Ông Đường Bia một mình "đấu" với đại gia ngoại Metro, BigC, Aeon, Lotte

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình - người vừa được tờ báo danh tiếng của Anh Reuters phỏng vấn, cho biết sẽ xây dựng hệ thống trung tâm thương mại tại tất cả các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S. Ông nói các doanh nghiệp sẽ được miễn phí mặt bằng nếu chỉ bán hàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Đường
Ông Nguyễn Hữu Đường

Rẻ hơn cả siêu thị … nhà quê!

Thưa ông, ý tưởng nào mà ông nảy ra việc cho thuê miễn phí mặt bằng của mình và kêu các doanh nghiệp vào đó bán hàng do Việt Nam sản xuất?

Chúng tôi là một công ty thương binh, là những người lính đã trở về sau chiến tranh, tức là 40 năm chiến tranh đã lùi xa, nhưng mà trước tình hình càng ngày các doanh nghiệp của mình càng gặp khó khăn, vấn đề tiêu thụ hàng hóa, không có chỗ tiêu thụ được hàng hóa, dẫn đến phải đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản, thất nghiệp. Đấy là cái việc mà để làm thế nào giúp cho các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa của mình.

Trong khi đó, tất cả các trung tâm thương mại hầu như trên cả nước đa số đã bán cho nước ngoài. Ví dụ như ở Hà Nội thì có thể nói là không còn một trung tâm thương mại nào, Aeon thì của Nhật, BigC thì của Pháp, Metro thì bây giờ Thái Lan mua, Lotte thì của Hàn Quốc. Ai là người nắm được hệ thống thương mại thì người đó sẽ điều tiết được sản xuất và quyết định bán hàng hóa có nguồn gốc từ đâu. Khi mà Việt Nam không nắm được hệ thống thương mại trong tay thì không thể điều tiết được hệ thống hàng hóa của mình. Tổng Giám đốc của Tập đoàn Aeon đã tuyên bố rằng sẽ nhập khẩu 70% hàng hóa, chính vì thế nên việc các doanh nghiệp của mình, các hộ nông dân của mình đưa được sản phẩm vào các trung tâm thương mại của nước ngoài là một điều vô cùng khó khăn.

BigC khẳng định là hàng hóa của họ rẻ nhất với tuyên bố “Nếu bạn mua hàng ở đâu rẻ hơn của BigC thì BigC sẽ miễn phí”. Người ta dám cam kết nếu mua ở đâu rẻ hơn thì người ta miễn phí, tặng cho. Thế thì các cái thương mại của Việt Nam làm gì có chỗ, vì thế nên sản phẩm của Việt Nam chắc chắn rất khó tiêu thụ, và cái sống còn của một doanh nghiệp là tiêu thụ sản phẩm. Bộ Chính Trị đã có nghị quyết “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nhưng ngược lại “Người Việt Nam mua hàng Việt Nam ở đâu?”. Vào Aeon thì hàng nhập khẩu, vào BigC thì chưa chắc đã là hàng của Việt Nam, thế còn ra các cái chợ thì rất là khó phân biệt được đâu là hàng Việt Nam.

Xuất phát từ ý nghĩ đó nên tôi quyết định dành tặng miễn phí trung tâm thương mại V+ 25.000 m2. Sau khi TTTM đi vào hoạt động, các doanh nghiệp được miễn phí thì hàng của TTTM V+ đã rẻ hơn BigC 35%. Điều đáng nói, dù cam kết bán giá rẻ nhất, nhưng khi V+ bán giá rẻ hơn thì khách hàng từng mua sản phẩm ở BigC đòi siêu thị này trả lại tiền lại không được họ đáp ứng.  Người ta lấy lý do là quá 9 cây số thì người ta sẽ không tính, nhưng mà đấy khách hàng mua hàng ở siêu thị ở Mê Linh nhé! Tức là cái siêu thị gọi là “nhà quê” đấy, thế mà ở V+ vẫn rẻ hơn. Thế thì đến khi mua hàng ở siêu thị BigC ở Hà Nội, người ta cũng không trả. Cơ quan chức năng của Việt Nam không ai có ý kiến gì cả. Hiệp hội Bảo vệ Người Tiêu dùng cũng không có ý kiến gì cả. Thế người tiêu dùng vẫn cứ coi như là bị lừa!.

Cần nhiều V+ hơn

Với lập luận trên, có vẻ như, ông đang “đơn độc” trong câu chuyện “bán hàng rẻ nhất”, chỉ “bán hàng Việt” ?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình

Big C cam kết bán hàng rẻ nhất, nếu bây giờ có một anh bán rẻ hơn, thì Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng phải có ý kiến, các cơ quan chức năng phải có ý kiến. Chuyện bán không “rẻ nhất” đã được dư luận biết rồi nhưng anh không trả tức là có vấn đề, anh phải tháo biển quảng cáo “rẻ nhất” cất đi. Quảng cáo của BigC như thế, vô tình người ta sẽ giết chết hệ thống thương mại, nhưng không ai ý kiến gì cả, thế hóa ra là họ bán rẻ nhất à?

Trả lời Reuters, ông nói việc không thu kinh phí mặt bằng là để đẩy  lùi hàng Trung Quốc. Ông có thể tiết lộ tỷ lệ hàng Việt trong TTTM V+ hiện nay đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu tiêu dùng của người Hà Nội?

