấp".
Như vậy, sau khi PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện trọng tài Biển Đông, nếu phán quyết có lợi cho Philippines như dư luận phổ biến nhận định, Philippines sẽ có ưu thế về mặt pháp lý và đạo đức, khẳng định mình là chủ nhân của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở khu vực xung quanh, nơi mà "đường chín đoạn" tham lam của Trung Quốc lấn sâu vào.
Khi có ưu thế về pháp lý và đạo đức, Philippines sẽ tự tin khẳng định chủ quyền của mình. Từ tuyên bố của ông Perfecto Yasay cho thấy, Philippines có thể đồng ý hợp tác với Trung Quốc tiến hành thăm dò tài nguyên ở vùng EEZ của Philippines với tư cách Philippines là chủ nhân của EEZ.
Rõ ràng đây là một quyền lợi của Philippines phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), miễn sao không chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác ven Biển Đông và không xâm phạm chủ quyền đảo, đá của Việt Nam và các nước khác trên Biển Đông.
Theo bài báo, trong thời kỳ ông Benigno Aquino III lãnh đạo, Philippines đã đệ trình vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông lên PCA, thách thức yêu sách "đường chín đoạn" (yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp) của Trung Quốc.
Hành động này đã thực sự gây tức giận cho Trung Quốc. Mặc dù là nước lớn có nhiều "ưu thế", nhưng Bắc Kinh áp dụng thái độ rất cực đoan là không chấp nhận, không tham gia vụ kiện, không thừa nhận, không thực hiện kết quả phán quyết của PCA.
Thậm chí, trong tuần qua, Quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn ở phía bắc Biển Đông kéo dài một tuần (từ ngày 5 đến ngày 11/7/2017) để thách thức PCA cũng như vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trong thời gian đó, lúc 11 giờ ngày 9/7/2016, Bắc Kinh thậm chí đã hung hăng vô lối, cho 2 tàu có số hiệu 46102 (tàu cảnh sát biển) và số hiệu 56103 đâm chìm tàu cá QNg 90479 TS của ngư dân Võ Văn Lựu, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam đang hoạt động ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Vị trí tàu cá Việt Nam bị các tàu Trung Quốc hung hăng đâm chìm nằm ở tọa độ 16,06 độ vĩ Bắc - 113,06 độ kinh Đông. Vị trí này cách đông nam Đà Nẵng khoảng 290 hải lý, cách đông nam đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 35 hải lý.
Quay trở lại với quan hệ Trung Quốc-Philippines trong vấn đề Biển Đông, bài báo cho rằng sau khi nhậm chức Tổng thống Philippines vào ngày 30/6/2016, ông Rodrigo Duterte đã thể hiện tư thế "hòa giải" hơn với Trung Quốc.
Người tiền nhiệm Benigno Aquino III từ chối triển khai đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, đồng thời coi hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông chẳng khác nào sự bành trướng của phát-xít Đức ở châu Âu trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Ngày 8/7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết ông Rodrigo Duterte sẽ không đưa ra những "ví von" tương tự, đồng thời nhấn mạnh chính phủ mới ở Philippines muốn tìm cách xây dựng quan hệ tốt nhất với Trung Quốc.
Ông còn cho hay Trung Quốc và Philippines nhất trí đồng ý, sau khi PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện, hai bên sẽ không đưa ra "tuyên bố mang tính khiêu khích". Ông nói Philippines khi đó sẽ nghiên cứu chi tiết phán quyết của PCA và thảo luận với đồng minh, sau đó nhanh chóng triển khai hội đàm với Trung Quốc.
Ông Perfecto Yasay cho hay Philippines giữ thái độ "cởi mở" trong vấn đề chia sẻ nguồn lợi thủy sản phong phú ở bãi cạn Scarborough. Philippines cho biết bãi cạn Scarborough nằm ở vùng đặc quyền kinh tế của họ, nhưng năm 2012 đã bị Trung Quốc dùng thực lực chiếm đoạt.
Ông Perfecto Yasay cho biết Philippines sẽ còn cân nhắc hợp tác với Trung Quốc tiến hành thăm dò chung ở bãi Cỏ Rong, khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines để chia sẻ tài nguyên khí đốt. Yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh cũng chồng lấn lên khu vực này.
Tuy nhiên, ông Perfecto Yasay kiên trì khẳng định rằng Philippines sẽ không từ bỏ bất cứ quyền lợi biển nào thuộc về mình. Điều này có nghĩa là Philippines khẳng định EEZ theo quy định của UNCLOS. Kết quả phán quyết của PCA có thể khẳng định quyền lợi biển này của Philippines.
Ngày 7/7, Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cũng đã hội kiến với Đại sứ Trung Quốc tại nước này, ông Triệu Giám Hoa. Ngày 8/7, ông Triệu Giám Hoa lại xuất hiện ở Bộ Ngoại giao Philippines. Tuy nhiên, chưa rõ ông ta vất vả chạy vạy như vậy để làm gì.
Trước đó, Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khẳng định, nếu kết quả của vụ kiện trọng tài Biển Đông có lợi cho Philippines, ông đã chuẩn bị tốt đối thoại với Trung Quốc, tránh xảy ra chiến tranh.
Như vậy, đây là một quan điểm thiết thực. Khi quyền lợi biển được PCA khẳng định là hợp pháp thì địa vị của Philippines đã khác. Việc "chìa cành ô liu" ra với Trung Quốc sẽ tránh căng thẳng hơn giữa hai nước.
Philippines cũng thấy được Trung Quốc luôn tìm cách cố tình áp đặt yêu sách "đường chín đoạn". Việc "chìa cành ô liu" này cũng chỉ là một khe cửa hẹp cho hợp tác hai nước, nhưng có thể mang tính khả thi khi Trung Quốc có thái độ nhượng bộ.
Nếu Trung Quốc nhượng bộ Philippines trong vấn đề EEZ, chấp nhận Philippines có EEZ, quyết định hợp tác với Philippines trên cơ sở Philippines là chủ nhân của EEZ tại vùng biển của họ thì rõ ràng Bắc Kinh đã từ bỏ yêu sách "đường lưỡi bò".
Một điều đáng chú ý là có học giả Trung Quốc cho biết Bắc Kinh chưa từng làm rõ yêu sách “đường chín đoạn”. Trong tương lai, Bắc Kinh có thể đưa ra yêu sách chủ quyền và quyền lợi biển theo UNCLOS.
Tức là những quyền lợi này dựa trên việc Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với các đảo, đá cướp được của các nước khác xung quanh Biển Đông.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng có tiềm lực tài chính lớn. Đó là một ưu thế để tiến hành hợp tác kinh tế, thu hút sự quan tâm của các nước, nhất là những nước nghèo.
Cho đến giờ này, phải khẳng định rằng Philippines vẫn chủ trương chủ quyền và quyền lợi biển của họ theo quy định của UNCLOS, nhưng vẫn còn tồn tại tranh chấp với các bên ở quần đảo Trường Sa, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc vẫn là một bên có tham vọng bành trướng vô lý và phi pháp, họ luôn tìm cách đòi có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế ở các quần đảo trên Biển Đông và có thể lấn sâu vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông.
Cho nên, nếu Philippines có "chìa cành ô liu" cho Trung Quốc thì vẫn phải xem xét Bắc Kinh có thay đổi lập trường, thái độ hay không.
Dựa trên các tuyên bố chủ quyền vô lý, phi pháp, nhưng nhất quán trước đây cùng với sự hậu thuẫn quân sự to lớn, thì rõ ràng việc hợp tác khai thác tài nguyên này vẫn là một vấn đề phức tạp, khó khăn.