Cuộc bỏ phiếu lần này được coi là phép thử dành cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu bởi trong nhiều cuộc thăm dò dư luận trước đó đều cho thấy, tỷ lệ cử tri tin tưởng vào chiến thắng của đảng cầm quyền đã xuống dưới mức 50%.
Gay cấn đến phút cuối
Tham gia cuộc tranh cử lần này có 23 chính đảng. Các cuộc vận động tranh cử được tiến hành từ cách đây 3 tháng và theo nhận định của tờ The Wall Street Journal, chỉ có 11 chính đảng được cho là đủ điều kiện để có đại diện trong Quốc hội khóa tới, tức là giành được ít nhất 3,25% tổng số phiếu ủng hộ.
Trong số 11 chính đảng này, có 3 chính đảng đang được coi là dẫn đầu gồm đảng Likud cánh hữu cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Công đảng do ông Isaac Herzog đứng đầu và đảng Hatnua của cựu Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni.
Hai đảng Lao động và Hatnua đã thành lập một liên minh với tên gọi Liên minh Zion kèm theo thỏa thuận chia sẻ luân phiên 2 năm một lần cho chiếc ghế Thủ tướng.
Tuy nhiên, hai đảng này đang có căng thẳng bởi một ngày trước khi bầu cử diễn ra, ông Isaac Herzog đã đột nhiên tuyên bố rằng ông sẽ là Thủ tướng tiếp theo của Israel.
Ngay lập tức, cựu Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni thông báo rút khỏi thỏa thuận chia sẻ luân phiên ghế Thủ tướng nếu ZU giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Mặc dù có chút rạn nứt trong ZU nhưng giới quan sát vẫn nhận định rằng, ông Isaac Herzog là đối thủ “khó nhằn” đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Nói thế là bởi lẽ, ông Isaac Herzog không có tài hùng biện như ông Benjamin Netanyahu nhưng lại đang được cộng điểm khá nhiều bởi những ưu tiên về chính sách kinh tế.
Khi vận động tranh cử, thủ lĩnh Công đảng luôn nhấn mạnh đến 3 chính sách ưu tiên lớn nếu lên cầm quyền là phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ với đồng minh chiến lược Mỹ và nối lại tiến trình hòa bình với người Palestine.
Ngoài mối lo về ZU, đảng Likud cầm quyền cũng đang đứng trước một thách thức lớn nữa là liên minh các đảng phái gốc Arab – một trong những đồng minh tiềm năng của Công đảng lần đầu tiên được đánh giá là có cơ hội để giành được số ghế nhiều thứ 3 với khoảng từ 13-15 ghế trong tổng số 120 ghế tại Nghị viện.
Người ta cũng không loại trừ khả năng có liên minh giữa Công đảng và người Israel gốc Arab bởi hai bên có quan điểm rất gần gũi với nhau về vấn đề Palestine, đó là ủng hộ việc sớm thúc đẩy một giải pháp hai nhà nước cùng song song tồn tại.
Tương lai bất định của Thủ tướng
Trả lời phỏng vấn báo giới, cựu Đại sứ Mỹ Martin Indyk, từng làm việc tại Jerusalem và đảm trách những vai trò quan trọng khác trong việc thực hiện chính sách của Mỹ ở Trung Đông nhận định: “Tình hình cuộc bầu cử ở Israel năm nay thay đổi quá nhanh. Chỉ một vài tuần trước, ai ai cũng tin ông Netanyahu sẽ tái đắc cử dễ dàng. Nhưng vài ngày này, mọi chuyện đã khác”.
Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất trước thềm bầu cử, ZU có khả năng sẽ giành được 25 ghế trong khi đảng Likud chỉ có được 21 ghế; đảng Yesh Atid của cựu Bộ trưởng Tài chính Yair Lapid và Liên minh các đảng Arab cùng được 13 ghế; đảng Ngôi nhà Do Thái 11 ghế…
Một điểm đáng chú ý nữa là hệ thống thông tin dữ liệu của phe tranh cử ủng hộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 15/3 đã công bố số liệu lần đầu tiên cho thấy tỷ lệ cử tri tin tưởng vào chiến thắng của đảng cầm quyền Likud đã xuống dưới mức 50%.
Chỉ có 49,6% người được khảo sát tin rằng, ông Benjamin Netanyahu sẽ tiếp tục lãnh đạo liên minh cầm quyền mới trong khi tỷ lệ này được công bố hôm 9-3 là 62,3%.
Nguyên do là vì nhiều người Israel đã cảm thấy thất vọng về các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine và những bê bối về lối sống xa hoa của ông Benjamin Netanyahu.
Hơn nữa, những bài phát biểu hùng hồn cùng những lời lẽ cứng rắn của Thủ tướng đối với Iran và Palestine tại Mỹ đã thực sự gây chia rẽ trong xã hội Israel và khiến người dân nước này một lần nữa cảm thấy bất an, nhất là khi chính quyền Washington tỏ thái độ bực tức, không hài lòng.
Bằng chứng là hôm 10-3, hàng ngàn người Israel đã tham gia một cuộc mít tinh lớn tại Tel Aviv để phản đối các chính sách gần đây của chính phủ. Vừa diễu hành trên đường phố, những người này vừa hô vang khẩu hiệu “Israel muốn thay đổi”.
Hòa mình trong nhóm người biểu tình, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad Meir Dagan đã chỉ trích các chính sách của ông Benjamin Netanyahu và nhấn mạnh rằng, Tel Aviv cần có “một tầm nhìn mới trong tương lai”.
Theo: VnMedia
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu