Philippines nói đã cho tàu tiếp tế thành công cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc im lặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ngày 23/11 tàu vận tải quân sự đã cập mạn thành công con tàu cũ ở Bãi Cỏ Mây để tiếp tế cho binh sĩ Philippines đóng ở đó; Trung Quốc hiện vẫn im lặng.
Chiếc Sierra Madre, nơi đồn trú của binh lính Philippines trên Bãi Cỏ Mây (Ảnh: Reuters).
Chiếc Sierra Madre, nơi đồn trú của binh lính Philippines trên Bãi Cỏ Mây (Ảnh: Reuters).

Philippines trước đó tuyên bố, vào tuần trước, ngày 16/11, 3 chiếc tàu Hải Cảnh của Trung Quốc đã ngăn cản trái phép 2 tàu tiếp liệu của Philippines chở hàng tiếp tế cho những người lính đóng ở Bãi Cỏ Mây và phun vòi rồng vào các tàu của Philippines.

Bãi cạn Cỏ Mây (tên tiếng Anh: Second Thomas Shoal, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Renai Jiao) là một vòng san hô trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý về phía Tây Nam. Năm 1999, Philippines đã cố tình cho mắc cạn chiếc tàu chiến Sierra Madre đã loại biên trên bãi đá ngầm bị nước nhấn chìm khi thủy triều lên này để củng cố yêu sách chủ quyền của họ đối với khu vực. Bắc Kinh cho rằng Manila đã “chiếm đóng trái phép Renai Jiao chủ quyền thuộc về Trung Quốc” và liên tục cản trở sự kiểm soát của Philippines đối với vùng biển này.

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu vận tải Philippines trên biển (Ảnh: Sunnews).

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu vận tải Philippines trên biển (Ảnh: Sunnews).

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hôm thứ Ba (23/11) cho biết 2 tàu tiếp liệu của Hải quân Philippines đã tiếp cận nơi cần đến vào khoảng 11 giờ sáng cùng ngày và bắt đầu chuyển binh lính lên thay thế quân đồn trú và vật tư hàng hóa từ tàu tiếp liệu sang chiếc tàu chiến cũ Sierra Madre. Ông nói, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã cử ba nhân viên đi một chiếc xuồng cao su đến gần để quay phim hoạt động của tàu tiếp tế của Philippines. Trong suốt thời gian này hai bên không xảy ra xung đột, nhưng Lorenzana đã liên lạc với Đại sứ Trung Quốc tại Manila, cho rằng động thái của các nhân viên Trung Quốc là đe dọa và quấy rối các nhân viên Philippines.

Theo CNA, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời yêu cầu bình luận và đến thời điểm này truyền thông Trung Quốc vẫn im lặng trước diễn biến mới tại Bãi Cỏ Mây.

Trước đó, hôm Chủ nhật (21/11) ông Lorenzana cho biết, sau nhiều cuộc điện đàm với Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), ông đã chỉ thị cho tàu tiếp liệu quân sự khởi hành trở lại, đồng thời nói rằng lần này Trung Quốc sẽ không can thiệp.

Binh sĩ Philippines trên tàu Sierra Madre (Ảnh: Reuters).

Binh sĩ Philippines trên tàu Sierra Madre (Ảnh: Reuters).

Một ngày sau, vào ngày 22/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, đã tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ chung tay với các nước ASEAN bảo vệ sự ổn định của Nam Hải (tức Biển Đông) và xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, vùng biển hữu nghị, vùng biển hợp tác.” Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc “quyết không mưu cầu bá quyền, càng không cậy lớn bắt nạt nhỏ.”

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ sự "ghê tởm" việc các tàu Hải Cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng để đối phó và ngăn cản các tàu tiếp tế của Philippines. Ông nói: "Tôi ghê tởm sự việc gần đây. Nó tạo nên tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa các nước chúng ta", đồng thời cho rằng pháp quyền là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố tàu vận tải Philippines đã tiếp tế thành công cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây (Ảnh: Đông Phương).

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố tàu vận tải Philippines đã tiếp tế thành công cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây (Ảnh: Đông Phương).

Hôm thứ Năm tuần trước (18/11), Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết ông đã “bày tỏ sự giận dữ, lên án và phản đối" của Philippines “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất” với Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh để đáp trả sự kiện tàu Hải Cảnh Trung Quốc phun vòi rồng ngăn chặn tàu tiếp tế của Philippines.

Vụ tấn công đã buộc tàu Philippines phải tạm ngừng việc tiếp tế và chính phủ Philippines bày tỏ sự tức giận. Bắc Kinh tuyên bố rằng những tàu đó đã đi vào vùng biển của Trung Quốc mà không được phép.

Ông Locsin nói: “Tôi cũng nhắc nhở Trung Quốc rằng các tàu của chính phủ (Philippines) được Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ bảo vệ.”

Một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price cảnh báo rằng bất kỳ "cuộc tấn công vũ trang" nào nhằm vào các tàu công vụ của Philippines sẽ dẫn đến việc áp dụng Hiệp ước Mỹ-Philippines ký năm 1951. Theo hiệp ước này, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh của mình là Philippines.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, và củng cố yêu sách chủ quyền của mình bằng việc lấp biển xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa của chúng, đồng thời thường xuyên sử dụng các tàu Hải Cảnh và tàu đánh cá để củng cố yêu sách chủ quyền, làm dấy lên sự phản đối từ các nước láng giềng.

Vào tháng 7/2016, Tòa án Trọng tài quốc tế (Permanent Court of Arbitration) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết về nhiều khiếu nại của Philippines, bao gồm việc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử ở Biển Đông là không có cơ sở, phủ nhận sự tồn tại của cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” trên Biển Đông.

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc phun vòi rồng ngăn cản tàu Philippines (Ảnh: AP).

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc phun vòi rồng ngăn cản tàu Philippines (Ảnh: AP).

Trung Quốc đã từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế được lập ra theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, và tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự và tiềm lực quốc gia để thúc đẩy hành vi mở rộng chủ quyền bất hợp pháp của mình, đồng thời chỉ trích "Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nước này thường xuyên can thiệp vào vấn đề Biển Đông”, trong khi một số quốc gia thành viên ASEAN lại công khai hoan nghênh sự tham gia của Mỹ vào vấn đề an ninh khu vực.

Khối lượng thương mại hàng năm đi qua Biển Đông trị giá tới hàng chục nghìn tỷ USD. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông; các nước và khu vực Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần trên Biển Đông.