BBC Anh ngày 13/7 đưa tin Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan ngày 12/7 đã đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Phán quyết khẳng định "đường chín đoạn" của Trung Quốc vẽ ra liên quan Biển Đông là không có căn cứ pháp lý, Trung Quốc không được hưởng "quyền lợi lịch sử" như yêu sách mà Bắc Kinh cố tình áp đặt cho cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa, phán quyết của PCA chỉ rõ diện tích quần đảo Trường Sa (Việt Nam) không đủ để cấu thành "đảo"...
Phán quyết này được cho là có tính biểu tượng lớn, sẽ gây ảnh hưởng tới chính trị nội bộ các nước Đông Nam Á và quan hệ giữa các nước này với Trung Quốc.
Tổng thống Philippinese đối mặt ba sự lựa chọn
Giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian từ Đại học De La Salle ở Manila, Philippines cho rằng phán quyết của PCA là "trường hợp tốt nhất mà rất ít người cho rằng có thể xảy ra" đối với Philippines.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng nhiều lần cho biết có ý định đàm phán với Trung Quốc để giải quyết "tranh chấp chủ quyền" tại khu vực quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam), bị dư luận quốc tế cho là có lập trường tương đối ôn hòa với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau phán quyết của PCA, thái độ chống Trung Quốc đang lan tràn ở Philippines, tình hình này khiến cho ông Rodrigo Duterte "có chút khó khăn".
Giáo sư Richard Javad Heydarian cho rằng ông Rodrigo Duterte hiện đang đối mặt với sức ép đòi hỏi Chính phủ Philippines phải đưa ra tuyên bố cứng rắn. Tuy nhiên, giáo sư Heydarian chưa rõ ông Rodrigo Duterte có làm như vậy hay không.
Tuyên bố như vậy khiến cho căng thẳng gia tăng có rủi ro rất cao, trong khi đó, Trung Quốc cũng có thể tiếp tục triển khai các hành động "mang tính xâm lược".
Richard Javad Heydarian cho rằng ông Rodrigo Duterte cũng có thể lựa chọn không đưa ra tuyên bố cứng rắn. "Kết quả trọng tài rất có lợi (cho Philipppines), chính quyền Rodrigo Duterte tận dụng kết quả phán quyết yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ, ví dụ yêu cầu Trung Quốc không thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông;
Trung Quốc và Philippines không tiếp tục hoạt động ở bãi cạn Scarborough; Trung Quốc không tiếp tục quấy rối ngư dân và quân nhân Philippines ở vùng biển có tranh chấp".
Richard Javad Heydarian chỉ ra, Trung Quốc và Philippines còn có sự lựa chọn thứ ba: Căn cứ vào Điều 1 Phụ lục 5 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), thành lập Ủy ban Hòa giải.
Phương pháp xử lý như vậy làm cho hai bên có thể thể hiện sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, bảo lưu kênh ngoại giao.
Ủy ban Hòa giải cũng có thể giúp cho hai nước, dưới sự chỉ đạo của chuyên gia pháp lý mà hai bên đều có thể chấp nhận được, xử lý tranh chấp. Tuy nhiên, như vậy sẽ hạ thấp phán quyết của PCA.
Nếu ông Rodrigo Duterte lựa chọn cách thức tương đối ôn hòa để xử lý tranh chấp điều này đồng nghĩa với việc mức độ ủng hộ của người dân Philippines đối với ông sẽ bị hạ thấp?
Giáo sư Richard Javad Heydarian cho rằng: Ông Rodrigo Duterte vẫn đang ở thời kỳ trăng mật. Ông là Tổng thống mạnh nhất trong mấy chục năm qua, hơn nữa trong Quốc hội cũng có sự ủng hộ tuyệt đại đa số. Hiện nay, ông vẫn có khả năng đối mặt với tranh cãi".
Việt Nam có thể sử dụng cơ chế trọng tài
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ Việt Nam cho biết, kết quả phán quyết của PCA chứng minh pháp trị đang được thực thi.
Ông hoan nghênh và khen ngợi kết quả phán quyết công bằng, minh bạch và được mọi người tôn trọng.
Giáo sư Richard Javad Heydarian cũng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng con đường ngoại giao để tìm cách giải quyết vấn đề. Nhưng, nếu con đường ngoại giao không có hiệu quả hoặc quá trình đàm phán bị kéo dài, Việt Nam "có khả năng cân nhắc con đường pháp lý".
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore (ISEAS - Yusof Ishak Institute) cho rằng Philippines giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc, rất có khả năng khuyến khích Việt Nam làm theo. Vụ kiện trọng tài lần này cũng không bao gồm quần đảo Hoàng Sa.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nói: "Việt Nam có khả năng yêu cầu Tòa trọng tài phán quyết quần đảo Hoàng Sa không có tư cách trở thành đảo được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Việt Nam cũng có khả năng yêu cầu Tòa trọng tài phán quyết đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc công bố vào năm 1996 vi phạm UNCLOS".
Tuy nhiên, trợ lý giáo sư Chong Jia Ian từ Đại học quốc lập Singapore cho rằng nếu Việt Nam đưa ra trọng tài thì kết quả trọng tài có lợi cho bên nào chưa thể đoán được.
Chong Jia Ian cho rằng khoảng cách giữa Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa gần hơn so với quần đảo Trường Sa. Đối với Việt Nam, đây là một nhân tố có rủi ro.
Chong Jia Ian nói: "Trung Quốc và Việt Nam cũng từng đạt được thỏa thuận về phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ, nếu Việt Nam đưa ra trọng tài, thì sẽ là một diễn biến hoàn toàn đáng chú ý".
Trải qua gần 30 năm đàm phán, tháng 12/2000 Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, hiệp định bao quát các vấn đề như tỷ lệ diện tích tổng thể, nghề cá và dầu khí.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho rằng, kết quả phán quyết của PCA đối với vụ kiện của Philippines đã vượt sự kỳ vọng của người dân Việt Nam. Vì vậy, không ít người Việt Nam cũng cho rằng kết quả phán quyết này cũng được coi là một chiến thắng đối với Việt Nam.
ASEAN và các nước Đông Nam Á khác
Các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar không liên quan đến tranh chấp Biển Đông, dự đoán phán quyết hoàn toàn không có ảnh hưởng trực tiếp quá lớn, nhưng Trung Quốc có khả năng gây sức ép đối với các nước này.
Chong Jia Ian cho rằng: "ASEAN có thể càng khó đồng lòng hợp tác, hài hoà, vai trò của ASEAN trong khu vực có thể bị nghi ngờ".
Ngày 11/7, có nghị sĩ Singapore đặt câu hỏi về khả năng ASEAN ra tuyên bố chung về kết quả phán quyết của PCA liên quan vụ kiện của Philippines.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết đồng thuận là nền tảng đi tới quyết định của ASEAN, vì vậy không thể xác nhận ASEAN có đưa ra tuyên bố chung về phán quyết của PCA hay không.
Do Singapore hiện là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, Chong Jia Ian cho rằng phản ứng trên của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho thấy chính phủ các nước ASEAN còn chưa có phản ứng rõ ràng và đang quan sát phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết.