Phá thế thắng của Nga-Iran, Mỹ-Israel quyết "xé nát" Syria
VietTimes -- Dù cho Washington bị dắt mũi bởi Riyadh hay Tel Aviv, thì điều quan trọng là ai thật sự là ông chủ Nhà Trắng vì Washington đang có kế hoạch chia cắt Syria, một đất nước có chủ quyền với chính phủ được quốc tế công nhận và không đe dọa an ninh quốc gia cũng như lợi ích của Mỹ trong khu vực, RI nhận xét.
Chính quyền của ông Donald Trump đang có kế hoạch huấn luyện và triển khai một đạo quân 30.000 lính dọc biên giới phía bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Đạo quân có tên gọi lực lượng an ninh biên giới. Có thể đoán trước kế hoạch này sẽ gắn với việc ủng hộ các nhóm "nổi dậy ủng hộ dân chủ" và được tiến hành trong các căn cứ quân sự của Mỹ.
Đây là một phần của một kế hoạch lớn hơn nhằm chia cắt Syria để phục vụ cho lợi ích của những thiên tài theo trường phái diều hâu đang tác động tới Nhà Trắng và Hội đồng an ninh quốc gia nhằm tái thực hiện kế hoạch "Assad phải ra đi". Điều này đã được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lặp lại mới đây.
Ông Tillerson nói: "Hãy để chúng tôi nói rõ ràng: Mỹ sẽ giữ sự hiện diện quân sự tại Syria với mục tiêu đảm bảo IS không thể tái xuất hiện". Ông cũng tuyên bố việc Mỹ ở lại Syria sẽ mở ra khả năng hất cẳng ông al-Assad và ngăn chặn Iran tăng ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng ông phủ nhận Washington đang thiết lập lực lượng an ninh biên giới - Đây là một trong những biểu hiện bất thường khác về hoạt động của Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ giữ sự hiện diện quân sự tại Syria để tiêu diệt tàn dư IS, ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và hất cẳng ông Assad.
Kế hoạch này cũng được thúc đẩy tại Washington bởi những nhân vật hiểu biết. Nhưng họ đang làm lơ rằng kế hoạch sẽ thất bại vì không có một chiến lược cụ thể và cũng không có con đường nào để có thể thành công. Người Syria không được hỏi rằng họ có đồng ý với việc triển khai một lực lượng tại vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Đồng thời người Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bom những mục tiêu và đưa quân và các nhóm dân quân đồng minh vào khu vực Afrin, và cả ở những khu vực biên giới do người Kurd (được Mỹ ủng hộ) kiểm soát.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã biểu thị rõ ràng rằng Ankara sẽ đập tan mọi mưu đồ của Mỹ tại khu vực biên giới. Từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ thì lực lượng an ninh biên giới bao gồm phần lớn những dân quân người Kurd, chắc chắn đang hợp tác với nhóm khủng bố người Kurd PKK. Nhóm này đang hoạt động trong khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích tạo ra một đất nước tự trị của người Kurd. Rõ ràng người Thổ Nhĩ Kỳ có lý do khi coi đây là một mối đe dọa hiện hữu.
Ông Erdogan tuyên bố sẽ đập tan mọi ý đồ của Mỹ dọc đường biên giới nước này và gọi đội quân an ninh biên giới do Mỹ tạo ra là đội quân khủng bố.
Rắc rối nữa với sự hiện diện của Mỹ tại Syria là Washington hoàn toàn vi phạm luật quốc tế và Đạo luật kiểm soát quyền hạn chiến tranh của chính phủ Mỹ. Syria là một đất nước có chủ quyền với một chính phủ được quốc tế công nhận và không có một đạo luật nào của Liên Hợp Quốc hay nghị viện cho phép Washington đưa binh sĩ, hải quân và không quân vào trong vùng lãnh thổ của nước này.
Mỹ lập luận rằng quyền sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) vẫn có hiệu lực bởi al-Qaeda còn hoạt động trong khu vực và chính phủ địa phương không thể tiêu diệt khủng bố thiếu thuyết phục. Mỹ cũng đã tấn công lực lượng của chính phủ Syria và những dân quân có liên quan tới đồng minh Iran của Syria. Điều này là tội ác chiến tranh.
Dưới đạo luật kiểm soát quyền hạn chiến tranh, ông Trump có thể thực hiện hành động quân sự để chống lại một mối đe dọa sắp xảy ra nhưng không phải là trường hợp Syria. Và sau 60 ngày ông phải ngừng chiến hoặc phải trình nghị viện để được phép tiếp tục hoặc tuyên bố chiến tranh. Cuộc tấn công Syria bắt đầu từ thời tổng thống Obama đã kéo dài hơn 2 tháng và vi phạm luật của nước Mỹ khiến nhiều nghị sĩ phải cảnh báo.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine yêu cầu chính quyền không được tiến hành hoạt động quân sự khi chưa được sự cho phép của nghị viện.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Virginia Tim Kaine đã yêu cầu không được phép bắt đầu những hành động quân sự tại Syria mà không có nghị quyết của nghị viện. Ông nói: "Tôi cảnh báo sâu sắc rằng chính quyền của ông Trump tiếp tục gây ra những rủi ro của một cuộc chiến không cần thiết, tách rời với những chính sách và lợi ích cốt lõi của an ninh quốc gia. Để cho rõ ràng cả 2 lần Quyền sử dụng lực lượng quân sự năm 2001 và 2002 được thực hiện để tấn công Assad hay những đại diện của Iran tại Syria đều không thể chấp nhận do thiếu sự đồng ý của nghị viện".
Động cơ chống lại Syria rất khó hiểu, bao gồm cả những thông tin đáng nghi ngại từ những nguồn tin thù địch về việc ông al-Assad đã tàn sát hàng trăm nghìn người dân nước ông cũng như khẳng định mơ hồ về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. Những thông tin này đã dẫn tới việc Mỹ sử dụng tên lửa hành trình tấn công vào căn cứ không quân Syria tại Shayrat.
Đây là một ví dụ hoàn hảo cho sự mê muội của truyền thông phương Tây khi David Brunnstorm - một nhà báo của Reuters viết sau bài phát biểu của ông Tillerson: "Quân đội Mỹ tại Syria đang đối mặt với những mối đe dọa trực tiếp từ Syria và những đội quân do Iran chống lưng. Điều này dẫn tới việc Mỹ phải bắn hạ máy bay không người lái của Iran cùng một máy bay của Syria năm ngoái, cũng như phải gia tăng căng thẳng với Nga".
Những độc giả thiếu thông tin sẽ cho rằng người Mỹ là nạn nhân của một cuộc tấn công và sự đe dọa của Moscow trong khi sự thật hoàn toàn khác. Iran và Nga là đồng minh của một chính phủ Syria hợp pháp, hai nước này được mời tới Syria để giúp chống lại những nhóm phiến quân mà mọi người đều biết là khủng bố. Mỹ hiện diện tại Syria một cách bất hợp pháp và thường dùng những đạo quân ủy nhiệm để tấn công quân đội Syria.
Mỹ đang có ý đồ tạo ra đội quân an ninh biên giới với biên chế khoảng 30.000 lính với các thành viên chủ yếu là người Kurd.
Nỗi ám ảnh Syria (Syriaphobia) bắt đầu từ thời chính quyền của ông George W. Bush. Vào tháng 12.2003, nghị viện Mỹ đã thông qua Đạo luật trách nhiệm Syria với nghị quyết 1828. Ở thời điểm đó Syria đã là cái gai trong mắt 2 đồng minh của Mỹ là Israel và Ả rập Xê-út. Cả 2 nước này đều tích cực thực hiện những hoạt động để gây bất ổn cho chế độ của tổng thống Assad mặc dù với nhiều lý do khác nhau. Ả rập Xê-út e ngại ảnh hưởng của người Iran tới Damascus nhưng với lý do tôn giáo. Chế độ Syria đang bảo vệ những nhóm tôn giáo thiểu số và bản thân chế độ này thuộc về người Alawite một nhánh của những người Hồi giáo Shi'a. Người Ả rập Xê-út coi họ là dị giáo.
Người Israel thì thực hiện kế hoạch Yinon được soạn thảo từ năm 1982 cùng tài liệu Đoạn tuyệt được viết năm 1996 cho thủ tướng Benjamin Netanyahu bởi một nhóm người Mỹ-Do Thái theo trường phái diều hâu. Ý định của họ là phân tách các nước láng giềng Ả rập thành những quốc gia nhỏ lẻ, gây mâu thuẫn các nhóm tôn giáo để họ sẽ không còn là mối đe dọa trong vùng. Israel đã công khai mong muốn tiếp tục sự hỗn loạn tại Syria - một mục tiêu chính của họ. Thực tế, Israel vẫn đang đánh bom những vị trí có quân đội Syria, hầu hết ở những vùng gần Damascus trong khi vẫn đang ủng hộ tàn dư của phiến quân al-Nusra.
Kế hoạch Yinon của người Israel là gây chia rẽ và tạo nên các xung đột ở các nước Ả rập láng giềng.
Thực tế, Đạo luật trách nhiệm về Syria được viết ở thời điểm mà các cáo trạng giả về Saddam Hussein đã dẫn tới cuộc xâm lược Iraq vào đầu năm 2003. Nó dựa trên cáo buộc về việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa nhưng lại tập trung chính vào lý do là Damascus tài trợ cho các nhóm khủng bố: "Tuyên bố nhận thức của nghị viện rằng chính phủ Syria cần ngừng tài trợ cho khủng bố ngay lập tức và vô điều kiện, công khai tuyên bố sẽ không công nhận bất cứ hình thức nào của chủ nghĩa khủng bố, đóng cửa các văn phòng và cơ sở của khủng bố tại Syria, bao gồm các văn phòng của Hamas, Hezballah, Mặt trận Đại chúng Giải phóng Palestine và Trung tâm chỉ huy Mặt trận Đại chúng Giải phóng Palestine".
