Hồi tháng 9/2018, Trung Quốc cũng đã công bố Sách Trắng mang tên “Sự thực và lập trường của Trung Quốc về va chạm kinh tế mậu dịch Trung – Mỹ” với nội dung phê phán Mỹ gây ra cuộc chiến; còn Sách Trắng lần này là kết quả của hơn 8 tháng đấu tranh, mặc cả trên bàn đàm phán.
Bối cảnh ra đời Sách Trắng
Vì sao Trung Quốc công bố Sách Trắng đàm phán vào lúc này? Tại cuộc họp báo, ông Quách Vệ Dân, Phó chủ nhiệm Văn phòng báo chí Quốc Vụ viện nói: “Một thời gian gần đây, cuộc đàm phán về kinh tế, mậu dịch Trung – Mỹ được hai nước và cả cộng đồng quốc tế quan tâm cao độ; cho nên cần thiết phải giới thiệu toàn diện tình hình đàm phán, nêu rõ lập trường liên quan của chính phủ Trung Quốc”.
Chiều cùng ngày, tài khoản Wechat chính thức của Nhân dân Nhật báo mang tên “Hiệp Khách Đảo” đã đăng bài nêu rõ hai bối cảnh: Thứ nhất, một ngày trước đó, tức 1.6, biện pháp trả đũa mới của Trung Quốc đối với Mỹ đã chính thức có hiệu lực, Trung Quốc sẽ áp mức thuế tăng thêm từ 5% đến 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc; thứ hai, Sách Trắng này được công bố trước khi diễn ra vòng đàm phán kinh tế mậu dịch Trung – Mỹ mới, đặc biệt là trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G20 tại Osaka, Nhật Bản.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì thấy Sách Trắng là sự tổng kết về cuộc đàm phán diễn ra hơn 1 năm nay đang tạm thời bị bế tắc. Nó cho thấy 11 vòng đàm phán, nhất là những vòng diễn ra sau khi người lãnh đạo hai nước gặp gỡ tại Argentina vẫn không thể cứu vãn được quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ ngày càng xấu thêm, thuyết “tốc quyết” (giải quyết nhanh) đã là điều không thể xảy ra. Quan hệ hai bên tiếp tục căng thẳng và hai bên tiếp tục mặc cả sẽ là cục diện trong tương lai (có người thậm chí dự đoán kéo dài trong 20, 30 năm nữa).
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho rằng Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cục diện hiện nay trong quan hệ Trung - Mỹ
|
Bản Sách Trắng này là một phần của đòn “liên hoàn cước” mà Trung Quốc sử dụng để trả đũa Mỹ; nhưng ý nghĩa của nó sau khi đạt được mục đích chiến tranh tuyên truyền đã chuyển sang giai đoạn hành động thực tế. Phía Mỹ cần nhận rõ tình hình, không nên phán đoán sai.
Trên thực tế, từ ngày 10/5, cuộc đàm phán mậu dịch Trung – Mỹ lâm vào bế tắc không thể cứu vãn, Mỹ lập tức khởi động trình tự tiến hành đánh thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ còn lại, biện pháp trả đũa của Trung Quốc chỉ cơ bản dừng lại ở ý nghĩa tượng trưng.
Thế nhưng, bước sang tháng 6, trạng thái bị động của Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn. Các bài bình luận ký tên “Trung Thanh” trên Nhân dân Nhật báo (bản hải ngoại) sau ngày 31/5 đã tạm ngừng việc công kích Mỹ; Nhân dân Nhật báo trong bài viết mang tên “Phía Mỹ không nên đánh giá thấp năng lực trả đũa của Trung Quốc” đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất “Đừng trách là không báo trước”, sau đó chuyển từ tạo thế dư luận sang trả đũa thực chất.
Ngoài việc hôm 1/6 khởi động việc đánh thuế trả đũa đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố lập ra danh sách các thực thể không đáng tin cậy, với ý định sẽ đánh vào các công ty Mỹ ở Trung Quốc; đồng thời dành đất hiếm ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, thể hiện đe dọa Mỹ; rồi thực hiện một loạt các biện pháp khác như “Kế hoạch chấn hưng đậu tương”, Tổng kiểm tra tình hình dự trữ lương thực, thực thi chính sách miễn giảm thuế với các công ty sản xuất chip, phần mềm...gây thành áp lực đối với các ngành nông nghiệp và công nghiệp chế tạo chip của Mỹ...Tóm lại, Trung Quốc đang dốc sức chuẩn bị chiến đấu để ứng phó với “khí hậu cực đoan”.