So với thị trường Hà Nội thì thị phần hàng Việt ở trong siêu thị V+ nói chung không phải nhiều. Thị trường Hà Nội không chỉ ở các siêu thị, các TTTM, mà nó còn ở chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên và ở tất cả các cái cửa hàng bán lẻ. Thế nhưng theo như các số liệu thì tất cả các cái cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam đa số là của Trung Quốc, hàng của Việt Nam sản xuất thì rất ít. Nói như hãng thông tấn Reuters, thì Việt Nam nhập khẩu của Trung Quốc một năm 60 tỷ USD, xuất khẩu 20 tỷ USD, như thế thì sẽ bị thặng dư 40 tỷ USD, thì 40 tỷ USD đấy là hàng hóa, rất nhiều hàng hóa.

Chính vì thế cho nên TTTM V+ vẫn chưa được lấp đầy. Tiêu chí của V+ là phải của Việt Nam sản xuất, nhưng muốn để cho người Việt Nam sản xuất, thì không thể nào chỉ có mỗi một cái V+ để người ta “đổ” hàng vào đấy, phải có nhiều V+ hơn nữa. Chính vì thế nên tôi mới có kế hoạch xây dựng cả một hệ thống, mỗi tỉnh phải có một cái V+, khi mà đã có một chuỗi rồi, tỉnh thì có một cái lớn, huyện thì có một cái nhỏ, chắc chắn doanh nghiệp mới dám đầu tư sản xuất, hoặc người ta mới dám khôi phục lại cái sản xuất vì sẽ đảm bảo được đầu ra. Tôi đã đi làm cái khảo sát rồi, bây giờ nếu như làm hàng hóa bán một mình cho V+ thì chắc chắn là người ta không làm, không dám khởi động lại sản xuất, bởi vì nó rất tốn kém.

Như vậy, bản thân tâm lý nhà sản xuất, các nhà cung cấp sản phẩm còn cảm thấy e ngại về chủ trương chỉ bán hàng Việt của ông?

Không phải là e ngại, người ta rất ủng hộ, và thậm chí đó là ước muốn của người ta. V+ đang thu hút được nhiều nhà sản xuất rồi, hàng hóa bán rất tốt rồi, hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vào rồi. Nhưng mà để khôi phục lại được sản xuất hàng Việt cung cấp cho cả nước thì các tỉnh cũng phải vào cuộc, mình phải chủ động hệ thống thương mại. Nếu như mỗi tỉnh có một TTTM, thì mình không bao giờ lo thừa ế hàng của mình. Người Việt Nam ai cũng có tinh thần dân tộc, có máu yêu nước cả. Nếu như mỗi tỉnh có một cái TTTM như V+ thì không bao giờ phải lo dưa hấu đổ đi hay thanh long quăng cho bò ăn hết. Thế còn nhé, đắt thì tôi bán chơi, thế còn rẻ thì để chúng tôi xơi với nhau, chúng tôi ăn, không có vấn đề gì cả.

Nhưng chỉ một mình ông kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt”, ông có thấy mình đang quá sức không?

Tôi nghĩ rằng đến bây giờ tất cả các cơ quan của nhà nước không thể chỉ có kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, mà phải có hành động cụ thể, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ được hàng và cũng để cho người Việt Nam có chỗ mua hàng Việt Nam. Đây là cái sống còn. Muốn có được nguồn thu thì các doanh nghiệp phải phát triển, mà muốn có được doanh nghiệp phát triển thì phải có người mua hàng của các doanh nghiệp, mà muốn người mua hàng của doanh nghiệp thì tối thiểu phải có chỗ bán hàng. Doanh nghiệp sống tốt thì nền kinh tế sống tốt.

Tất nhiên, một mình tôi làm không bao giờ có thể thành công được, không bao giờ có thể thúc đẩy cả nền kinh tế này được. Thế nhưng tôi đã có đề xuất với Quốc hội và Quốc hội cũng đã giao cho bộ phận chức trách thảo luận

Có thể nói lần đầu tiên, kiến nghị của một doanh nhân được các nhà chức trách xem xét và sẽ được luật hóa, thưa ông?

Đây không phải là chuyện luật hóa, tôi chỉ đề nghị một tỉnh phải có một trung tâm thương mại, tôi sẽ bỏ tiền ra làm để miễn phí cho các doanh nghiệp Việt. Nguồn kinh phí để xây dựng trung tâm này thì các ngân hàng người ta sẽ tài trợ, vì đây là một định hướng rất tốt, và từ đấy nó còn rất nhiều việc để làm sao 5 năm nữa, tình hình phát triển của các doanh nghiệp sẽ tốt.

Ông sẽ xây dựng bao nhiêu trung tâm kiểu V+ ở các địa phương?

Dự kiến trong vòng hai năm thôi, thì 2016 và 2017 sẽ xây dựng được mỗi tỉnh một cái, vì làm nó cũng nhanh, có thể khởi công một lúc 10 đến 12 cái. Nhưng hiện nay phải để Quốc hội phê duyệt đã. Mỗi tỉnh cần khoảng 2ha, phải chờ Quốc hội đồng ý với mức giá bán đất. Tôi đang đề nghị sẽ mua bằng giá bán cho Samsung khoảng 0,4USD/m2/50 năm.

Chi ra số tiền khổng lồ như vậy, về dài hạn, ông có nghĩ các dự án này sẽ tiến triển tốt đẹp và mang lại lợi nhuận cho công ty không?

Quan trọng mình đã làm một việc gọi là để giúp cho dân, đừng đặt vấn đề lợi nhuận lên. Tuy nhiên, trong văn bản gửi cho Quốc hội thì tôi cũng nói rõ  sẽ hỗ trợ năm năm, miễn phí mặt bằng nhưng từ năm thứ sáu thì sẽ thu phí. Khi anh phát triển rồi thì toàn bộ tiền thu phí sẽ đưa vào quỹ để hỗ trợ cho các sáng kiến và phát minh đóng góp cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Theo ANTT