Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 4/6, Tổng thống Joe Biden sáng 4/6 theo giờ Bắc Kinh đã nói trong một tuyên bố chính thức của Nhà Trắng rằng, lệnh cấm có thời gian gia hạn 60 ngày, sẽ có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng ngày 2/8, theo giờ miền Đông nước Mỹ. Sắc lệnh này cấm người Mỹ giao dịch cổ phiếu với các công ty Trung Quốc có tên trong danh sách đen, cho dù họ đầu tư trực tiếp hay thông qua các quỹ khác.
Danh sách các công ty bị trừng phạt được Bộ Tài chính Mỹ sửa đổi liên quan đến các công ty Trung Quốc trong các ngành như quốc phòng, vật liệu liên quan và công nghệ giám sát, bao gồm cả các công ty lớn Huawei và SMIC.
Đưa tin về vụ này, Đài CNN nói, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp vào ngày 3/6 để hạn chế các công dân Mỹ đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc có liên quan đến PLA hoặc tham dự vào công nghệ giám sát. Động thái này đồng nghĩa với việc mở rộng mệnh lệnh hành pháp của chính quyền Trump trước đây. Các công ty lớn bao gồm Huawei, Hikvision và ba công ty viễn thông lớn ở Trung Quốc, vẫn có tên trong danh sách.
Dư luận quốc tế đánh giá ông Joe Biden tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump (Ảnh: CNA). |
Hãng tin Anh Reuters đưa tin cho rằng động thái này của chính quyền Biden có thể lấp đầy những thiếu sót trong phạm vi pháp lý của thời ông Donald Trump. Các quan chức tiết lộ rằng danh sách mới gồm 59 công ty do Bộ Tài chính Hoa Kỳ thực thi và cập nhật sẽ thay thế danh sách do Bộ Quốc phòng công bố trước đó, và công dân Mỹ sẽ bị cấm mua và bán chứng khoán giao dịch công khai của các công ty trong danh sách.
Reuters trích dẫn lý do lập pháp của ông Biden, chỉ ra rằng mục đích của mệnh lệnh này là để ngăn chặn các công dân Mỹ đầu tư và hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển tổ hợp công nghiệp, quân sự, tình báo và an ninh của quân đội Trung Quốc. Các lý do lập pháp cũng nhấn mạnh rằng công nghệ giám sát do Trung Quốc đại lục phát triển không chỉ được sử dụng bên ngoài Trung Quốc, mà còn đã được sử dụng để trấn áp hoặc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, gây ra một mối đe dọa khác với thông thường.
CNN chỉ ra rằng nhiều công ty viễn thông lớn ở Trung Quốc, như China Mobile, China Telecom và China Unicom, đã nằm trong danh sách dưới thời chính quyền Donald Trump và hiện vẫn nằm trong danh sách đen. Ngoài ra, nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei và nhà sản xuất và cung cấp thiết bị giám sát lớn Hikvision cũng vẫn có tên trong danh sách.
Huawei và nhiều công ty lớn của Trung Quốc tiếp tục có tên trong danh sách đen bị Mỹ trừng phạt do liên quan đến PLA (Ảnh: Guangming). |
Reuters đưa tin, một số công ty Trung Quốc đã được Bộ Quốc phòng liệt kê trong thời kỳ chính quyền ông Trump vẫn được đưa vào danh sách cập nhật. Trong số đó, những thực thể được công nhận là ngành công nghiệp quốc phòng bao gồm Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, Tổng công ty Công nghiệp Vũ khí Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc. Đối với danh sách đen mới được bổ sung của ông Biden, bao gồm các công ty lớn như AVIC và Hồng Đô Giang Tây (Jiangxi Hongdu Aviation Industry).
Các quan chức tiết lộ với Reuters, sau đây lệnh của ông Biden sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều công ty nữa. Tóm lại bản danh sách này vẫn đang được sửa đổi theo hướng mở và tăng thêm.
