Ông Tập Cận Bình đang đi ngược với những nguyên tắc thành công?

Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đang có dấu hiệu rời xa khỏi con đường thành công, bằng cách đi ngược lại với nguyên tắc thành công chủ đạo mà nước này đã theo đuổi trong hơn hai mươi năm qua.
Ông Tập Cận Bình đang đi ngược với những nguyên tắc thành công?

Kinh tế Trung Quốc chuẩn bị phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn. Nếu như lời dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới như Kyle Bass hay George Soros thành hiện thực, thì phần còn lại của năm 2016 sẽ chứng kiến một sự sụt giảm tỷ giá kinh khủng của đồng nhân dân tệ, ước tính từ 7-12%.

Nếu kịch bản này xảy ra, không những Trung Quốc khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,5-7% trong năm nay, mà nước này sẽ còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế ở một mức độ nhất định. Vậy, chính phủ Trung Quốc đang làm gì để đối phó với kịch bản tồi tệ có thể xảy ra này? Câu trả lời là họ đang đi ngược lại với những nguyên tắc thành công.

Nếu nhìn lại quá trình tăng trưởng kinh tế ấn tượng của các nền kinh tế Đông Á trong thế kỷ 20 - được mệnh danh là những con hổ châu Á và với chính trường hợp của Trung Quốc khi nước này bắt đầu mở cửa vào những năm 1980, thì chúng ta sẽ nhận thấy một thực tế rất rõ ràng: Trung Quốc của Tập Cận Bình hiện nay đang đi ngược lại với những nguyên tắc thành công của những người đi trước cũng như của chính nó. 

Nguyên tắc thành công căn bản nhất của các nền kinh tế phát triển tại Đông Á và của Trung Quốc trong gần ba thập kỷ qua là gì? Bên cạnh những điểm chung về cách thức và giải pháp, như một mô hình hướng về xuất khẩu và phát triển kinh tế có sự điều tiết của nhà nước, thì vấn đề mấu chốt nhất đó là ưu tiên cho những vấn đề phát triển kinh tế lên hàng đầu.

Cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, nhà lãnh đạo nổi tiếng được xem là kiến trúc sư của sự phát triển vượt bậc của kinh tế Hàn Quốc trong thế kỷ 20, đã từng nói một câu rất nổi tiếng: “Trong quá trình phát triển của quốc gia cũng như trong cuộc sống của con người thì kinh tế luôn đi trước chính trị và văn hóa”.

Nói cách khác, các vấn đề phát triển kinh tế phải được đặt lên hàng đầu và những vấn đề về chính trị và văn hóa luôn phải xếp sau, thậm chí cần phải trở thành những sự hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế nếu cần thiết. 

Điểm qua tất cả những trường hợp thành công ở Đông Á, thì nguyên tắc “kinh tế là số một” của Park Chung Hee tỏ ra đúng đắn một cách đáng ngạc nhiên. Sự thăng tiến vượt bậc của kinh tế Nhật Bản và Đài Loan, cũng như ở Singapore hay Malaysia trong nửa sau thế kỷ 20 đều là kết quả của việc điều hành nền kinh tế dựa trên một đội ngũ các nhà điều hành theo kiểu kỹ trị thay vì các nhà chính trị thực thụ.

Bản thân trường hợp của Hàn Quốc cũng không nằm ngoài điểm chung đó, khi Park Chung Hee – vốn là một quân nhân – lại thường xuyên dành phần lớn thời gian của mình tại văn phòng Tổng thống để làm việc và xử lý các vấn đề về kinh tế vĩ mô.

Sự thành công của kinh tế Trung Quốc trong khoảng hai thập kỷ gần đây, từ 1990 - 2010, cũng đi theo con đường trên. Trong khoảng thời gian được xem là giai đoạn phát triển rực rỡ của kinh tế Trung Quốc này, tầm ảnh hưởng của các thủ tướng luôn rất rõ rệt và thậm chí đôi khi còn lấn lướt các chủ tịch vốn là vị trí lãnh đạo cao nhất. Và hầu hết trong số đó, như Chu Dung Cơ hay Ôn Gia Bảo, đều là những nhà kỹ trị thực sự.