Trung Quốc cho rằng Mỹ lật mặt tráo trở, không giữ chữ tín khiến đàm phán thất bại
|
Sách Trắng là bản luận tội Mỹ phá hoại đàm phán
Toàn bộ Sách Trắng dài hơn 8.300 chữ, chia làm 5 phần, chỉ trích chính phủ Mỹ trong khi đàm phán đã xâm phạm chủ quyền, tiến hành gây sức ép tối đa với Trung Quốc, cảnh cáo Mỹ gây va chạm chỉ hại mình hại người, hợp tác là lối thoát duy nhất.
Sau phần Lời nói đầu, Phần 1 là “Mỹ gây va chạm kinh tế mậu dịch với Trung Quốc gây tổn hại lợi ích hai nước và toàn cầu”. Trong đó có 3 mục: Thứ nhất, Mỹ tăng thuế vừa hại người lại không lợi mình.Thứ hai, cuộc chiến mậu dịch không làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Cụ thể: làm cho giá thành của các công ty Mỹ gia tăng, làm vật giá trong nước Mỹ gia tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân Mỹ và cản trở xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Thứ ba, hành động bá quyền mậu dịch của Mỹ gây tai họa cho toàn cầu; cụ thể: gây tổn hại đến quyền uy của thể chế mậu dịch đa phương, đe dọa tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới, gây loạn chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu.
Phần 2 “Mỹ trong quá trình đàm phán lật mặt tráo trở, không giữ chữ tín”. Sách Trắng chỉ ra 3 lần Mỹ lật mặt. Lần đầu vào ngày 22/3/2018, chính phủ Mỹ tung ra “Báo cáo điều tra 301 đối với Trung Quốc”, chỉ trích Trung Quốc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ...rồi lấy cớ đó đơn phương đánh thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Lần thứ 2 là ngày 29/5/2018, tức chỉ 10 ngày sau khi hai bên đạt được thỏa thuận chung (tức Tuyên bố ngày 19.5 về Trung – Mỹ không tiến hành chiến tranh thương mại), Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện kế hoạch tăng thuế.
Lần thứ 3: trong thời gian hai bên đang đàm phán vòng thứ 11, ngày 13/5/2019, chính phủ Mỹ đã “áp dụng thái độ bá quyền và biện pháp gây sức ép tối đa, kiên trì yêu cầu bất hợp lý, kiên trì không hủy bỏ toàn bộ thuế quan tăng từ sau khi xảy ra va chạm mậu dịch, kiên trì viết vào hiệp nghị những yêu cầu có tính cưỡng bức liên quan đến chủ quyền Trung Quốc”, khiến hai bên không tháo gỡ được các bất đồng khác.
Khả năng hai bên nối lại đàm phán tỏ ra rất mờ mịt
|
Sách Trắng kết luận: cuộc đàm phán Trung – Mỹ bị bế tắc nghiêm trọng, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chính phủ Mỹ; bác bỏ lại những chỉ trích của phía Mỹ về việc Trung Quốc “đi lùi cỗ xe” khiến đàm phán bế tắc và thất bại; cho rằng khi hai bên chưa ký kết thì dự thảo văn bản có thể điều chỉnh là cách làm thông thường; gọi việc Mỹ đổ trách nhiệm cho Trung Quốc là hành vi “hắt nước bẩn”, phá hoại quan hệ hợp tác hai bên, bỏ lỡ cơ hội lịch sử...
Phần ba “Trung Quốc từ đầu đến cuối kiên trì lập trường đàm phán bình đẳng, cùng có lợi, giữ chữ tín”. Trong đó nêu lên các quan điểm: đàm phán phải tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; đàm phán phải đi cùng một hướng, lấy chữ tín làm gốc; Trung Quốc quyết không nhượng bộ trong vấn đề nguyên tắc; bất cứ mọi thách thức đều không ngăn cản được bước tiến của Trung Quốc.
Sách Trắng khẳng định: “Lập trường và thái độ của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc hy vọng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại chứ không phải biện pháp thuế quan. Vì lợi ích của nhân dân Trung Quốc và Mỹ; vì lợi ích của nhân dân toàn thế giới, Trung Quốc tỉnh táo đối xử nhưng quyết không sợ hãi bất cứ áp lực nào, cũng đã chuẩn bị tốt đón nhận bất cứ thách thức nào. Đàm, cánh cửa luôn mở rộng; đánh, sẽ theo đuổi đến cùng”.
