Châu Âu đang trải qua nỗi sợ hãi mang tên giảm phát. Với chỉ số tiêu dùng giảm 0,2% trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hồi tháng 12 theo con số do CNN cung cấp, đây là lần đầu tiên kể từ đợt khủng hoảng kinh tế 2009 Liên minh châu Âu (EU) có giảm phát.
Nó cũng kéo theo việc euro tụt giá thấp nhất so với USD sau 9 năm. Vào ngày 6.1, tỉ giá euro/USD là 1 euro chỉ đổi 1,1876 USD, theo marketwatch.
Khó tháo gỡ
Sự giảm phát của khu vực châu Âu, mà Forbes gọi là “lạm phát tiêu cực”, sẽ dễ dẫn tới một vòng xoáy suy thoái kinh tế khó tìm thấy lối thoát. Nếu mức giá cứ tụt như hiện nay, có thể kích thích mua hàng, song đa số lại tạo tâm lý chung: Người dùng không muốn mua ngay, vì họ sẽ đợi... tụt giá tiếp mới mua.
Vào lúc này, tất cả đều đang trông đợi ở chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi. Theo các cuộc phỏng vấn của BBC, CNN, Forbes... gần đây, phương án “nới lỏng định lượng” (QE) đang được xét tới, và sẽ có quyết định cuối cùng trong buổi họp ngày 22.1 tới của EU.
Nới lỏng định lượng được hiểu là in thêm tiền, mua trái phiếu chính phủ, bơm thêm tiền vào thị trường để kích thích mua sắm. Nói cách khác, nó là điều mà Nhật Bản những năm 1990 và Mỹ năm 2008 đã làm để thoát khỏi cảnh giảm phát.
Tuy nhiên, Forbes nhận định chỉ nới lỏng định lượng thôi cũng chưa đủ để EU giải quyết tình hình. Nó sẽ cần thêm các cải cách kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội...
Nới lỏng định lượng có thể gây mâu thuẫn trong cộng đồng EU và khu vực Eurozone nói riêng, bởi tỉ lệ mua trái phiếu chính phủ sẽ không đồng đều. Nó phụ thuộc vào đóng góp của từng thành viên vào EU. Hơn nữa, một số thành viên “yếu” như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay cả Hy Lạp vẫn còn đối mặt rất nhiều vấn đề. Chỉ riêng Tây Ban Nha và Hy Lạp, đợt giảm phát đã ghi nhận tới 1/4 của dân số hai nước này đang thất nghiệp. Quá khó cho EU.
Một chi tiết nữa: Có nên giữ Hy Lạp ở lại Eurozone hay không. Cuộc họp của EU diễn ra chỉ 3 ngày trước khi Hy Lạp bầu cử lại, và nếu có sự thay đổi trong nội các nước này, nó sẽ là điều quyết định đến tương lai của Athens trong cộng đồng EU, Reuters dẫn lời thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đòn đau từ lệnh trừng phạt Nga
Tháng 8.2014, trang Quartz (qz.com) đã có bài viết cho rằng “Vũ khí bí mật của Nga để đối đầu với châu Âu là sự giảm phát”. Tháng 12.2014, tờ Independent của Anh giật tít: “Nỗi đau nước Nga, sự đón nhận từ phía phương Tây – sự sụt giảm giá dầu”.
Trong các bài tương tự như vậy, báo chí phương Tây đã dự đoán trước kết quả lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây áp vào Nga thực tế sẽ chỉ là “đòn hy sinh”, mà trong đó ai cũng tổn thương.
Chính việc giá dầu giảm đã tổn hại kinh tế Nga, nhưng cũng khiến chi phí sản xuất giảm theo giá thành một cách quá nhanh chóng và điều này tạo nên giảm phát.
Trang Quartz dẫn thông tin cho thấy việc cấm vận Nga đã khiến nhà sản xuất và người dùng mất niềm tin tiêu thụ. Ví dụ việc cấm xuất khẩu rau quả đến Nga đã làm nông nhân ở khu vực EU lo lắng, và các chính phủ phải nhảy vào trợ giá lương thực, thực phẩm trong bối cảnh cung nhiều hơn cầu.
Nói cách khác, việc Nga liên tục tuyên bố chính họ cũng sẽ trả đũa EU về lệnh cấm vận là điều không phải ảo tưởng. Điện Kremlin vẫn hiểu họ có gì trong tay và một khu vực đồng euro ngày càng suy yếu sẽ tự bản thân cảm thấy khó khăn trong việc cấm vận.
Đây là một “cuộc chiến” cả hai bên đang cầm cự nhau. Thành – bại của nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin và sức chịu đựng của mỗi bên. Mà bản thân EU vốn đã là một liên minh với nhiều thành viên, sẽ dễ đối mặt cảnh xào xáo hơn.
Đến lúc này, hãy nhớ lại câu nói của Tổng thống Nga Putin ở buổi họp báo cuối năm tại Moscow: Kinh tế Nga sẽ phục hồi, khi các yếu tố bên ngoài thay đổi. “Yếu tố bên ngoài” ấy là thái độ của EU. Và có lẽ, “thái độ” ấy sẽ thay đổi nhanh chóng khi họ nhận ra sự thiệt hại hiển hiện?
Theo Thanh niên