CNN phân tích, mệnh lệnh này của ông Joe Biden dựa trên cơ sở mệnh lệnh hành pháp của ông Donald Trump trước đây, có sửa đổi thêm. Tháng 11/2020, Tổng thống Donald Trump khi đó đã nắm thời cơ cuối nhiệm kỳ để ký mệnh lệnh hành pháp hạn chế các công dân Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc. Washington giải thích lý do lập pháp của họ rằng các công ty này "giúp phát triển và hiện đại hóa các lực lượng quân sự của Trung Quốc và gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Mỹ".
Bây giờ, trên cơ sở này, ông Biden đã mở rộng lệnh cấm lên thành đối với 59 công ty Trung Quốc và sẽ có hiệu lực vào ngày 2/8/2021. Trong số đó, các công ty công nghệ giám sát Trung Quốc, với ống kính camera giám sát và công nghệ nhận dạng khuôn mặt, đã bị cấm vì cho rằng được sử dụng để hỗ trợ Bắc Kinh thúc đẩy chương trình thành phố an toàn ở Tân Cương, xâm hại nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ.
Các quan chức cho biết Bộ Tài chính Mỹ tiếp theo sẽ đưa ra các quy định cụ thể cho phạm vi công nghệ giám sát. Một trong những tiêu chuẩn là liệu công ty có giúp "đàn áp hoặc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hay không".
Reuters chỉ ra rằng, kể từ khi Joe Biden nhậm chức, ông đã tiếp tục xem xét nhiều chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đại lục và đã kéo dài thời gian thực hiện mệnh lệnh của cựu Tổng thống Trump. Lệnh hành pháp mới này là một phần trong một loạt các biện pháp mà Biden đã thực hiện chống lại Trung Quốc đại lục. Với mối quan hệ ngày càng tồi tệ thêm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mục đích của lệnh này là củng cố liên minh của Mỹ và chuyển đầu tư với các công ty Trung Quốc về trong nước Mỹ để tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ.
Dưới thời chính quyền Joe Biden cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng trở nên quyết liệt hơn (Ảnh: 163.com). |
Tờ Wall Street Journal của Mỹ bình luận rằng điều này khiến Bắc Kinh tức giận và gây ra sự ngạc nhiên lẫn bất bình trong giới đầu tư. Điều này cho thấy cách chính quyền Biden tiếp tục thực hiện một số chính sách cứng rắn chống lại Trung Quốc mà cựu Tổng thống Trump để lại.
Đây là một trong những hành động kiên quyết nhất được thực hiện bởi chính quyền Biden trong quá trình xem xét sâu rộng các chính sách với Trung Quốc, bao gồm cách đối phó với thuế quan và các biện pháp thương mại khác của ông Trump.
Hãng tin Bloomberg đưa tin, theo các quan chức chính phủ không muốn nêu tên, lệnh cấm đầu tư mới sẽ có hiệu lực vào 0:01 sáng theo giờ địa phương ngày 2/8 tại New York. Nhưng các nhà đầu tư có thể giao dịch trong vòng 12 tháng tới để thoái vốn nắm giữ. Mặc dù người Mỹ không bắt buộc phải bán những chứng khoán này, nhưng họ sẽ không thể bán số chứng khoán nắm giữ của mình sau khi hết thời hạn một năm. Bloomberg bình luận rằng lệnh của ông Biden ở mức độ rất lớn là sự tiếp nối chính sách do cựu Tổng thống Trump ban hành.
Tờ Financial Times của Anh nhận định rằng lệnh cấm này đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden nhằm đưa ra lập trường ngày càng cứng rắn chống lại Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ kiên quyết phản đối việc Mỹ sử dụng sức mạnh quốc gia để trấn áp các công ty Trung Quốc. Mỹ đã chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, vi phạm các nguyên tắc luôn được quảng cáo là kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, và vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Điều này không chỉ gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc mà còn không phù hợp với lợi ích của các công ty Mỹ, sẽ can thiệp nghiêm trọng vào việc trao đổi khoa học công nghệ và thương mại bình thường giưac hai quốc gia và thế giới, gây thiệt hại cho chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 2/6 khi được hỏi về khả năng Mỹ mở rộng danh sách công ty Trung Quốc bị cấm, đã chỉ ra rằng các lệnh cấm do chính quyền Trump đưa ra là hoàn toàn bất chấp sự thật và là sự can thiệp nghiêm trọng vào các quy tắc và trật tự thị trường bình thường. Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu