Dè dặt chỉ tiêu 2017
Tài liệu ĐHĐCĐ 2017 của PLX cho biết, công ty này sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất là 143,208 tỷ đồng, dự kiến tăng 16.3% so với thực hiện năm 2016. Con số lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 26,4 % so với thực hiện 2016 là 4.680 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2017 là 12%. Kế hoạch này xây dựng xung quanh dự báo giá dầu thô thế giới bình quân ở mức 55 USD/thùng.
Theo KQKD năm 2016, doanh thu thuần hợp nhất của Petrolimex đạt 123,097 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6,300 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng đang đề xuất tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt là 32,24% với tổng giá trị chia cổ tức hơn 3.736 tỷ đồng, bằng 80% LNST năm 2016.
Có thể thấy, chỉ tiêu tiêu trong năm 2017 của tập đoàn này là khá dè dặt so với con số thực hiện năm 2016. Lý giải nguyên nhân này, Petrolimex cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố bất lợi. Thị trường xăng dầu cạnh tranh ngày càng quyết liệt do có sự gia tăng nhanh các đầu mối phân phối xăng dầu; Một số khách hàng công nghiệp thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ sử dụng mazut sang sử dụng gas hoặc nhiên liệu thay thế khác để giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu về khí phát thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, nhà Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp sản phẩm thương mại từ Quý III/2017, tác động mạnh đến công tác tạo nguồn đặc biệt là khu vực miền Bắc, đồng thời có sự tham gia phân phối bán lẻ của Idemitsu Q8.
Hơn nữa, Petrolimex cho rằng, mặc dù nguồn cung ngoại tệ năm 2017 dự kiến tiếp tục ổn định, nhưng dự báo biến động tỷ giá năm 2017 sẽ lớn hơn và khó lường hơn, tập đoàn này dự kiến mức biến động khoảng 3-4%.
Lên sàn 21/4 , lọt top 10 DN có vốn hóa lớn nhất thị trường
Ngày 14/4, Sở GDCK TP. HCM đã chính thức chấp thuận cho Petrolimex niêm yết gần 1,3 triệu cổ phiếu trên sàn HSX với mã chứng khoán PLX. Ngày đầu tiên giao dịch của PLX sẽ là ngày 21/4 với giá khởi điểm là 43.200đ/cổ phiếu, biên độ giao động trong ngày đầu chào sàn là 20%.
Như vậy, vốn hóa của PLX sẽ khoảng 67.000 tỷ đồng, nằm trong top 10 DN có vốn hóa lớn nhất thị trường, bên cạnh các cổ phiếu VNM, VCB, SAB, VIC, GAS, CTG, BID...
Có thể nói, sau 4 năm cổ phần hóa, Petrolimex đã từng bước tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, từ khâu quản trị doanh nghiệp đến việc xây dựng nền tảng về cơ sở vật chất. Mặt khác, tập đoàn cũng tích cực điều chỉnh cơ cấu cổ đông cho phù hợp với chuẩn mực của một công ty đại chúng quy mô lớn, kéo tỷ lệ sở hữu Nhà nước về 75% thông qua việc tìm kiếm và phát hành cho cổ đông chiến lược là tập đoàn JX Nippon Oil & Energy Corporations của Nhật Bản 8%.
“Có thể nói, kết thúc năm 2016 và hết quý I/2017 là thời điểm hết sức hệ trọng đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Chúng tôi đã hoàn thành một chu trình tái cấu trúc sau 5 năm cổ phần hóa, để hội tụ tất cả các điều kiện cần thiết cho một công ty đại chúng quy mô lớn niêm yết trên sàn”- Đó là chia sẻ của Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo tại buổi gặp gỡ NĐT mới đây.
Ông Bảo cho biết thêm, “Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam là một loại hình doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi cả nước, chịu sự quản lý của Nhà nước về giá và nhiều cơ chế ràng buộc đặc thù. Cơ bản nhất là các quy định, nghị định của Nhà nước liên quan việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu.”
Chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng về lý do lựa chọn sàn HoSE để thực hiện niêm yết cổ phiếu, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, HOSE là sàn chứng khoán có những yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp, chuẩn mực gần tương đương với các sàn quốc tế và đây cũng nơi hội tụ của các doanh nghiệp lớn.
“Chắc chắn Petrolimex với quy mô lớn cũng sẽ lọt vào nhóm VN30. Đây là mục tiêu mà Công ty đồng thời cũng là kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với việc Petrolimex lên sàn”, ông Bảo nhấn mạnh.