Chỉ 3 ngày sau khi cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga khởi động tại Biển Đông (từ 12/9) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã tức tốc đến Mỹ và tuyên bố sẽ đẩy mạnh tuần tra chung với Mỹ cũng như các nước xung quanh tại vùng biển này, hỗ trợ các nước ven biển trong khu vực về năng lực quốc phòng biển.
Động thái của Nhật – Mỹ phải chăng là cảnh báo về tình huống xấu nhất có thể xảy ra: Trung – Nga liên kết đồng minh quân sự.
Ngày 15/9 vừa qua, bà Tomomi Inada, nữ Bộ trưởng Quốc phòng mới nhậm chức của Nhật Bản đã sang thăm Mỹ. Trong bài diễn thuyết tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington (CSIS), bà Tomomi Inada cho biết luôn ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Mỹ trong những vấn đề liên quan, muốn đóng vai trò lớn hơn tại Biển Đông, vì thế sẽ đẩy mạnh tuần tra chung với Mỹ cũng như các nước xung quanh tại vùng biển này, hỗ trợ các nước trong khu vực về năng lực quốc phòng biển.
Bà Tomomi Inada còn cho biết, nếu cộng đồng quốc tế im lặng trước những hành vi đi ngược lại quy tắc chung thì thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, Nhật Bản cương quyết hợp sức với Mỹ để chống lại bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, để bảo vệ quyền tự do đi lại trên hải phận quốc tế.
Vượt “lằn ranh đỏ” Trung Quốc cảnh báo
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền phi lý của đại bộ phận vùng Biển Đông, nhưng vào tháng 7 vừa qua đã bị Tòa Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ hoàn toàn yêu sách phi lý này.
Biển Đông được xem là vùng biển có nhiều dầu khí, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thủy sản quốc tế, là vùng biển nằm trên tuyến đường biển nối châu Âu và châu Á. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với lập luận về cái gọi là “tính lịch sử” phi lý, qua đó bồi đắp phi pháp đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự… khiến các nước xung quanh bất an. Hiện Nhật Bản cũng đang trong tình trạng căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền tại biển Hoa Đông.
Gần đây, Nhật Bản cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp tàu tuần tra loại hiện đại nhất cho Việt Nam. Trước đó, Nhật Bản cũng đã đồng ý cung cấp tàu tuần tra hiện đại cho Philippines, một trong những nước bị Trung Quốc gây hấn trong vấn đề chủ quyền vùng biển.
Sau khi bà Tomomi Inada diễn thuyết xong đã đến Lầu Năm Góc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter. Đáp lại diễn thuyết của bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cho biết, Mỹ hoan nghênh Nhật Bản đẩy mạnh phối hợp với Mỹ làm nhiệm vụ tại Biển Đông, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản vì an ninh khu vực.
Theo Thời báo New York, bà Tomomi Inada không ngại vượt qua “ranh giới đỏ” do Trung Quốc vạch ra đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, tại đối thoại Shangri-La lần thứ 15 vào tháng Sáu vừa qua, ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã cảnh báo quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nếu Nhật và Mỹ triển khai “tuần tra chung” trên Biển Đông hoặc có bất cứ hành động quân sự nào khác thì Trung Quốc sẽ không ngồi nhìn. Cuối tháng đó, ông Trình Vĩnh Hoa, Đại sứ Trung Quốc trú tại Nhật nói với một quan chức cấp cao của Nhật Bản rằng, nếu Nhật Bản tham gia với Mỹ thực hiện “quyền tự do đi lại” có nghĩa là vượt quá giới hạn chịu đựng của Trung Quốc.
Tuy nhiên bà Tomomi Inada cũng cho biết, Nhật Bản sẽ nỗ lực tiếp xúc với Trung Quốc để cổ vũ Trung Quốc trở thành lực lượng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Với vị trí là người đứng đầu lĩnh vực quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada sẽ nắm bắt mọi cơ hội để thảo luận với người đồng cấp của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi Nhật Bản cần làm thế nào ứng phó với tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng, bà Tomomi Inada nói: “Tôi cho rằng, để xây dựng luật pháp quốc tế, có ba điều phải cùng làm: thứ nhất là tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản; hai là xây dựng quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ; ba là xây dựng quan hệ tốt với các nước láng giềng”.
Bà Tomomi Inada cũng cho rằng, Trung Quốc tuy là một nước lớn, nhưng tuân thủ luật pháp quốc tế là phù hợp lợi ích của Trung Quốc.
Cảnh giác khả năng Trung – Nga kết đồng minh quân sự?
Dễ thấy, chuyến thăm Mỹ của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản diễn ra ngay sau khởi động tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga tại Biển Đông trong 8 ngày (từ 12/9) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Động thái của Nhật – Mỹ phải chăng là cảnh báo về tình huống xấu nhất có thể xảy ra: Trung – Nga liên kết đồng minh quân sự.
Trước đó, Thời báo Tài chính của Anh đã có nhận định, Mỹ và đồng minh không nên để lặp lại sai lầm như thời chiến tranh lạnh, cho rằng khả năng Trung – Nga kết đồng minh chống phương Tây khó xảy ra. Theo đó, vào thập niên 1950 – 1960, phương Tây đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong công tác tình báo khi nhận định không đúng mối quan hệ Xô - Trung. Khi đó, nếu Mỹ hiểu được hai nước này đang trong trạng thái thù địch nhau thì đã sớm áp dụng biện pháp gây chia rẽ.
Ngày nay, Mỹ và đồng minh dường như mắc sai lầm ngược lại khi đa số giới phân tích phương Tây cho rằng, Nga và Trung Quốc không thể trở thành đồng minh. Thậm chí đa số học giới Trung Quốc và Nga cũng cho rằng, do xung khắc về văn hóa – lịch sử giữa hai nước quá lớn, là chướng ngại khó vượt qua để hai nước có thể trở thành đồng minh. Đặc biệt tổng thống Nga Vladimir Putin chắc hẳn còn lưu giữ nhiều ký ức rất xấu về Trung Quốc, còn các thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh trước đây theo đường lối tránh kết đồng minh, vài năm qua dường như Trung Quốc chỉ quan hệ khăng khít với hai nước là Pakistan và Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo Thời báo Tài chính Anh, nếu nhìn vào thời ông Tập Cận Bình hiện nay thì dường như Trung Quốc đã thay đổi chính sách ngoại giao, xuất hiện những dấu hiệu thúc đẩy xây dựng đồng minh: Từ năm 2013 đến nay, ông Tập Cận Bình đã hội đàm 17 lần với ông Putin. Ở bình diện công việc, những cuộc tiếp xúc giữa giới chức Trung Quốc và Nga cũng tăng vọt. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã cùng phái tàu bè vào vùng biển quanh khu đảo tranh chấp Trung – Nhật.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu, ông Putin tuyên bố ủng hộ quan điểm chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông mà đã bị Tòa Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ. Hiện Trung Quốc và Nga giống nhau trên nhiều phương diện: từ thể chế chính trị đến chủ nghĩa tư bản nhà nước, ông Tập Cận Bình và Putin đều thề phải “phục hưng” dân tộc, mượn chủ nghĩa dân tộc dân túy để kích thích tâm lý thù hận nước ngoài, dùng giới truyền thông để tạo nên hình ảnh lãnh tụ mạnh mẽ…
Phải chăng Mỹ - Nhật đang đề cao cảnh giác về nguy cơ liên kết đồng minh quân sự Nga – Trung có thể xảy ra?
Trung Quốc tố Nhật Bản "gây rối" ở Biển Đông
Trung Quốc ngày 19/9 cáo buộc Nhật Bản tìm cách "gây rối" tình hình ở Biển Đông, sau khi Tokyo cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động trong vùng biển tranh chấp này, thông qua những cuộc tuần tra huấn luyện chung với Mỹ. Công du tới Mỹ vào tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này cũng sẽ giúp xây dựng năng lực của những quốc gia ven biển trong tuyến đường thủy nhộn nhịp này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: "Hãy nhìn vào kết quả của việc Nhật Bản làm mọi việc lộn xộn trong cùng khoảng thời gian đó ... tìm cách gây rối tình hình Biển Đông dưới chiêu bài hành động thay cho cộng đồng quốc tế". Ông Lục nói thêm rằng hành động của Nhật Bản đã đẩy các nước khác tránh xa họ, và Nhật Bản đã thất bại trong việc bắt những nước khác nhìn theo quan điểm của họ.