Bài báo viết, mới đây, Iran bắn hạ chiếc máy bay trinh sát không người lái “Global Hawk”; Tổng thống Donald Trump đã quyết định ngừng chiến dịch quân sự trả đũa Iran “vào phút cuối cùng” và nói thẳng Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton “chắc chắn là phái Diều hâu” lại dấy lên cuộc thảo luận về “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” ở Mỹ.
Đa Chiều cho rằng, ở Trung Quốc một số người trong quân đội và ý kiến của họ được coi là “phái Diều hâu”, một số nhà ngoại giao và quan điểm của họ được coi là “phái Bồ câu”.
Vậy, ở Trung Quốc có thực sự tồn tại “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” hay không? Lực lượng đưa ra quyết sách về ngoại giao của Trung Quốc là ai?
Tướng La Viện, nhân vật được cho là tiêu biểu cho "phái Diều hâu" ở Trung Quốc
|
Trận chiến giữa “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” ở Trung Quốc
Bài báo viết, những năm gần đây, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng căng thẳng; vấn đề biên giới và sự vụ ngoại giao ngày càng có sức nặng trong biểu đồ chính trị. Trong một loạt vấn đề liên quan đến ngoại giao như cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, vấn đề Đài Loan, vấn đề Hongkong...trong nước đã có không gian thảo luận rộng lớn; rất dễ tìm thấy những tiếng nói và nhân vật đại diện cho những quan điểm có sự khác biệt lớn.
Ví dụ, tại Hội nghị cấp cao đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore vào ngày 2 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã nêu lên một loạt chủ trương của quân đội Trung Quốc về tình hình biên giới và cục diện ngoại giao hiện nay với các chủ trương về Đài Loan và Biển Đông “nồng nặc mùi thuốc súng”. Ông tuyên bố: “Nếu có người nào dám định tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc không ngần ngại chiến đấu, không tiếc bất cứ giá nào, kiên quyết bảo vệ sự thống nhất đất nước”. “Nếu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không thể duy trì việc thống nhất đất mẹ, thì cần đến PLA làm gì nữa?!”...
Lần gần nhất một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La là từ 8 năm trước. Tuyên bố này của Ngụy Phượng Hòa, được coi là một tuyên bố của những người thuộc “phái Diều hâu” Trung Quốc.
Trong mắt nhiều người, hầu hết các nhân vật “phái Diều hâu” Trung Quốc đều xuất thân quân nhân, như tướng La Viện (Luo Yuan), Phó chủ tịch thường trực của Hiệp hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc; tướng Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh và Đại tá Đới Húc (Dai Xu), Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Quan điểm của họ rất dễ gây được cộng hưởng trong dư luận Trung Quốc và được cư dân mạng tôn sùng. Ngược lại, những người “phái Bồ câu” ở Trung Quốc lại rất kín tiếng.
Ông Ngô Kiến Dân, người được cho là đại diện cho "phái Bồ câu" ở Trung Quốc
|
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng “tư duy chiến tranh, chủ nghĩa bi quan, tâm lý nước yếu, tư duy cách mạng, v.v ...được hình thành trong nhiều năm qua đã khiến cho những phát ngôn của “phái Diều hâu” có một thị trường lớn”. Tuy nhiên, sức nặng của những quan điểm “Diều hâu” rất khó được đánh giá quá cao trong tầng lớp ra quyết sách của Trung Quốc. Ví dụ, hầu hết các nhân vật “phái Diều hâu” đều chủ trương sử dụng vũ lực để thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan; nhưng “thống nhất bằng hòa bình” luôn là tiếng nói mạnh mẽ nhất ở Trung Quốc. Nói cách khác, công chúng của những người “Diều hâu” chủ yếu ở trong xã hội; trong khi đó, những người “Bồ câu” có ảnh hưởng lớn hơn ở giới lãnh đạo cấp cao.
Một trong những nhân vật đại diện của “phái Bồ câu” Trung Quốc là ông Ngô Kiến Dân (Wu Jianmin), cựu đại sứ tại Pháp. Vào tháng 7 năm 2014, đã diễn ra cuộc tranh luận công khai trực tiếp giữa Ngô Kiến Dân và La Viện, đã cho người bên ngoài thấy được sự bất đồng về quan điểm giữa “phái diều hâu” và “phái Bồ câu” ở Trung Quốc.
