Ông chủ An Quý Hưng chính thức “ra mặt” ở Vinaconex: Bắt đầu bằng ghế Tổng Giám đốc

VietTimes -- Ông Nguyễn Xuân Đông đã trở thành nhân sự cấp cao đầu tiên của An Quý Hưng xuất hiện trong ban lãnh đạo của Vinaconex kể từ ngày 13/12/2018.
Ông Nguyễn Xuân Đông khi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc An Quý Hưng (Nguồn: AQH)
Ông Nguyễn Xuân Đông khi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc An Quý Hưng (Nguồn: AQH)

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) vừa công bố thông tin về việc phê duyệt đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Đỗ Trọng Quỳnh. Thay thế ông Quỳnh đảm nhiệm vị trí CEO của Vinaconex là ông Nguyễn Xuân Đông với thời hạn bổ nhiệm là 5 năm, kể từ ngày 13/12/2018.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Xuân Đông cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) - nhà đầu tư vừa bỏ ra số tiền lên tới 7.366 tỷ đồng để sở hữu thành công 57,71% cổ phần Vinaconex do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu.

Bên cạnh đó, ông Đông cũng là nhân sự cấp cao từng được một số nhà đầu tư trên thị trường biết tới khi có thời gian làm Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Vimeco (Mã CK: VMC) - một công ty con đã được Vinaconex tiến hành thoái vốn trước đó 1 năm.

Cùng với sự thay đổi này, Hội đồng quản trị Vinaconex cũng đã thống nhất thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông.

Được biết, sau khi SCIC tiến hành chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư An Quý Hưng thành công, Vinaconex cũng đã thông báo tiến hành tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 1/2019.

Trong đó, nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh vấn đề kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của Vinaconex nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ông Đỗ Trọng Quỳnh, bên cạnh 6 cá nhân khác (bao gồm cả ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex), là “người có liên quan” đến SCIC tại doanh nghiệp này.

Do vậy, cơ cấu nhân sự của Vinaconex vẫn có nhiều khả năng sẽ có sự cải tổ lớn trong phiên họp sắp tới.

Và không loại trừ, sau Đại hội, ông Nguyễn Xuân Đông sẽ nhận thêm một trọng trách nữa ở HĐQT Vinaconex - rất có thể là Chủ tịch.

Như Viettimes đã đưa tin trước đó, An Quý Hưng là một doanh nghiệp đã hoạt động được nhiều năm, đã ít nhiều để lại dấu ấn trên thị trường trong lĩnh vực bất động sản, công trình xây dựng. Trong bản công bố thông tin khi tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex, An Quý Hưng cho biết (tính đến ngày 31/12/2017) tổng nguồn vốn của công ty đạt 999,6 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với quy mô thương vụ.

Do đó, không loại trừ khả năng An Quý Hưng cũng nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ các “đại gia” bất động sản khác để tiến hành thương vụ thâu tóm Vinaconex.

Mặt khác, bên cạnh SCIC, một cổ đông lớn khác là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel (Viettel) cũng đã tiến hành chào bán thành công lô cổ phiếu chiếm 21,28% vốn điều lệ của Vinaconex, thu về số tiền gần 2.002 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư mua lại lô cổ phần này, đến nay, vẫn chưa được công bố chính thức./.