CTCP Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk) thành lập ngày 25/07/2014. Nhưng có lẽ mãi 3 năm sau, thương hiệu này mới được biết đến rộng rãi. Đột phá bắt nguồn từ thương vụ đình đám với câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Theo một hợp đồng được ký vào tháng 3/2017, VPMilk cam kết sẽ tài trợ cho HAGL 50 tỷ đồng trong hai mùa giải 2017 và 2018.
Thương vụ đã khiến không ít người bất ngờ.
Thứ nhất, mức tài trợ 50 tỷ đồng trong 2 mùa giải là quá ấn tượng đối với mặt bằng chung của nền bóng đá Việt Nam. Không chỉ là so sánh trong thời điểm đó, trước đó và kể cả bây giờ.
Nên nhớ rằng, cuối năm 2015, khi HAGL đạt được thỏa thuận tài trợ từ NutiFood với quy mô 15 tỷ đồng/năm và thời hạn kéo dài trong 3 năm, gói tài trợ ấy đã được miêu tả là “khủng” nhất trong lịch sử HAGL và “khủng” bậc nhất V-league. Đáng tiếc là hai bên đã không thể đồng hành cho đến hết hợp đồng, việc tài trợ sớm chấm dứt vào cuối năm 2016 do “mong muốn và đề nghị của phía nhà tài trợ” - trích chia sẻ của trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh.
Thứ hai, VPMilk – nhà tài trợ - vẫn còn là một cái tên quá xa lạ đối với đại bộ phận người hâm mộ, lúc ấy. Không có nhiều người biết đến nhãn hiệu IQLac Pro hay IQLac Pro Mom – những dòng sản phẩm chủ lực mà VPMilk cung cấp.
Đương nhiên, VPMilk gần như không có chỗ trên miếng bánh thị phần của thị trường sữa Việt Nam, vốn đã có quá nhiều “ông kẹ”. Vinamilk, Nestle Vietnam, Nutifood Bình Dương, Frieslanhcampina, Quang Ngai Sugar, TH Milk, Moc Chau Milk, IDP đã chiếm đến 90% thị phần thị trường sữa Việt Nam (theo báo cáo của StoxPlus); Trong khi 10% thị trường còn lại được là sự cạnh tranh của cả trăm thương hiệu sữa trong nước và nhập khẩu khác. VPMilk chỉ là một chấm nhỏ.
Thứ ba, với quy mô tài trợ lên tới 50 tỷ đồng/2 năm, nếu so sánh đơn thuần với mức vốn điều lệ VPMilk khi ấy – là 100 tỷ đồng – thì nó lại lớn đến bất thường.
Nhưng giới chủ VPMilk, hẳn họ không “ném tiền qua cửa sổ”.
Với độ “hot” của HAGL, với tình yêu mến của hàng triệu fan hâm mộ dành cho Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… sự bất thường trong cấu trúc tài chính sẽ trở nên hợp lý. Chẳng vậy, mà tháng 7/2017, VPMilk đã lại tiếp tục dành thêm một khoản kinh phí lớn để tài trợ cho cho các đội tuyển Việt Nam.
Thương vụ ít nhiều gợi nhắc về một hợp đồng từng được cho là điên rồ mà ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức đã từng làm trước đây, là đưa Kiatisuk về Phố Núi Pleiku.
Bà chủ VPMilk
Theo giới thiệu từ VPMilk, công ty này thành lập năm 2014 nhưng họ chưa làm sữa và bán sữa ngay. “Trong những năm đầu, công ty tập trung vào việc nghiên cứu công thức sữa và các sản phẩm sữa, đặc biệt là những dòng sản phẩm chuyên biệt cho từng đối tượng và độ tuổi, nhằm cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe của người Việt Nam”, phía doanh nghiệp giới thiệu.
Sau khi hoàn tất sứ mệnh nghiên cứu công thức dinh dưỡng, đến năm 2016, VPMilk mới chính thức tung ra thị trường các dòng sản phẩm sữa bột công thức dành cho trẻ và mẹ bầu dưới nhãn hiệu IQLac Pro và IQLac Pro Mom.
