May mắn thay, cả hai bên đã phản ứng nhanh chóng để đạt được một lệnh ngừng bắn. So với cuộc xung đột lớn giữa Armenia-Azerbaijan năm ngoái, đây chỉ có thể được coi là vụ "lau súng cướp cò".
Xung đột biên giới gần đây giữa hai nước đã gây ra tranh cãi và đưa tin rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Ngòi nổ của cuộc xung đột hóa ra là “phía Tajikistan định lắp đặt hệ thống camera trên các cột điện dọc biên giới, nhưng Kyrgyzstan từ chối”. Lính hai bên lúc đầu ném đá vào nhau và sau đó chuyển thành một cuộc đấu súng. Nhưng, chuyện có thực sự chỉ đơn giản như thế không?
“Mầm họa” từ thời kỳ Xô Viết
Trong số 5 quốc gia Trung Á, Tajikistan và Kyrgyzstan tuy là những quốc gia nhỏ với dân số không tới 10 triệu người, nhưng đều đã từng xảy ra xung đột bạo lực ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn như cuộc nội chiến nghiêm trọng ở Tajikistan từ năm 1992 đến 1997, và sự thay đổi chế độ bất thường ở Kyrgyzstan các năm 2005 và 2010. Những cuộc xung đột bạo lực này thường khơi dậy sự quan ngại và chú ý của các nước láng giềng.
Bản đồ hai nước Tajikistan (màu vàng), Kyrgyzstan (đỏ) và các điểm xảy ra xung đột hôm 29/4 (các chấm đỏ). Ảnh: Zaker. |
Xét từ khía cạnh sức mạnh tổng hợp và điều kiện cơ bản của quốc gia, Tajikistan và Kyrgyzstan giống những người “anh em khó khăn” và có nhiều điểm tương đồng: lãnh thổ không rộng, nhiều núi cao và sa mạc. Về kinh tế, hai quốc gia xếp cuối cùng trong số 5 quốc gia Trung Á. Năm 2019, GDP của Kyrgyzstan và Tajikistan lần lượt là 8,459 tỷ đô la Mỹ và 9,36 tỷ USD.
Về góc độ tôn giáo, cư dân hai nước chủ yếu theo Hồi giáo dòng Sunni. Trong quá trình điều hành đất nước, hai nước có nhiều vấn đề tương tự như kinh tế tụt hậu, xã hội không ổn định, hiện đại hóa lạc hậu, vấn đề tôn giáo phức tạp và khoảng cách phát triển giữa các khu vực rõ rệt.
Do hai nước có những điều kiện cơ bản và thách thức giống nhau, lại đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải nên về mặt lý thuyết, sự hợp tác và hữu nghị giữa hai bên lớn hơn nhiều so với những khác biệt và xung đột; thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Trong 10 năm qua, giữa dân hai bên biên giới đã có không dưới một trăm cuộc xung đột, trọng tâm của các tranh chấp thường là các vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng nguồn nước chung. Trong lãnh thổ Kyrgyzstan còn có một vùng đất của Tajikistan; khu vực biên giới hai nước sử dụng chung nhiều nguồn nước, có nhiều nguyên nhân tự nhiên dẫn đến xung đột giữa hai bên.
Lính Kyrgyzstan trong vụ xung đột (Ảnh: Sputnik). |
Tất cả những nguyên nhân này phải bắt đầu từ thời Liên Xô. Kyrgyzstan và Tajikistan đều là hai nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước khi tách ra. Năm xưa, Liên Xô phân định khu vực Trung Á, nhưng tiêu chuẩn phân giới thực hiện theo chỉ thị của Trung ương, bỏ qua điều kiện sống tập trung của các dân tộc khác nhau và đặc điểm tự nhiên của từng vùng, dẫn đến các vùng kinh tế và các khu dân cư tự nhiên bị chia cắt bởi biên giới của các nước cộng hòa. Điều này là nguồn cơn của cuộc xung đột biên giới sau này giữa Kyrgyzstan và Tajikistan.
Trong thời kỳ Xô Viết, xung đột giữa hai nước xung quanh vấn đề biên giới không gay gắt. Đó là vì mâu thuẫn giữa họ vẫn thuộc về công việc nội bộ của Liên Xô, biên giới của các nước thành viên là địa giới hành chính của các nước trong nội bộ Liên Xô, có thể dễ dàng giải quyết dưới sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền trung ương. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, trọng tài bị mất đi, các ranh giới hành chính trở thành ranh giới quốc gia thực sự, kéo theo các tranh chấp lãnh thổ.
Một ngôi nhà ở biên giới bị cháy do trúng đạn pháo (Ảnh: Sohu). |
Tất nhiên, sự xuất hiện vấn đề biên giới còn liên quan đến các chính sách mà hai nước thực hiện. Trong thời kỳ Liên Xô, vì quyền lợi của mình, giới cầm quyền của hai nước thường “trao đổi lãnh thổ” qua thương lượng.
