Thông tin từ VNE, Tuổi Trẻ, các nhà nghiên cứu quan sát từ vệ tinh và kính viễn vọng trên Trái Đất phát hiện ngoại hành tinh mới có bán kính gấp gần 3,5 lần Trái Đất và khối lượng lớn hơn 40 lần. Ngoại hành tinh quanh một ngôi sao giống như Mặt trời trong một chu kỳ rất ngắn, chỉ 18 ngày, với nhiệt độ bề mặt lên tới 1.527 độ C. Hành tinh này được đặt tên là TOI 849b.
TOI 849b được cấu tạo chủ yếu từ đá, hầu như không có khí quyển (lớp khí quyển chỉ chiếm nhiều nhất 4% khối lượng của hành tinh này).
David Armstrong - Nhà thiên văn học ở Đại học Warwick tại Coventry (Anh) cùng cộng sự công bố kết luận nghiên cứu trên tờ tạp chí Nature, rằng khối lượng lớn và tình trạng gần như mất khí quyển hé lộ TOI 849b có thể là phần lõi còn sót lại của hành tinh khí khổng lồ. Đây có thể là lõi trần của hành tinh khí khổng lồ đầu tiên được phát hiện.
Trước đây, chưa ai có thể thấy lõi rắn bên dưới lớp vỏ dày của khí hydro và khí heli của Sao Mộc và Sao Thổ. Ảnh: SPACE |
Nhóm nghiên cứu sử dụng Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA, quan sát TOI 849b đi qua phía trước ngôi sao giống Mặt Trời cách Trái Đất 734 năm ánh sáng. Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu tại Nam Bán cầu (ESO) quan sát bằng Đài thiên văn La Silla ở Chile đã cung cấp dữ liệu ngoại hành tinh có khối lượng gấp đôi sao Hải Vương.
Kết hợp các quan sát và tính toán về thể tích, nhóm nghiên cứu cho rằng TOI 849b là hành tinh đặc nhất từng biết. Theo giả thuyết chuẩn về quá trình hình thành hành tinh, bất kỳ khối cầu đá nào lớn gấp 10 lần khối lượng Trái Đất hoặc hơn sẽ hút khí gas liên tục từ đĩa khí và bụi ở nơi nó ra đời. Do đó, với khối lượng gấp hàng chục lần Trái Đất, lẽ ra TOI 849b phải có khí quyển dày.
Hai giả thuyết được đưa ra trong trường hợp này, một là hành tinh mở ra khoảng trống trong đĩa tiền hành tinh nên không có nhiều vật liệu để nó "nuốt chửng", dẫn đến TOI 849b chỉ có phần lõi trơ trọi. Giả thuyết thứ hai là TOI 849b là hành tinh khí khổng lồ nhưng mất dần khí quyển vì lý do nào đó.
Nếu TOI 849b là hành tinh khí khổng lồ, nghiên cứu về nó sẽ giúp các nhà thiên văn học tìm hiểu về lõi của các hành tinh như sao Mộc. Theo Adams, đây là lần đầu tiên có thể khẳng định con người có cơ hội nhìn vào lõi của một hành tinh khí mà chúng ta không thể làm trong hệ Mặt trời của chính mình. Đồng thời, việc xem xét quang phổ ánh sáng sao được lọc qua khí quyển của TOI 849b bằng những kính viễn vọng không gian tương lai có thể hé lộ thành phần cấu tạo hành tinh.