"Nút thắt của năng lượng tái tạo chính là truyền tải"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc phát triển một cách quá ồ ạt đã khiến các dự án năng lượng tái tạo phải đối mặt với bài toán truyền tải. Xã hội hóa truyền tải, đa dạng hóa nhà đầu tư được coi là một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay.
Toàn cảnh tọa đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo"
Toàn cảnh tọa đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo"

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo” diễn ra ngày 18/11, ông Hoàng Mạnh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Hà cho biết, hoạt động truyền tải điện đang là 'nút thắt' của lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT).

Ông Tân cho rằng, nhà nước nên khuyến khích thêm nhà đầu tư tham gia, đa dạng nhà đầu tư truyền tải điện.

"Ví dụ, NPT vận tải trục chính, còn lại các đấu nối thì xã hội hóa. Nhà sản xuất có thể vừa đầu tư, vừa sử dụng, lưu trữ và bán điện.

Thêm nữa, Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời rất dồi dào. Tuy nhiên, khi người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà, nếu tự sản tự tiêu sẽ lỗ khoảng 20%, lắp pin lưu trữ lại quá đắt, khi thừa cũng không bán lại được do chưa có cơ chế, dẫn tới lãng phí.

Chính vì vậy, cần có cơ chế chính sách để điện mặt trời mái nhà đấu nối và có thỏa thuận mua kèm giá khung minh bạch thì sẽ giải quyết được vấn đề tự sản tự tiêu rất lớn", ông Tân nói.

Theo ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE, có 3 vấn đề trong phát triển NLTT cần quan tâm là nguồn phát, lưới và tiêu thụ.

Theo đó, Việt Nam đã phát triển 'nóng' nguồn phát nhưng lưới lại không đáp ứng dẫn tới hệ lụy là nhiều dự án trong đó có cả của HBRE đã bị cắt giảm sản lượng.

Ông Tín cho hay, cơ chế không chỉ là giá, mà còn là cách mua điện, thời gian mua điện.

"Đối với một tổ chức tài chính, ngân hàng, điều quan trọng nhất khi cho vay là sự ổn định, thời gian hoàn vốn và rủi ro dự án. Vậy nên, Bộ Công thương cần tính toán cho doanh nghiệp thời gian tối thiểu để đảm bảo với các tổ chức cho vay", ông Tín chia sẻ.

Chủ tịch HBRE cho rằng khi có kịch bản phê duyệt giá FIT mới, tất cả các dự án đã và đang hoàn thành sẽ đóng điện cùng lúc, dẫn tới quá tải lưới điện. Chính những dự án của HBRE cũng đã bị cắt giảm 10 – 20%, thậm chí có những dự án cắt tới 50%.

Không chỉ vậy, các dự án NLTT cũng đang phát triển quá ồ ạt.

“Các dự án điện gió trước năm 2020 điều kiện để nộp hồ sơ xin bổ sung quy hoạch là có tối thiểu là 12 tháng đo gió. Sau năm 2020, cơ chế thay đổi, nhiều nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ xin bổ sung quy hoạch, đo gió, tư vấn nói làm đi gió tốt, gió 7m/s, nhưng thực tế bây giờ chỉ 5m/s. Lúc này kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài không vào, bán đi cũng không xong. Số lượng dự án xây dựng đang/đã xây dựng trên tổng quy hoạch chỉ đạt 50-60%. Như vậy, rất lãng phí và mất cơ hội của nhà đầu tư khác”, ông Tín cho biết.

Giải đáp về những thắc mắc, vấn đề của cả hai doanh nghiệp, ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương – cho biết, giá FIT sẽ không gia hạn, khung giá ban hành trong Thông tư 15 là cho tất cả đối tượng chuyển tiếp. Tuy nhiên, không phải tất cả hơn 4.000 MW chuyển tiếp được đàm phán cùng lúc mà sẽ được EVN cân nhắc về điều độ, tỷ trọng.

Về vấn đề cắt giảm công suất, ông Hùng nhấn mạnh hiện tượng này chỉ mang tính thời điểm, cần lưu ý rằng nhà đầu tư bán bằng sản lượng chứ không bán bằng công suất. Vì vậy, tính theo sản lượng tháng thì vẫn có thể bán được 90 – 95%.

Với truyền tải, Luật điện lực sửa đổi đã cho phép xã hội hóa truyền tải. Tuy nhiên việc phân loại dự án độc quyền và dự án xã hội hóa vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá truyền tải rẻ cũng đang là yếu tố khiến việc kêu gọi nhà đầu tư khó khăn hơn./.