Hệ thống chính trị của Trung Quốc trong hai thập kỷ đó rất ít có sự thay đổi, trong khi bộ máy vận hành nền kinh tế thì thay đổi chóng mặt. Kết quả là Trung Quốc từ một nước nghèo trở thành nền kinh tế số hai thế giới và áp sát Mỹ, là minh chứng cho kết quả khá mỹ mãn của việc theo đuổi chính sách “kinh tế là số một” mà Park Chung Hee đã đề ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc ở thời điểm hiện tại lại đang có dấu hiệu rời xa con đường thành công đó, bằng cách đi ngược lại với nguyên tắc thành công chủ đạo mà nước này đã theo đuổi trong hơn hai mươi năm qua.

Dễ dàng nhận ra, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức Chủ tịch, vấn đề ưu tiên tập trung cho nền kinh tế đã không còn ở vị trí quan trọng nhất nữa, thay vào đó là các vấn đề về chống tham nhũng, cải tổ quân đội, những tranh cãi bất tận về lãnh thổ với các nước láng giềng, và một cuộc chiến bài trừ các giá trị phương Tây trong xã hội Trung Quốc.

Trong ba năm kể từ khi Tập lên nắm quyền, kinh tế Trung Quốc gần như ít có những sự điều chỉnh đáng kể, trong khi các thách thức do mô hình tăng trưởng tới hạn thì lại đang ngày càng nhiều hơn. Không phải ngẫu nhiên khi hầu hết các cú sốc lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc trong hai thập kỷ qua lại đều xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Tập, như vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán nước này vào năm ngoái, thổi bay khoảng 1.500 - 2.000 tỉ USD, hay việc tốc độ tăng trưởng năm ngoái của kinh tế Trung Quốc đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay.

Công bằng mà nói, chính phủ Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình không phải là không có cải cách, một số nhà kinh tế đã thống kê rằng số điều chỉnh trong nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc trong gần ba năm dưới thời ông Tập nhiều hơn hẳn số điều chỉnh của chính phủ nước này trong cả 5 năm nhiệm kỳ thứ hai của người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, lời biện minh đó không có nhiều giá trị khi mà những thách thức về kinh tế dưới thời ông Tập Cận Bình rõ ràng là nhiều hơn rất nhiều so với thời ông Hồ Cẩm Đào. Nghiêm trọng hơn là những điều chỉnh về mặt quản lý của ông Tập đang có xu hướng loại chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường ra khỏi vấn đề điều hành nền kinh tế, một sự đi ngược lại hoàn toàn với xu hướng mở rộng quyền hạn cho thủ tướng mà các đời chủ tịch trước của Trung Quốc đi theo. 

Nói cách khác, Trung Quốc hiện nay không chỉ đang đi ngược lại với nguyên tắc thành công chủ đạo của các nước Đông Á và của chính Trung Quốc trong quá khứ, khi loại vấn đề phát triển kinh tế khỏi vị trí số một cần quan tâm, mà còn đang đi ngược lại với xu thế điều hành nền kinh tế phổ biến trên toàn thế giới, bằng cách tước đi vai trò điều hành nền kinh tế của chính phủ.

Với những động thái này, khó có thể tin rằng kinh tế Trung Quốc có thể trụ vững trong cơn sóng gió phía trước nếu nó ập đến. Hầu hết các con hổ châu Á đều đã chững lại sau một thời gian kinh tế tăng trưởng rất cao do không tuân thủ nguyên tắc “kinh tế là số một” nữa bằng việc đưa các nhà chính trị thay vì kỹ trị lên vị trí điều hành nền kinh tế. Trung Quốc giờ đây cũng đang đối mặt với việc lặp lại vết xe đổ này.

Theo Bloomberg, Một thế giới