Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: P.D)
|
Bamboo Airways muốn phủ kín các đường bay nội địa
Tại phiên thứ nhất của buổi tọa đàm (“Hàng không Việt và sức bật của lò xo nén”), ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Bamboo Airways) cho biết các khó khăn mà hãng gặp phải trong dịch Covid-19 gửi lên Cục hàng không Việt Nam (CAAV) và Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đều được giải quyết. Các hoạt động của Bamboo Airways “khá là hanh thông” cho tới thời điểm này.
“Nhìn chung, đến thời điểm này, Chính phủ và các bộ ngành đều làm rất quyết liệt, ra các chính sách cho ngành hàng không, vì thế, khó khăn đã và đang được tháo gỡ. Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam đã kịp thời vào cuộc, đặc biệt là sau khi giãn cách xã hội” - ông Quyết chia sẻ.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Bamboo Airways còn cho biết hãng sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6/2002, hoặc chậm nhất là tháng 7/2020. Tới thời điểm hiện tại, hãng đã mở lại 90% số đường bay. Tuy nhiên, nếu trước dịch Covid-19, hãng bay 150 chuyến/ngày thì nay mới đạt 50% công suất.
Về sức bật “lò xo” của ngành hàng không với nền kinh tế, ông Quyết cho rằng việc buổi hội thảo có thể được tổ chức đã phần nào thể hiện sức bật của ngành hàng không.
“Nếu không có hàng không, việc kết nối giữa các tỉnh thành, trung tâm kinh tế, nhà kinh doanh sẽ đến chậm. Nếu không có hàng không, các tuyến, tour du lịch cũng có độ trễ. Nếu ra sân bay mà vắng bóng người, thì sẽ cho thấy kết quả chống dịch chưa thành công. Điều này thể hiện sức khỏe của nền kinh tế” - ông Quyết đánh giá.
Về các đường bay quốc tế, trao đổi thêm bên lề buổi tọa đàm, ông Trịnh Văn Quyết cho biết trước dịch hãng đã triển khai các đường bay tới Đài Loan, Hàn Quốc. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bamboo Airways sẽ mở các đường bay từ Hà Nội - Úc, Hà Nội - Nhật Bản.
Lỗ thêm 1.500 tỷ đồng, Bamboo Airways vẫn muốn lên sàn vào Quý 4/2020 |
Với những nguồn lực đã chuẩn bị từ nhiều năm nay, ông Quyết khẳng định hãng hoàn toàn tự tin có thể triển khai các đường bay này sau dịch.
Ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: P.D)
|
Các hãng hàng không trụ được mà không chết là quá giỏi!
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Trần Du Lịch cho rằng với một nền kinh tế mở như Việt Nam, sự đổ gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu tác động cực kỳ nặng nề với các hãng hàng không.
“Các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, rồi Jesta trụ được tới thời điểm này mà không chế là quá giỏi” - TS. Trần Du Lịch đánh giá và tin rằng “bộ rễ vẫn còn tốt để nuôi sống các hãng”.
Vị chuyên gia này kiến nghị nên tập trung vào chính sách hàng không nội địa, cần phối hợp giữa hàng không - điểm du lịch - khách lữ hành để tạo nên các gói du lịch, kéo hàng không và ngành du lịch trỗi dậy.
Theo quan điểm của ông Võ Huy Cường (Phó Cục trưởng CAAV), hàng không (và nền kinh tế nói chung) cần phải chuẩn bị tinh thần chung sống với virus Corona. Ngành hàng không có thể phục hồi khi mọi người không còn lo sợ dịch bệnh và thu nhập của người dân được phục hồi. Tuy nhiên, ngành hàng không có thể cần tới 2 - 3 năm để phục hồi, đạt mức được như trước dịch bệnh.
“Chúng ta chưa biết chắc khoảng thời gian đó là bao giờ? Chúng tôi cũng đang trăn trở tìm các giải pháp, sáng kiến, để sớm mở các đường bay vận chuyển hành khách mở của bình thường. Vẫn có các chuyến bay từ quốc tế đến Việt Nam để vận chuyển hàng hóa. Chúng ta vẫn đang hạn chế hành khách từ nước ngoài, chỉ chuyên chở các hành khác có giấy công vụ, chuyên gia tham gia các dự án tại Việt Nam. Các hành khách thông thường chúng ta vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh” - ông Cường thông tin thêm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo CAAV cũng cho biết đang đàm phán với một số nước để tạo dựng các khu vực đi lại an toàn, tìm kiếm các cơ hội để hàng không quay trở lại như trước dịch Covid-19.
Dù khó khăn, chúng ta phải hướng tới tương lai, khi có thuốc hoặc vắc - xin. Mở cửa như thế nào, từng bước ra sao?
“Quan điểm của CAAV là tạo điều kiện tối đa, theo nhu cầu của các hãng, không hạn chế về tần suất nhưng phải phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng” - ông Cường khẳng định.
Khi các chuyến bay quốc tế chưa có, những giờ cất/hạ cánh được ưu tiên dành cho các hãng hàng không trong nước. Vietnam Airlines và Bamboo Airways là 2 hãng hàng không có những đề xuất mở các đường bay mới, nối liền các sân bay địa phương với nhau. Tuy nhiên, các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn còn vướng mắc về giờ cất/hạ cánh do lượng máy bay trên mặt đất vẫn còn nhiều, các hãng mới chỉ khai thác 50% tần suất.
“Chúng ta phải chờ và xếp hàng nhưng trong niềm vui. Bởi vì chúng ta đã nhìn thấy hình bóng của ngành hàng không trước dịch” - ông Cường đánh giá./.