Không cần biết thứ Triều Tiên kích nổ hôm 6-1 có phải là bom nhiệt hạch (bom H) hay không thì thế giới cũng chẳng thể ngồi yên. Và nhiều ánh mắt đang đổ dồn về láng giềng lớn nhất kiêm đồng minh thực sự duy nhất của Triều Tiên: Trung Quốc sẽ làm gì?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho phóng viên hay Bắc Kinh không được báo trước về vụ thử và sẽ triệu đại sứ Triều Tiên để phản đối.
“Đây là thời điểm mà Trung Quốc phải làm một điều gì đó. Sự xúc phạm mà Triều Tiên dành cho Trung Quốc nói chung và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng là rất lớn. Ông Tập không phải là người bỏ qua những chuyện như thế này” – ông Mike Chinoy, cựu phóng viên CNN và là tác giả quyển “Phát xạ: Câu chuyện về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên”, nhận xét.
Tương tự, theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), ông Tập Cận Bình không phải là nhà lãnh đạo “dễ giỡn mặt” và hoàn toàn có thể hết kiên nhẫn với láng giềng. Trung Quốc có thể cảm thấy phải bỏ rơi Triều Tiên nếu Nhật Bản đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân để tự vệ hoặc Mỹ lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.
Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh lạnh lẽo kể từ khi ông Kim Jong-un lên kế nhiệm cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il, vào cuối năm 2011. Kể từ đó đến nay, ông Kim chưa hề đặt chân đến Trung Quốc hay gặp ông Tập.
“Người Triều Tiên thực sự không thích người Trung Quốc. Họ ghét chuyện người Trung Quốc bảo họ phải làm thế này thế kia. Và thực tế là Trung Quốc đâu thể làm điều đó” – ông Chinoy nói. Chính vì “không nghe lời” mà ban nhạc toàn nữ Moranbong của Triều Tiên không thèm nể mặt Bắc Kinh, đùng đùng xách vali về nước chỉ vài giờ trước khi biểu diễn hồi tháng rồi.
Hơn nữa, theo bà Francoise Nicolas, giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), mặc dù kinh tế Triều Tiên phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc song chính Trung Quốc phải thừa nhận họ đang vay mượn không ít từ ảnh hưởng của Triều Tiên.
Nói một cách tóm tắt, Triều Tiên là vùng đệm không thể thiếu giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, qua đó ngăn bước quân đội Mỹ. Thêm vào đó, nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, một làn sóng di cư hàng triệu người có thể tràn vào Trung Quốc. Quan trọng không kém, Triều Tiên là quân cờ quan trọng để Bắc Kinh triển khai trên bàn cờ lớn hơn – tức tranh giành ảnh hưởng Mỹ - Trung ở châu Á – Thái Bình Dương, theo giáo sư Lee Jung Hoon của Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc).
Chính vì vậy, dù Triều Tiên đang trở thành sức mạnh hạt nhân "cứng đầu" sát biên giới song Trung Quốc không thể buông láng giềng. “Lần này, Trung Quốc có thể mạnh tay – như cắt đứt thương mại và buôn bán dầu, cấm máy bay Triều Tiên vào không phận… - nhưng không không thay đổi về cơ bản” – ông Chinoy dự đoán với đài CNN.
Trung Quốc từng ủng hộ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc trước đấy (dù không thực sự thực thi hiệu quả). Hồi năm 2013, Trung Quốc còn cấm các công ty nhà nước và tư nhân làm ăn ở Triều Tiên; Ngân hàng Trung Quốc cũng ngừng giao dịch với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên
Hải Ngọc - Theo CNN, Wall Street Journal, NLĐ