Phác hoạ VPMilk - chủ thương hiệu sữa Ông Park

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong giai đoạn 2016 - 2019, VPMilk chỉ báo lãi một lần vào năm 2016, nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 67 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương - Chủ tịch HĐQT VPMilk và huấn luyện viên Park Hang-seo (Nguồn: VPMilk)
Bà Nguyễn Thị Thu Phương - Chủ tịch HĐQT VPMilk và huấn luyện viên Park Hang-seo (Nguồn: VPMilk)

Làm thương hiệu qua “bóng đá”

CTCP Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk) được thành lập vào tháng 7/2014, nhưng phải 2 năm sau công ty này mới chính thức tung ra thị trường các dòng sản phẩm sữa bột công thức dành cho trẻ và mẹ bầu dưới nhãn hiệu IQLac Pro và IQLac Pro Mom.

Tháng 3/2017, VPMilk gây xôn xao thị trường khi cam kết tài trợ cho câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai số tiền 50 tỉ đồng trong hai mùa giải 2017 và 2018. Đây là mức tài trợ quá ấn tượng đối với mặt bằng chung của nền bóng đá Việt Nam, không chỉ là so sánh trong thời điểm đó, trước đó và kể cả bây giờ.

Một năm sau đó, tháng 4/2018, VPMilk tiếp tục hợp tác với huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Park Hang-seo. Theo đó, ông Park chính thức trở thành đại sứ thương hiệu độc quyền của VPMilk.

Ngày 24/3/2021 mới đây, huấn luyện viên Park Hang Seo đã có buổi gặp mặt cùng đại diện của VPMilk, qua đó, thể hiện cam kết tiếp tục đồng hành cùng VPMilk với vai trò đại sứ độc quyền thương hiệu.

Trước đó, nửa cuối năm 2020, VPMilk còn cho ra mắt sản phẩm sữa đặc với nhãn hiệu “Ông Park”. Hình ảnh huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam cũng được in trên bao bì của sản phẩm.

Có thể thấy rằng, VPMilk đã khá thành công trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Ngoài sữa đặc, hiện công ty này còn cung cấp ra thị trường các sản phẩm khác như sữa công thức dinh dưỡng, sữa công thức pha sẵn, sữa tươi, sữa chua và nước yến.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, VPMilk (công ty mẹ) liên tục ghi nhận tăng trưởng về doanh thu, tuy nhiên công ty chỉ báo lãi một lần vào năm 2016 với lãi sau thuế vỏn vẹn 67 triệu đồng. Các năm sau đó, VPMilk đều báo lỗ với lỗ sau thuế luỹ kế 3 năm lên tới gần 82 tỉ đồng.

Cụ thể, năm 2017 và 2018, VPMilk ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 141 tỉ đồng và 210,3 tỉ đồng, báo lỗ sau thuế tương ứng ở mức 39,3 tỉ đồng và 31,4 tỉ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của VPMilk đạt 225,1 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước; lỗ sau thuế giảm xuống mức 11,1 tỉ đồng.

Khoản lỗ luỹ kế cũng ăn mòn gần hết 100 tỉ đồng vốn điều lệ của VPMilk. Theo đó, tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của VPMilk đạt 155,4 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 47,8 tỉ đồng, giảm lần lượt 7% và 16,7% so với thời điểm đầu năm.

VPMilk của ai?

Như VietTimes từng đề cập, VPMilk được thành lập vào tháng 7/2014, trụ sở chính hiện đặt tại số 21A, khu phố 2, đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP. HCM (VPMilk Building). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Thu Phương (SN 1977).

Ngoài VPMilk, bà Phương còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bảo Lâm, Công ty TNHH Thương mại Bảo Lâm, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Kim Phát, và đặc biệt là CTCP Đầu tư Nam Dương (Nam Dương).

Công ty Nam Dương được thành lập vào tháng 6/2006, địa chỉ trụ sở chính hiện nay tại R4-93 Hưng Gia 2, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP. HCM.

Theo giới thiệu trên trang chủ, Nam Dương hoạt động kinh doanh chính trong các lĩnh vực phân phối bán lẻ, kho vận, truyền thông và sản xuất. Công ty này là đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn bơ sữa Namyang, Công ty Nanum CnC, Hãng phim truyền hình MBC (Hàn Quốc), Công ty Boditech (Boditech Med, Inc.), CTCP Dược phẩm Traphaco.

Tương tự VPMilk, trong giai đoạn 2016 - 2019, Nam Dương (công ty mẹ) cũng liên tục báo lỗ. Khả năng công ty này đã báo lỗ từ các năm trước đó do vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2016 đã ở mức âm.

Năm 2016 và 2017, Nam Dương ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 282,9 tỉ đồng và 85,6 tỉ đồng, lỗ sau thuế ở mức 30,7 tỉ đồng và 20,2 tỉ đồng.

Bước sang năm 2019, doanh thu thuần của Nam Dương đạt 191 tỉ đồng, tăng 71,4% so với năm trước; lỗ sau thuế ở mức 10,2 tỉ đồng, trong khi năm 2018 cũng lỗ 25,2 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Nam Dương đạt 325,2 tỉ đồng, giảm 10% so với đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức âm 81,5 tỉ đồng.

Trở lại với bà chủ VPMilk, tháng 6/2018, bà Nguyễn Thị Thu Phương từng thế chấp hơn 3,33 triệu cổ phiếu CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) tại một ngân hàng tư nhân./.