Các vận động viên thi đấu ba môn phối hợp trên sông Seine, Paris, Pháp (Ảnh: The Hill) |
Mới đây, vận động viên (VĐV) người Bỉ Claire Michael đã bị nhiễm khuẩn E.coli và phải nhập viện sau khi bơi qua sông Seine ở nội dung 3 môn phối hợp.
Với việc Claire Michel nhập viện, đội 3 môn phối hợp Bỉ buộc phải rút lui khỏi nội dung tiếp sức. Điều này khiến cho Ủy ban Olympic Bỉ vô cùng tức giận. Họ đã đưa ra tuyên bố đầy gay gắt chỉ trích Ban tổ chức.
"Ủy ban Olympic Bỉ và đội 3 môn phối hợp Bỉ hy vọng tất cả sẽ rút kinh nghiệm cho các cuộc thi 3 môn phối hợp trong tương lai. Chúng tôi cần đảm bảo về tính an toàn trong những ngày tập luyện, thi đấu và thể thức thi đấu. Những điều này cần phải được làm rõ để đảm bảo không có sự bất ổn nào với VĐV, môi trường và người hâm mộ", Ủy ban Olympic Bỉ thông báo.
Trước đó, VĐV 3 môn phối hợp, Jolien Vermeylen, đã chia sẻ về cảm giác bơi trên sông Seine. Cô nói: "Khi bơi dưới sông, tôi đã nhìn thấy nhiều thứ mà chúng ta không dám nghĩ đến. Sông Seine đã ô nhiễm cả trăm năm. Giờ đây, họ nói rằng ưu tiên tới sức khỏe của VĐV. Đó thực sự là lời nói nhảm nhí".
Trước đó, sau nhiều tháng trì hoãn, các nhà tổ chức Olympic đã xác nhận rằng môn bơi lội trong thi đấu ba môn phối hợp có thể diễn ra tại sông Seine nổi tiếng của Paris.
Điều này được đưa ra sau những tranh cãi về việc liệu chất lượng nước của dòng sông có thể được cải thiện kịp thời cho Thế vận hội Paris hay không.
Các cuộc kiểm tra chất lượng nước liên tục cho thấy mức độ không an toàn của E.coli và các vi khuẩn nguy hiểm khác, mặc dù các chính trị gia Pháp đã bơi lội trên truyền hình để chứng minh rằng nước sông an toàn.
Cụ thể, hàm lượng E.coli tăng lên tới 2.000 CFU trong 100ml. Trong khi đó, Liên đoàn 3 môn phối hợp thế giới quy định mức độ phải thấp hơn 1000 CFU trong 100ml.
Các quan chức Paris thường lý giải việc chất lượng nước không an toàn là do mưa và cho biết họ "lạc quan" rằng dòng sông sẽ kịp thời sạch sẽ trở lại cho Thế vận hội.
Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng
Lịch sử bơi lội trên sông Seine kéo dài hơn 100 năm. Dòng sông này đã tổ chức các sự kiện bơi lội trong kỳ Thế vận hội năm 1900, nhưng việc tắm ở đây đã bị cấm từ năm 1923 do mức độ nguy hiểm mà giao thông và ô nhiễm nước gây ra. Sau đó, dòng sông trở thành tuyến đường thuỷ để vận chuyển hàng hóa và người dân bằng thuyền.
Không có gì ngạc nhiên khi theo thời gian, nước của dòng sông trở nên độc hại đến mức ngay cả cá cũng khó sống sót. Ngoài việc trở thành nơi xả rác, dòng sông của Paris còn bị ô nhiễm bởi những nguồn nước thải chưa qua xử lý.
Năm 2015, thành phố đã công bố kế hoạch làm sạch dòng sông kịp thời cho Thế vận hội. Một dự án làm sạch toàn diện trị giá 1,4 tỉ euro đã từ từ khởi động để biến nước sông Seine độc hại thành một địa điểm bơi lội.
Một số biện pháp được triển khai để cải thiện chất lượng nước bao gồm xây dựng một bể chứa khổng lồ để thu gom nước mưa dư thừa và ngăn nước thải chảy vào sông, cải tạo hệ thống cống rãnh và nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải.
Những đợt kiểm tra và sự đảm bảo của giới chức
Trước khi kỳ Olympic diễn ra trên con sông này, đã có rất nhiều đợt kiểm tra được thực hiện. Đa số kết quả cho thấy, lượng nước, cũng như hàm lượng vi khuẩn trong nước vượt quá những tiêu chuẩn của Thế vận hội.
Ba tuần trước khi Thế vận hội bắt đầu, một buổi tập dượt lễ khai mạc trên sông Seine bị hủy bỏ do phát hiện nồng độ vi khuẩn phân nguy hiểm trong các phân tích được thực hiện bởi Ủy ban Thành phố Paris.
“Chất lượng nước tiếp tục xấu đi do các điều kiện thủy văn không thuận lợi”, họ cho biết, đưa ra các lý do “lượng mưa, lưu lượng nước cao, ít ánh sáng mặt trời, nhiệt độ dưới mức trung bình theo mùa và ô nhiễm từ thượng nguồn”.
Những tháng thời tiết ẩm ướt đã khiến dòng sông chảy ở mức cao gấp bốn đến năm lần so với mức bình thường. Các nhà tổ chức hy vọng rằng thời gian ba tuần lễ sẽ đủ để thời tiết khô ráo và lượng ánh sáng mặt trời, từ đó giảm nồng độ vi khuẩn xuống mức chấp nhận được.
Những kết quả kiểm tra sau đó đều cho thấy lượng vi khuẩn E.coli đã vượt ngưỡng cho phép.
Tuy vậy, ngày 31/7, nhà tổ chức Olympic xác nhận các cuộc đua ba môn phối hợp dành cho nam và nữ sẽ diễn ra tại sông Seine. Họ cho biết các kết quả kiểm tra nước mới nhất cho thấy đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Xuyên suốt quãng thời gian tiền Olympic, sự an toàn của dòng sông còn được đảm bảo bởi các quan chức nước Pháp. Họ luôn giữ vững ý kiến của mình rằng sông Seine hết sức an toàn cho việc bơi lội. Thậm chí, các quan chức cấp cao, như Bộ trưởng Thể thao Pháp Amélie Oudéa-Castéra, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo còn đích thân đi bơi tại con sông này, trước truyền thông, để chứng minh sự an toàn của sông Seine với thế giới.