Ngày 24-9, người nhà của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh (TP Đà Lạt), đã sang Trung Quốc để làm thủ tục nhận thi thể bà Linh đưa về Việt Nam lo hậu sự.
Sang Trung Quốc một mình?
Về nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột của bà Linh, đại diện Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng cho biết đến thời điểm này vẫn đang chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng Trung Quốc. Tỉnh cũng đã đề nghị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị phía Trung Quốc xác minh, điều tra vụ việc.
Theo đại diện Công ty TNHH Hà Linh, bà Linh qua Trung Quốc để tìm thị trường tiêu thụ trà, đồng thời giải quyết một số vụ việc với các đối tác liên quan đến công ty. Ngày 19-9, nhân viên công ty vẫn liên lạc được với bà Linh nhưng sau đó đã mất liên lạc. Đến sáng 22-9, người nhà nhận được hung tin bà Linh đột ngột tử vong tại Trung Quốc nên trình báo cho cơ quan chức năng.
Ngày 24-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trương Quang Quý, người hỗ trợ pháp lý cho Công ty TNHH Hà Linh, thông tin bà Hà Linh chỉ đi một mình sang Trung Quốc và chỉ báo là đi đàm phán ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường. Đến khi nhận được tin bà tử vong ai cũng bất ngờ, không tin đó là sự thật.
Luật sư Quý cho biết thêm Công ty Hà Linh trước đây chủ yếu xuất khẩu sản phẩm trà Ô Long sang thị trường Đài Loan. Đây là lần đầu tiên bà Linh sang Trung Quốc để mở thị trường thì xảy ra sự việc đáng tiếc trên. “Đến nay vẫn chưa có thông báo nguyên nhân tử vong” - ông Quý cho hay.
Bà Hà Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh (ảnh lấy từ Facebook Công ty Hà Linh).
Doanh nhân thành đạt
Thông tin bà Linh chết đột ngột chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc đã gây xôn xao trong giới doanh nhân và người dân Đà Lạt trong những ngày qua, bởi Bà Linh là một trong những nữ doanh nhân ngành trà khá thành đạt.
Năm 2002, bà theo chồng người Đài Loan (chuyên sản xuất và chế biến trà Ô Long) về Đà Lạt sinh sống rồi bén duyên với cây trà Ô Long từ đó. Bà bắt tay vào giúp chồng kinh doanh, phát triển chế biến trà cao cấp.
Với vai trò phó giám đốc, rồi giám đốc Công ty TNHH Haiyih, bà Linh đưa công ty phát triển khá nhanh. Từ số vốn 1 triệu USD ngày đầu, sau gần tám năm hoạt động kinh doanh, năm 2010, tổng thu nhập của công ty đã đạt con số 8 triệu USD. Cũng trong năm 2010, bà Linh còn đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy chế biến trà Ô Long cao cấp với tổng vốn hơn 35 tỉ đồng vùng nguyên liệu tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành (TP Đà Lạt).
Thành công là vậy nhưng về tình duyên cũng khá lận đận. Năm 2008, sau khi chia tay chồng, bà Linh đã thành lập Công ty TNHH Hà Linh, có trụ sở đóng tại TP Đà Lạt. Công ty của bà chuyên sản xuất, chế biến trà Ô Long xuất khẩu. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, chế biến trà Ô Long lớn nhất trên địa bàn Lâm Đồng.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, bà Linh còn liên kết với hàng trăm nông dân Cầu Đất để trồng, chế biến trà Ô Long cao cấp xuất khẩu với diện tích hơn 250 ha; giải quyết cho gần 500 công nhân thường xuyên và hợp đồng thời vụ với mức thu nhập bình quân 3-7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu trà Ô Long cao cấp, bà Linh còn kinh doanh cà phê và spa làm đẹp cho chị em.
May mắn thoát chết
Đại diện một trung tâm hỗ trợ DN có quan hệ thân thiết với bà Hà Linh tiết lộ một số đối tác tại Đài Loan và Trung Quốc có nợ một số tiền nhất định với công ty của bà Linh.
Vị đại diện trên cũng cho hay trước đây cũng có trường hợp đại diện một công ty Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đi đòi nợ các đối tác mua hàng, bị một nhóm côn đồ truy sát, may mắn thoát chết. Nhưng người này phải cố thủ trong văn phòng đại diện của công ty hơn ba ngày trời mới yên tâm trở về Việt Nam.
“Các DN Việt Nam làm việc với DN Trung Quốc thường chủ quan, hợp đồng sơ sài, hàng giao sang nước họ nhưng tiền thì mới nhận một nửa. Có nhiều công ty Việt bị đối tác Trung Quốc, Đài Loan chiếm dụng tiền vốn rất lớn mà chưa đòi được. Vì vậy DN làm ăn với Trung Quốc cần tiền trao cháo múc, bắt buộc bên mua phải mở L/C (tín dụng thư) bảo đảm” - vị đại diện này cảnh báo.
Trà Việt ‘chết đi, sống lại’ tại Đài Loan
Năm 2014 tại Đài Loan, Trung Quốc có tin đồn trà Lâm Đồng bị nhiễm dioxin. Tin đồn này khiến nhiều công ty trà ở Lâm Đồng khốn đốn thiệt hại hàng tỉ đồng. Trong đó Công ty Hà Linh cũng là đơn vị bị thiệt hại nặng từ tin đồn này. Thời điểm đó, 11 tấn trà Ô Long bị ách tại Đài Loan chờ thông quan. Công ty Hà Linh đã thiệt hại hơn 2 tỉ đồng do trà xuất khẩu chậm.
Một nguồn tin cho biết bà Hà Linh và các công ty trà khác đã đến Đài Loan tìm cách chứng minh, phản bác lại tin đồn ác ý nghi do các đối tác cạnh tranh ngay tại Đài Loan tung tin. Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc. Sau đó cơ quan chức năng Đài Loan thông báo chính thức trà Việt không nhiễm chất dioxin...
Theo PLTP