Không thể không nhắc tới bối cảnh của thời đại lúc đó là, sau khi Mỹ đưa ra chiến lược “Cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” nhằm vào Trung Quốc và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Philippines đã đưa “vụ án trọng tài Biển Đông” ra Tòa án quốc tế về Luật Biển; Trung Quốc thì thực hiện Dự án mở rộng các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Đã có một cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc về chính sách đối ngoại “ẩn mình chờ thời”. Một điểm then chốt trong cuộc tranh luận đó là liệu có phải vì Trung Quốc không còn “ẩn mình chờ thời” nên đã dẫn đến việc Mỹ gây hàng loạt áp lực đối với Trung Quốc, thậm chí là các hành động kiềm chế Trung Quốc. Ví dụ, khi đó Trung Quốc đã tung ra một bộ phim tài liệu gây tranh cãi "Lợi hại thay, nước ta”, tuyên truyền mạnh mẽ những thành tựu phát triển của Trung Quốc.
Ngày nay, sau 5 năm, cuộc tranh luận trong lĩnh vực này dường như đã được giải quyết. Ngày 17/6, mạng Nhân dân Nhật báo online, bản điện tử của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài báo “Có đúng là Trung Quốc cao giọng nên đã gây nên tai họa không?”, khẳng định đối với bộ phim tài liệu “Lợi hại thay, đất nước ta” với tuyên bố: “Sự thật trong hơn một năm đã chứng minh đầy đủ rằng sự ngăn chặn toàn diện và hung hãn về chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc hoàn toàn không phải là một ý định bất chợt”.
Bộ phim "Lợi hại thay, đất nước ta" từng bị phê phán là phô trương quá mức thành tựu của Trung Quốc, kích thích Washington ra tay kiềm chế Bắc Kinh
|
Sau khi bài báo “chính danh” cho bộ phim nói trên xuất hiện, dư luận hầu như không có bất kỳ sự phản đối nào. Do ở trong nước Trung Quốc có hiểu biết hơn về các tranh chấp Trung – Mỹ trong những năm gần đây, nói chung đã hình thành một sự đồng thuận. Sách lược ứng phó của Trung Quốc đã được cả những người “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” tán thành và không có sự tranh chấp nhiều.
Tất nhiên, lý do vì sao “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” không còn cạnh tranh, cũng có thể do sự kiểm soát của Trung Quốc đối với dư luận trong nước. Đã có nhiều tin tức trên mạng Trung Quốc rằng chính phủ đã yêu cầu hạn chế đưa các tin tranh luận về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, xuất phát từ những lo ngại về một số ý kiến gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán thương mại cũng như thị trường Trung Quốc.
Do đó, luôn có những phân tích nghi ngờ về việc liệu có tồn tại “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” ở Trung Quốc hay không?
Có hay không “phái Diều hâu” và "phái Bồ câu" ở Trung Quốc?
Dù thế nào, cũng luôn có những cách nhìn khác nhau về các vấn đề khác nhau, bởi vì lập trường, kiến thức, quan niệm giá trị và phương thức suy nghĩ của mọi người sẽ không thể giống nhau. Điều này cũng được chứng minh bằng sự tập trung tương đối của những người được coi là “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” phân bố trong hai lĩnh vực quân sự và ngoại giao.
Sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc và phương Tây là hệ thống chính trị của Trung Quốc được xây dựng xung quanh logic cốt lõi là “chế độ tập trung dân chủ”. Sau khi bầu ra một nhóm ra quyết sách, thông qua các phương thức như dân chủ và hiệp thương, một đề xuất được hình thành để giới cấp cao tham khảo, phối hợp, cân đối và ra quyết sách. Thậm chí, ngay cả sức mạnh và thời cơ của quan điểm cũng cần phục vụ ý chí tập thể và sự sắp xếp thống nhất.
Tướng về hưu Vương Hồng Quang, nhân vậbt nổi tiếng với tuyên bố "quân đội Trung Quốc có thể đánh chiếm Đài Loan trong vòng 100 giờ!"
|
Cái gọi là các nhân vật “Diều hâu” và “Bồ câu” ở Trung Quốc cũng nằm trong thể chế. Như việc sau khi các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ bị bế tắc, Ngụy Phượng Hòa đến Đối thoại Shangri-La để bày tỏ quan điểm của mình; các phát biểu của Vương Hồng Quang trong tình hình đòi “Đài Loan độc lập” đang dâng cao đều là ứng phó với thời cơ cụ thể; có thể đều là do chính phủ cố ý sắp đặt, không thể hoàn toàn do cá nhân tự hành động. Điều này khác biệt rõ rệt so với ở phương Tây.
Ở phương Tây, “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” trong chính quyền và các “think tank” thường là có xu hướng thu hút dư luận và quyền lực chính trị hơn là ảnh hưởng đến các xu hướng chính sách. Các báo cáo hoặc ý kiến của các “think tank” có thể được công nhận và ảnh hưởng bởi thị trường và khán giả với tính chuyên nghiệp; cũng có thể được thúc đẩy bởi các lợi ích cụ thể, do đó có tính chủ động và tích cực hơn ở Trung Quốc.
Cái gọi là “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” đại diện cho các quan điểm khác nhau hầu hết dựa trên các lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của người đề xuất, đặc biệt là các lập trường nghề nghiệp. Sự hạn chế này chỉ những người ra quyết sách vĩ mô mới có thể khắc phục và cần phải khắc phục. Những động cơ của lợi ích cá nhân có thể được gắn phía sau các quan điểm cũng cần phải loại bỏ.
Đương nhiên, quan điểm của “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” cần phải dựa trên nghiên cứu thực tế khách quan và chuyên sâu. Sự khác biệt về quan điểm thực ra là tính đa dạng, chính là những gì các nhà quyết sách cần và cung cấp cho họ sự tham khảo toàn diện hơn.
Kissinger năm 1972 đã qua mặt "phái Diều hâu" trong Quốc hội Mỹ, bí mật sang thăm Trung Quốc
|
Dù là Trung Quốc hay phương Tây, phần lớn những tiếng nói trong thực tế này là biểu hiện để thực hiện mục tiêu chiến lược ngoại giao của đất nước. Trong thế giới thực, chỉ có hình thức bên ngoài của lợi ích quốc gia, nguyên tắc của các mục tiêu chiến lược cấp cao và tính linh hoạt của các biện pháp chiến thuật là khác nhau.
Không cần phải phóng đại “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu”
Qua xem xét lịch sử của Trung Quốc và Mỹ có thể thấy “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” chỉ là một nhóm người hoặc quan điểm nằm ngoài giới quyết sách cao nhất; có thể gây ảnh hưởng với mức độ khác nhau đối với việc quyết sách quốc gia, nhưng sẽ không thể chủ đạo quyết sách quốc gia trong một thời gian dài.
Ví dụ, vào những năm 1970, quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ được bắt đầu bằng chuyến thăm bí mật của Ngoại trưởng Henry Kissinger tới Trung Quốc, chỉ được tiến hành khi qua mặt được “phái Diều hâu” trong Quốc hội. Còn khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Trung Quốc đã không thông báo trước cho Nhật Bản, sau này bị Nhật coi là một lần “ngoại giao vượt mặt”.
Một ví dụ khác là quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Vì mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên và quan hệ Hàn – Triều khi đó rất căng thẳng, nên cũng phải tiến hành thông qua phương thức bí mật. Vào thời điểm đó, với tư cách là nhà lãnh đạo thực sự của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra rằng các vấn đề với Hàn Quốc là rất tế nhị và cần được xử lý một cách thận trọng và cần để Triều Tiên hiểu điều này. Mặc dù vậy, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã một dạo gây tác động xấu đến quan hệ Trung-Triều.
Ông Donald Trump đã tránh được tác động của "Diều hâu" John Bolton khi quyết định hủy bỏ lệnh tấn công trả đũa Iran vụ bắn rơi máy bay không người lái vào phút cuối
|
Trong hai trường hợp này, có thể thấy rằng các cấp ra quyết sách của cả Trung Quốc và Mỹ đều đã tránh được ảnh hưởng của “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” trong nước; đặc biệt là “phái Diều hâu” để ra được quyết sách độc lập phù hợp với lợi ích quốc gia và tiến trình lịch sử. Cũng do được hưởng lợi từ điều này, nên đã bình thường hóa được quan hệ khu vực Đông Bắc Á. Nếu mọi việc đều đưa ra dư luận, “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu” tranh cãi mãi, thì tình huống có thể xảy ra là bị mắc kẹt trong cuộc tranh cãi về lợi ích nhất thời mà bỏ lỡ cơ hội lịch sử, cuối cùng gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của nhiều quốc gia liên quan.
Tất nhiên, nếu một trong những “phái Diều hâu” hoặc “phái Bồ câu” trong một quốc gia quá mạnh, chính sách ngoại giao của nước đó chắc chắn sẽ nghiêng về phái này. Tuy nhiên, ít nhất là từ bài phát biểu mới đây của Donald Trump tại thời điểm xảy ra xung đột Mỹ - Iran, người ra quyết sách tối cao ở Mỹ đã có năng lực tự kiềm chế. Ông Trump nói: “Tôi có hai đội ngũ , “phái Diều hâu” và “phái Bồ câu”; John Bolton chắc chắn là một con Diều hâu. Nếu để ông ta quyết định, ông ta sẽ thách thức cả thế giới cùng một lúc. Điều này không thành vấn đề vì tôi cần cả hai phe này”.
Đa Chiều kết luận: đối với Trung Quốc, nơi thực hiện “chế độ tập trung dân chủ”, có lẽ càng không bị phiền hà bởi vấn đề này.