Hiện tại, có hai vùng đất của Tajikistan là Voluch và Kayragach nằm trong lãnh thổ Kyrgyzstan. Voluch và khu vực xung quanh đã trở thành tâm điểm của các cuộc xung đột biên giới giữa hai bên trong những năm gần đây. Ngày nay, đường biên giới hai nước dài 971 km thì 471 km có tranh chấp. Vì vậy, chừng nào biên giới còn chưa thực sự được phân định rõ ràng, thì những xích mích ở biên giới do xung đột dân sự sẽ không thể tránh khỏi.
Ảnh vệ tinh chụp hồ nước cung cấp cho ba nước sử dụng (Ảnh: Zaker). |
Xung đột không chỉ từ sự tranh giành nguồn nước
Sự tranh giành về nguồn nước ở Trung Á rất khốc liệt, như trường hợp của Tajikistan và Kyrgyzstan. Trung Á nằm cách xa đại dương và đường bờ biển, khí hậu rất khô hạn, người dân chủ yếu dựa vào các hồ chứa do chính phủ xây dựng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Xung đột lần này nổ ra là xung quanh việc phân chia tài nguyên nước.
Vụ xung đột nổ ra ở làng Kok-Tash ở tỉnh Batken, Kyrgyzstan, trong bồn địa Fergana, nơi xung đột sắc tộc nghiêm trọng. Trên sông Isfara trong vùng này có một hồ chứa và một trạm bơm, hai nước đã có tranh chấp từ lâu về việc sử dụng nước tưới và quyền kiểm soát trạm bơm. Hồ chứa hiện đang được Kyrgyzstan kiểm soát và cung cấp nước hàng ngày cho cả Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Từ lâu, Kyrgyzstan đã tuyên bố chủ quyền đối với hồ chứa nước này với lý do “hồ chứa nước này được Kyrgyzstan xây dựng”; trong khi Tajikistan đã sử dụng bản đồ của Tajikistan trong thời kỳ Liên Xô 1924-1927 và 1989, cũng như các tài liệu của Liên Xô, tuyên bố "hồ chứa đã được chuyển giao thuộc lãnh thổ của Tajikistan". Đây là vấn đề trọng tâm có thể gây nên xung đột.
Tổng thống Tajikistan Imomali Rakhmon tại lễ khánh thành một trạm bơm nước (Ảnh: Đa Chiều). |
Ngày 29/4, các nhân viên Tajikistan đã lắp camera trên cột điện thoại gần hồ chứa nước, hành động này ngay lập tức bị Kyrgyzstan coi là xâm phạm chủ quyền của mình nên hai bên đã xảy ra va chạm rồi dẫn tới xung đột dữ dội.
Nhìn bề ngoài, đây là một sự cố do lắp camera gây ra, nhưng trên thực tế, mâu thuẫn xung quanh nguồn nước đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2015. Vào ngày 3/8 năm đó, dân làng địa phương đã cắt nguồn nước cung cấp cho phía Tajikistan vì dân làng bên Tajikistan chặn đường dẫn vào nghĩa địa. Kết quả là xung đột nổ ra. Có tới 800 người dân làng hai bên tham gia kịch chiến trong vài ngày, cuối cùng, quân đội và cảnh sát phải ra tay mới dẹp yên được.
Quan trọng hơn, vấn đề nguồn nước đã đan xen với vấn đề ma túy và vấn đề chủ nghĩa khủng bố. Do việc phân định ranh giới không rõ ràng, việc quản lý nhiều đường biên giới ở trạng thái chân không hoặc bán chân không, hoạt động buôn bán ma túy diễn ra tràn lan. Sau khi kẻ buôn bán ma túy hoàn thành giao dịch có thể trốn sang các nước khác một cách thuận lợi qua đường biên giới. Một số thế lực tôn giáo cực đoan cũng nhân cơ hội phát triển tại địa phương, đe dọa đến đời sống của cư dân biên giới. Do đó, xét về cơ bản, sự bùng nổ của xung đột này là do sự tranh giành tài nguyên của người dân và tình trạng mất an ninh lâu dài trên thực tế gây nên.
Một ngôi nhà dân ở biên giới Kyrgyzstan bị đạn pháo phá hủy (Ảnh: Đa Chiều). |
Cuộc xung đột này sở dĩ khiến hàng trăm người chết và bị thương, ngoài việc chồng chất các cuộc xung đột kéo dài, còn liên quan đến đại dịch COVID-19. Sau khi dịch bùng phát, cả Tajikistan và Kyrgyzstan đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt, phong tỏa mọi ngả biên giới và tăng số lượng quân lính ra biên giới. Vì vậy, mọi hành động tương tự như “lắp camera” đều bị quân đội coi là hành động khiêu khích. Nếu là dân làng, có lẽ không nhạy cảm như vậy.
Nga khẩn cấp vào cuộc can thiệp
Sau khi xung đột nổ ra, cả Tajikistan và Kyrgyzstan đều cáo buộc lẫn nhau: cơ quan bảo vệ biên giới của Kyrgyzstan cho rằng phía Tajikistan cố tình kích động xung đột ở biên giới; Ủy ban An ninh Quốc gia Tajikistan lại tuyên bố rằng nguyên nhân do “sự kích động của các nhà lãnh đạo tỉnh Batken của Kyrgyzstan”. Mặc dù lãnh đạo cấp cao hai nước đã tổ chức hội đàm và đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng các vụ giao tranh vẫn đang xảy ra ở một số khu vực. Điều này đã khiến Nga vội vào cuộc. Ngày 30/4, Tổng thống Putin nói ông sẽ trở thành trung gian hòa giải giữa Kyrgyzstan và Tajikistan.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Tajikistan Imomali Rakhmon (Ảnh: Zaker). |
Tại sao Nga phải nhanh chóng can thiệp? Có hai lý do. Thứ nhất, Trung Á luôn được Nga coi là hậu phương lớn và là yếu địa chiến lược liên quan đến an ninh quốc gia; Kyrgyzstan và Tajikistan là đồng minh truyền thống của Nga. Xung đột quy mô lớn giữa hai nước tất sẽ phá vỡ sự ổn định của khu vực Trung Á, gây nhiễu kế hoạch chiến lược của Nga. Đó là điều mà ông Putin không muốn thấy nhất.
Mặt khác, Nga lo Mỹ sẽ thừa cơ nhảy vào nên muốn nhanh chóng dập lửa. Lâu nay, do vị trí địa lý tương đối biệt lập của Trung Á nên thế lực của Mỹ khó có thể thực sự xâm nhập. Kể từ sau vụ 11/9, Mỹ đã lấy danh nghĩa chống khủng bố tiến hành các cuộc xâm nhập quy mô lớn vào Trung Á, thậm chí còn lên kế hoạch biến Biển Caspi thành căn cứ vận chuyển hàng hóa cho quân đội Mỹ. Để làm suy yếu và làm tan rã ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, Mỹ có thể sẵn sàng kích động và ly gián Tajikistan và Kyrgyzstan bất cứ lúc nào. Vì vậy, xung đột giữa Kyrgyzstan và Tajikistan cuối cùng đã trở lại bình lặng dưới sự can thiệp mạnh mẽ của Nga.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov (Ảnh: Zaker). |
Thực ra, cả Kyrgyzstan và Tajikistan cũng muốn làm dịu tình hình càng sớm càng tốt. Đối với Kyrgyzstan, một loạt các tranh chấp gây ra bởi sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam nước này còn lâu mới kết thúc. Tân Tổng thống Sadyr Japarov tuy mạnh mẽ nhưng mới nắm quyền chưa đầy một năm, nền tảng chưa vững chắc, điều quan trọng nhất lúc này với ông là các vấn đề chính trị trong nước và vấn đề kinh tế không khởi sắc. Tổng thống rõ ràng là không thể can dự vào một cuộc xung đột với nước ngoài.
Tajikistan thực sự bức thiết hơn đối với thỏa thuận ngừng bắn. Mặc dù Tổng thống đương nhiệm Imomali Rakhmon được bầu lại lần thứ năm vào tháng 10 năm ngoái, ông rất có uy tín và đầy tham vọng, nhưng dù sao cũng đã 69 tuổi và cuộc đấu tranh chính trị gây ra bởi vấn đề kế vị quyền lực ngày càng trở nên gay gắt. Nền kinh tế trong nước của Tajikistan bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, giá cả tăng cao, đồng tiền mất giá, tỷ lệ thất nghiệp của người dân vẫn ở mức cao, điều cần nhất lúc này là sự ổn định.
Hình ảnh về vụ xung đột biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan hôm 29/4 (Video: CNS). |
Tóm lại, lý do khiến cuộc xung đột giữa Tajikistan và Kyrgyzstan nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế là do hai bên không còn đơn giản là "cuộc đấu giữa dân làng", mà có sự tham gia của lính biên phòng quốc gia, rất có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh cục bộ. Hiện tại, với sự can thiệp nhanh chóng của Nga có nghĩa là việc chấm dứt hoàn toàn xung đột chỉ là vấn đề thời gian. Những người “anh em khó khăn” Tajikistan và Kyrgyzstan cũng nên ngồi vào bàn đàm phán và đưa ra những giải pháp chân thành và khả thi để sớm giải quyết vấn đề biên giới giữa hai bên.