'Các dự án năng lượng tái tạo công suất nhỏ vẫn cần cơ chế giá FIT'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết như vậy tại tọa đàm “Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo” diễn ra sáng nay (18/11).

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Đánh giá về tình hình phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, về nguồn điện, đến hết 2021, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt là 76.364 MW.

Trong đó, điện mặt trời chiếm 21,2%, đạt 16.179 MW; điện gió chiếm 5,2%, đạt 3.987 MW. Công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã vượt mục tiêu năm 2025.

Tuy nhiên, do cơ chế giá FIT đối với điện mặt trời và điện gió đã hết hạn nên việc phát triển mảng NLTT đã và đang chững lại.

Theo ông Vy, việc thiếu các chính sách và quy định hỗ trợ phát triển NLTT có thể cản trở việc áp dụng nguồn năng lượng này.

Về mảng điện gió, 3.479 MW công suất nguồn điện gió đã xây dựng xong những vẫn chưa được đưa vào vận hành, gây khó khăn cho nhiều nhà đầu tư và lãng phí do thiếu cơ chế giá.

Về điện sinh khối, phần lớn các nhà máy điện đang thực hiện đồng phát chỉ trong vụ mùa ép mía trong 4-5 tháng/năm. Nếu giá bán điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế vì việc mua nguyên liệu sinh khối sẽ làm giá thành sản xuất điện tăng cao.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển giữa các dự án NLTT với lưới điện truyền tải không đồng bộ. Điều này đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, phải giảm phát tới 30 – 40%, thậm chí có dự án phải giảm hơn 60% công suất.

"Ngoài ra, các dự án NLTT có nhu cầu vốn khá lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng không chắc chắn, phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Không chỉ vậy, do khả năng thu hồi vốn lâu do công suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống nên các tổ chức tài chính, ngân hàng thường chưa sẵn sàng cho vay", ông Vy nói.

Theo đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để khuyến khích phát triển NLTT đến năm 2050, cần có các chính sách minh bạch để tạo ra một lộ trình lâu dài.

Cụ thể, trên cơ sở chuẩn xác lại tiến độ các dự án nguồn điện lớn đang xây dựng, cần tiến hành cân bằng công suất – điện năng, xác định khối lượng các dự án và các nguồn NLTT cần xây dựng tới năm 2030.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, EVN đã thực hiện đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện trên giá phát điện tạm tính trong thời gian chờ tính khung giá chính thức.

Tuy nhiên, NLTT vẫn có những dự án có quy mô công suất nhỏ, những dự án này vẫn cần được áp dụng theo biểu giá điện hỗ trợ (FIT) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hàng năm đối với mỗi loại công nghệ và tương ứng với các quy mô công suất và từng vùng riêng biệt./.