Phần kết luận, Sách Trắng cho rằng, “hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho hai nước Trung – Mỹ; cùng chiến thắng mới dẫn tới tương lai tốt đẹp”.
Hiện nay giữa hai nước Trung - Mỹ đã không còn bầu không khí thuận lợi cho việc hai nhà lãnh đạo gặp gỡ bên lề Hội nghị cấp cao G20 ở Nhật Bản tới đây
|
Cục diện sắp tới sẽ đi về đâu?
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn tỏ ra rất thận trọng trước câu hỏi liệu ông Tập Cận Bình có gặp gỡ ông Donald Trump trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao các nước G20 tại Nhật vào tháng 6 này hay không? Ông chỉ nói “Tôi không có thông tin gì có thể cung cấp về việc này”. Trước ngày 10/5, cả hai bên Trung – Mỹ đều tràn đầy hy vọng về tiến trình đàm phán; thậm chí báo chí phương Tây còn liên tục đánh tiếng cho rằng bai bên sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về văn bản hiệp nghị trước khi diễn ra cuộc gặp Trump – Tập tại Nhật. Thế nhưng cuộc đàm phán tại Washington kết thúc ngày 10/5 đã thay đổi hoàn toàn, không khí tốt đẹp cho cuộc gặp gỡ này đã không còn nữa, dù hai nhà lãnh đạo có gặp nhau cũng sẽ rất khó xử và khó có ý nghĩa đột phá.
Về tương lai hai nước, có phóng viên hỏi Trung Quốc chờ đợi Mỹ thể hiện thái độ hay thành ý gì mới có thể khiến hai bên quay lại bàn đàm phán? Ông Vương Thụ Văn vẫn không trả lời thẳng, chỉ cho rằng Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cục diện hiện nay và từ chối tiết lộ về mọi sự tiếp xúc giữa đoàn đàm phán hai bên.
Ngày 3.6, tờ Financial Times của Anh đã dẫn lời ông Đặng Duật Văn, nghiên cứu viên Trung tâm phân tích chiến lược Trung Quốc cho rằng: “Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đã bước vào “mô thức Chiến tranh Lạnh”, ở mức nào đó không thể điều hòa, hầu như không có khả năng xoay chuyển được tình thế, cho dù hai nước có đạt được một hiệp nghị mậu dịch”.
Ông Đặng Duật Văn: thực tế Mỹ đã công khai đoạn tuyệt với Trung Quốc, sự đối kháng Trung – Mỹ giờ mới bắt đầu
|
Nhận xét về việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Trưởng đoàn Trung Quốc tại EU Trương Minh đều phát biểu nói: Trung Quốc không thể ký bất cứ bản hiệp nghị nào không bình đẳng và không cân bằng; đối với chiến tranh thương mại, Trung Quốc không muốn đánh, không thích đánh, nhưng quyết không sợ đánh; ông Đặng Duật Văn cho rằng: các quan chức cấp cao Trung Quốc rất ít nói những lời “nặng đô” như thế ở các diễn đàn quốc tế, nhất là ở Mỹ. Những lời lẽ của Vương Nghị và Trương Minh cho thấy, chính phủ Trung Quốc đã không thể chịu đựng trước việc Mỹ gây sức ép toàn diện, có thể đó là sự cảnh cáo cuối cùng trước khi phát động trả đũa toàn diện đối với Mỹ.
Ông Đặng Duật Văn cho rằng, sự đổ vỡ đàm phán mậu dịch và việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách quản chế mậu dịch, thực tế là đã công khai đoạn tuyệt với Trung Quốc; rõ ràng sự đối kháng Trung – Mỹ giờ mới bắt đầu. Tuy nhiên, ông cho rằng, hẳn phía Mỹ biết rõ thực lực của Trung Quốc, muốn bóp chết Trung Quốc có lẽ là điều không thể; vì vậy mục tiêu của Mỹ sẽ là đánh đến khi Trung Quốc không còn sức thách thức Mỹ và trở thành quốc gia hạng 2 hoặc hạng 3. Ông nói, từ đó mà xét, Trung, Mỹ sẽ ở vào “mô thức Chiến tranh Lạnh” trong một thời gian rất dài nhưng không thực sự bước vào “trạng thái Chiến tranh Lạnh”. Ông cũng cảnh báo: “Nhưng vì vấn đề Đài Loan, giữa hai bên Trung – Mỹ có thể bùng nổ một cuộc chiến tranh nóng kiểu cục bộ”.