Đến năm 2017 – khi bắt tay với HAGL và đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch marketing – “VPMilk giới thiệu thêm nhiều dòng sản phẩm mang nhãn hiệu IQLac Pro đến đông đảo đối tượng người tiêu dùng: Trẻ em, thiếu niên, bà bầu, bà mẹ, người lớn tuổi, người suy dinh dưỡng, người cần phục hồi chức năng…” – cũng theo doanh nghiệp này.
Tuổi đời ngắn ngủi và quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng chưa hẳn đã phản ánh đúng tiềm lực của VPMilk. Ít nhất là qua cách mà tân binh ngành sữa này đã đổ tiền vào HAGL hay các ĐTQG Việt Nam; Cũng như tần suất xuất hiện của VPMilk, IQLac Pro, IQLac Pro Mom… trên các phương tiện truyền thông; Hay cách mà họ đã tạo dựng nên các dòng sản phẩm của mình.
Thực tế, có thể gọi thương hiệu VPMilk là tân binh ngành sữa nhưng người đã tạo nên nó thì có lẽ là không. Nếu không muốn nói là họ đã quá dày dạn về ngành.
Người chủ đó là bà Nguyễn Thị Thu Phương, đương kim Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPMilk. Nữ doanh nhân sinh năm 1977 có thể là cái tên còn xa lạ với nhiều người nhưng với giới kinh doanh sữa và thực phẩm dinh dưỡng, đây là một nhân vật quen mặt.
Bên cạnh cương vị tại VPMilk, bà Phương còn giữ trọng trách tại hàng loạt những doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương Mại Bảo Lâm, Công ty CP Sản xuất Thương mại Kim Phát, CTCP Đầu tư Nam Dương, Công ty TNHH, Dinh Dưỡng Nam Dương, CTCP Nano Bội Thu, CTCP Nam Dương Hưng Yên, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bảo Lâm, Công ty cổ phần Geumsan.
Các công ty của bà Phương chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, cụ thể là đại lý nhập khẩu và phân phối độc quyền một số thương hiệu sữa, nhân sâm, thực phẩm, đồ dùng liên quan đến bà mẹ và trẻ nhỏ từ Hàn Quốc vào Việt Nam.
Hạt nhân của hệ sinh thái doanh nghiệp này là CTCP Đầu tư Nam Dương (Nam Dương), thành lập vào tháng 06/2006.
“Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, tới nay Công ty Nam Dương đã dần trở thành một công ty lớn mạnh, có các đối tác lớn như: Tập đoàn bơ sữa Namyang, Công ty Nanum CnC, Hãng phim truyền hình MBC (Hàn Quốc), công ty Boditech (Boditech Med, Inc.), Công ty CP dược phẩm Traphaco. Hiện Nam Dương đang quản lý độc quyền một số thương hiệu lớn tại Việt Nam như: I am mother, XO GT, Star Gold với mạng lưới phân phối phủ rộng khắp, lực lượng nhân viên hùng hậu, Công ty Nam Dương đang dần trở thành một tập đoàn kinh tế vững mạnh của Việt Nam”, Nam Dương tự giới thiệu và cho biết sở hữu mạng lưới phân phối trên 63 tỉnh thành, với hơn 1.000 nhân viên, doanh số tăng trưởng 80%/năm.
Mối liên hệ với Traphaco
Đáng chú ý nhất trong những mối hợp tác của Nam Dương là quan hệ với CTCP Traphaco – “ông lớn” ngành dược Việt Nam. Theo một nguồn tin, “Traphaco nhập khẩu ủy thác các dòng sữa XO cho Nam Dương”.
Thực tế, trong phần giới thiệu các đối tác, Nam Dương cũng cho hay: “Traphaco là đối tác của Nam Dương với tư cách là nhà nhập khẩu các sản phẩm của Namyang về Việt Nam. Với uy tín sẵn có trong lĩnh vực dược phẩm và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, Traphaco đã tích cực hỗ trợ Nam Dương trong việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm do Namyang sản xuất và Nam Dương phân phối”.
