Theo quan điểm của những thành viên Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hoạt động khoan khai thác dầu khí đá phiến tại Mỹ có thể đang tăng chậm lại song vẫn chưa đủ nhanh để OPEC thay đổi chính sách về hạn ngạch sản lượng trong cuộc họp của nhóm dự kiến vào tháng Sáu tới.
Tại cuộc họp hồi tháng 11/2014, Saudi Arabia - thành viên quan trọng của OPEC - đã thuyết phục các nước thành viên giữ nguyên sản lượng. Quyết định này đã đẩy giá "vàng đen" lao dốc và có thời điểm chỉ còn khoảng 45 USD/thùng.
Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Ali al-Naimi khẳng định Riyadh sẽ không cắt giảm sản lượng để giúp đẩy giá dầu lên với cái giá phải trả là đánh mất thị phần.
Tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait đã nhắc lại rằng OPEC sẽ chưa thay đổi quyết định của mình khi các quan chức của các nước thành viên OPEC gặp nhau vào tháng Sáu tới.
Trong những tháng gần đây, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm hơn 40% kể từ mức kỷ lục 1.609 giàn hồi tháng 10/2015.
Cuối tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định sự sụt giảm của các giàn khoan dầu tại Mỹ là yếu tố chủ chốt tạo đà phục hồi cho giá dầu thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc Mỹ sắp rơi vào tình trạng không còn chỗ chứa dầu dự trữ có thể gây sức ép giảm giá đối với “vàng đen.”
Song OPEC vẫn tin rằng tổ chức này cần chờ đợi thêm cho tới năm 2016 trước khi có động thái mới. OPEC đánh giá tình trạng dư cung hiện nay sẽ chỉ được khắc phục khi nhu cầu phục hồi và hoạt động sản xuất tại Mỹ bắt đầu chững lại vào cuối năm 2015.
Dù vậy, tình trạng dư cung (hiện khoảng 1,5 triệu thùng/ngày) có thể tiếp diễn hoặc thậm chí tăng lên một khi phương Tây và Iran đạt được thỏa thuận trong năm nay.
Một số nhà quan sát dự báo trong thời gian tới giá dầu có thể rơi xuống 40 USD/thùng, trong khi một số người khác cho rằng giá mặt hàng này sẽ chưa nhanh chóng phục hồi cho tới khi tình trạng giá nhiên liệu rẻ có tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới./.
Theo TTXVN