Những nhóm có tên ở trên không phải là mối đe dọa của Mỹ mà là những tổ chức thù địch với Israel. Điều này cho thấy động cơ thúc đẩy đạo luật này là của những lãnh đạo thân Israel trong nghị viện. Người bảo trợ cho đạo luật này là nghị sĩ New York Eliot Engel - một nhà lập pháp ủng hộ Israel một cách nồng nhiệt. Và kể từ đó, sự cố gắng để "hạ" Syria luôn nằm trong chính sách ngoại giao của Mỹ cho tới nay. Khi Mỹ vẫn còn sứ quán tại Damascus, vào tháng 12.2010 tổng thống Obama đã có một hành động vụng về khi cử ông Robert Ford làm đại sứ Mỹ tại Syria. Ông Ford tích cực ủng hộ các cuộc biểu tình của những người Syria chống chế độ với nguồn cảm hứng từ cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả rập, đối lập với chính phủ Syria. Ông Ford cũng tán thành công khai một cuộc nổi dậy vũ trang - hành động kỳ cục mà một vị đại sứ có thể làm tại nước ngoài.
Ông cũng có một tuyên bố ngớ ngẩn rằng nếu chính phủ Mỹ vũ trang cho những nhóm đối lập của chế độ Assad, những nhóm al-Qaeda sẽ "không thể cạnh tranh". Ông Ford bị triệu hồi 1 năm sau đó, sau khi bị ném cà chua và trứng cùng với những lo ngại sự hiện diện của ông tại Syria là không an toàn. Nhưng đã có những tổn thất và quan hệ ngoại giao bình thường giữa Damascus và Washington không bao giờ được khôi phục.
Những "mầm non" dân chủ được Mỹ vũ trang và huấn luyện đã tham gia IS.
Mong muốn thay đổi chế độ tại Damascus tăng lên vào năm 2011. Những nỗ lực của chính phủ Syria đàn áp các cuộc biểu tình đã gây ra bạo lực từ cả 2 phía. Mỹ, Ả rập Xê-út và các nước vùng vịnh đã vũ trang cho quân nổi dậy đồng thời ủng hộ cho sự thành lập của đội quân Syria tự do (FSA) mà Washington đảm bảo với công chúng Mỹ rằng FSA chỉ bao gồm những người tốt muốn dân chủ và các quyền cơ bản. Không hề ngạc nhiên khi những "mầm non" dân chủ này chấp nhận sự huấn luyện và trang bị vũ khí của Mỹ sau đó bỏ sang các chi nhánh của al-Qaeda, mặt trận al-Nursa hay theo IS.
Hiện tại, việc tái thiết Syria đang được tiến hành. Đội quân Ả rập người Syria đang quét sạch những vùng đất cuối cùng mà IS kiểm soát tại tỉnh Idlib. Cuộc nội chiến Syria có thể sẽ sớm kết thúc. Rất nhiều người tị nạn trong nước đang trở về nhà sau khi chính phủ giành lại quyền kiểm soát và hàng nghìn người tị nạn nước ngoài cũng đang quay về đất nước.
Việc những người Syria trở về những vùng mà chính phủ của ông al-Assad đã hoàn toàn kiểm soát cho thấy trong khi có những mối bất hòa giữa những người Syria thì khẩu hiệu tuyên truyền rằng hầu hết những người Syria đều đối lập với chế độ Assad là một sự cường điệu. Có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy ông Bashar al-Assad được sự ủng hộ của phần lớn người Syria, mặc dù trong số họ sẽ có những người muốn có dân chủ hơn. Bởi vì họ biết chống lại chính phủ sẽ chỉ gây ra sự hỗn loạn.
Trẻ em Syria trong đống đổ nát của cuộc chiến.
Syria có thể sẽ lại trở về thành Syria một lần nữa. Nhưng Washington đang tìm giải pháp để chia cắt đất nước này đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi ảnh hưởng của người Iran tại khu vực, làm hài lòng Israel và Ả rập Xê-út bằng cách tạo ra một đất nước nhỏ cho người Kurd. Việc Syria bị tàn phá và người Syria thiệt mạng sẽ chỉ được coi như một thiệt hại song hành khi xây dựng lại một Trung Đông mới. Hy vọng, người Syria với sự ủng hộ của Iran, Nga sẽ ngăn chặn điều đó xảy ra và Mỹ sẽ không can thiệp sâu vào trong cuộc chiến tiêu diệt IS.
Nhưng dù cho Riyadh hay Tel Aviv đang "dắt mũi" Washington thì câu hỏi đặt ra là ai đang thực sự là ông chủ Nhà Trắng. Vì Mỹ không có chính sách gắn chặt với Syria, cũng không có lợi ích quốc gia ở đất nước này. Những liên kết chính trị kỳ lạ đã điều khiển tòa nhà oval tạo ra mong muốn để tiêu diệt một đất nước và con người không đe dọa tới nước Mỹ. Có ai đó sẽ cần phải cảnh báo ông Trump về những kịch bản tồi tệ tương tự đã xảy ra tại Afghanistan, Iraq và Libya. Sẽ không có điều khác biệt xảy ra tại Syria.