Báo cáo tài chính của Traphaco cũng phần nào khắc họa mối quan hệ với Nam Dương, khi qua suốt nhiều năm, công ty này luôn hạch toán khoản phải thu ngắn hạn từ Nam Dương. Cụ thể, cuối năm 2014 là 56 tỷ đồng; cuối năm 2015 là 91 tỷ đồng; cuối năm 2016 là 18 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến báo cáo gần nhất – BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017 – Traphaco không còn ghi nhận giá trị phải thu ngắn hạn từ Nam Dương. Không rõ kết quả này có phản ánh việc, do đã có dòng sữa của riêng mình (VPMilk) nên bà Phương đã thôi nhập khẩu các sản phẩm sữa của Namyang về Việt Nam hay không.
Về VPMilk, lưu ý rằng, khi mới được thành lập, công ty này do bà Nguyễn Thị Thu Phương làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện trước pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 10/08/2016, vị trí người đại diện trước pháp luật của VPMilk lại được chuyển sang cho bà Vũ Thị Thuận – Giám đốc công ty.
Nhưng rồi chỉ hơn 4 tháng sau, ngày 20/12/2016, bà Phương lại trở lại thay bà Vũ Thị Thuận làm người đại diện theo pháp luật của VPMilk và đảm nhiệm cho đến ngày nay.
Nên biết, bà Vũ Thị Thuận (SN 1956) – nữ Giám đốc từng một thời cho đại diện cho VPMilk – là một tên tuổi lừng lẫy trong giới doanh nhân Việt. Chính bà Thuận là người đã tạo dựng nên đế chế Traphaco và hiện vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT hãng dược này.
Như đã nói, bà Nguyễn Thị Thu Phương từng có quan hệ giao dịch lâu năm với Traphaco, qua CTCP Đầu tư Nam Dương.
Mối liên hệ của bà chủ VPMilk với Traphaco càng gần gũi hơn nữa, khi phu quân của bà Phương – ông Nông Hữu Đức – là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên hệ thống phân phối phía Nam của Traphaco. Ông Đức từng là ủy viên HĐQT Traphaco và hiện vẫn đang đảm nhiệm cương vị Giám đốc Chi nhánh CTCP Traphaco tại Tp. HCM.
“Với định hướng đưa các sản phẩm của VPMilk trở thành SỮA NGON CỦA NGƯỜI VIỆT, công ty chú trọng việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất sữa, các sản phẩm từ sữa, sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với khẩu vị của người Việt, giúp nâng cao trí lực, thể lực của thế hệ trẻ. Một đất nước có nhiều thế hệ những người khỏe mạnh, có tầm vóc, trí tuệ, đất nước sẽ phát triển hùng cường”, VPMilk đề ra tầm nhìn cho hãng.
“Sữa ngon của người Việt”, nhưng hãy nhớ bà chủ VPMilk từng dựng nghiệp từ nghề nhập khẩu sữa.
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 23/12/2016, VPMilk có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đăng ký trụ sở chính tại Khu phố 2, Nguyễn Thị Thập, Phường Tân Phú, Quận 7, Tp. HCM.
Cổ đông sáng lập của công ty gồm 3 cá nhân, là bà Nguyễn Thị Thu Phương, bà Nguyễn Thị Thu Thanh và bà Nguyễn Thu Ngọc.
Bảng Thông tin về cổ đông sáng lập đính kèm cùng đăng ký cho thấy, bà Phương nắm giữ 50% cổ phần, trong khi bà Thanh và bà Ngọc – mỗi người nắm giữ 5% cổ phần.
Tuy nhiên, số lượng cổ phần mà bà Phương nắm giữ - được ghi nhận trong bảng - chỉ là 1.000.000 cổ phần, với giá trị 10 tỷ đồng. Quy mô này thực tế chỉ bằng 10% nếu so với mức vốn điều lệ đăng ký là 100 tỷ đồng./.