Hãng tin Kyodo, Nhật Bản ngày 20/11 dẫn một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada sẽ đến thăm Guam, Mỹ vào trung tuần tháng 12/2016, hai bên đã triển khai những phối hợp cuối cùng về chuyến thăm này.
Theo kế hoạch, phía Nhật Bản sẽ tiến hành khảo sát hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) của Quân đội Mỹ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc nhập khẩu hệ thống THAAD, ứng phó với "mối đe dọa tên lửa" của Triều Tiên.
Mối quan tâm từ lâu
Các hãng tin như NHK của Nhật Bản gần đây cho biết để tăng cường khả năng ứng phó với tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của một người phụ nữ cứng rắn, đang đẩy nhanh các bước nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Điều này thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc.
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 25/11 dẫn lời giáo sư Chu Vĩnh Sinh từ Học viện Ngoại giao Trung Quốc đưa ra câu trả lời "khẳng định" đối với ý định của Nhật Bản. Chu Vĩnh Sinh cho rằng điều này xác nhận chính sách muốn cùng Hàn Quốc triển khai THAAD của Nhật Bản được tiết lộ trước đó, và chính sách này nay đã bước vào quá trình thúc đẩy thực sự.
Lữ Diệu Đông, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu ngoại giao, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng cho rằng Nhật Bản triển khai THAAD là điều không thể nghi ngờ, đây chỉ là vấn đề thời gian.
Ông còn cho biết thêm: "Ngay từ năm 2015, tại Hawaii Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã cho biết Nhật Bản đang thảo luận nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Khi đó có tờ báo cho rằng mặc dù ông Gen Nakatani đưa ra tuyên bố như vậy, nhưng vấn đề Nhật Bản nhập khẩu THAAD cơ bản có thể xác định bước vào cấp độ thao tác kỹ thuật".
Lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đến thăm Guam hoàn toàn không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin Nhật Bản muốn triển khai hệ thống THAAD. Trên thực tế, Nhật Bản đã quan tâm đến hệ thống này từ lâu.
Theo báo chí Nhật Bản, ngay từ năm 2003, nội các cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã thông qua "Kế hoạch phòng thủ tên lửa phiên bản Nhật Bản", quyết định nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Sau đó, sau vài lần sửa đổi, bổ sung, Nhật Bản căn cứ vào kế hoạch này, đã xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa có quy mô đáng kể.
Năm 2008, hệ thống THAAD được đưa vào sử dụng ở lãnh thổ Mỹ. Chỉ một năm sau, tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản đã tiết lộ Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang thảo luận vấn đề mua sắm THAAD của Mỹ, tập trung nghiên cứu tính năng kỹ thuật và chi phí vận hành của hệ thống này.
Ngoài ra, theo tiết lộ của báo chí Nhật Bản, vào năm 2006 và năm 2014, Nhật Bản đã triển khai hai radar sóng ngắn X thuộc hệ thống THAAD trên lãnh thổ Nhật Bản.
Trước đó, đài truyền hình NHK Nhật Bản cũng cho biết trong thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc căng thẳng do vấn đề Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đưa ra quyết định nhanh chóng thảo luận khả năng nhập khẩu THAAD.
Dư luận Nhật Bản phổ biến cho rằng nước này cho dù có nhập khẩu THAAD thì cũng là vấn đề sau năm 2018, tức là sau khi kết thúc Kế hoạch phòng vệ trung hạn 5 năm. Nhưng, quyết định mới lần này của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho thấy thời điểm có thể được đẩy lên trước năm 2018.
Đồng thời, hãng tin Jiji Press Nhật Bản trước đây cũng cho hay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, Nhật Bản bắt đầu đẩy nhanh các bước xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, có kế hoạch tăng số lượng tàu khu trục tên lửa Aegis, đồng thời nâng cấp phiên bản đánh chặn tên lửa của loại tàu chiến này.
Do THAAD thường phụ trách đánh chặn tên lửa đối phương ở độ cao 20 - 150 km, Nhật Bản hy vọng dựa vào hệ thống đánh chặn tầm cao đoạn cuối như vậy kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để tạo thành một hệ thống phòng thủ tên lửa có 3 tầng.
Tăng cường sức mạnh quân sự
Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản, chuyến thăm Guam Mỹ lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản là để ứng phó với "mối đe dọa tên lửa" ngày càng trầm trọng đến từ Triều Tiên.
Còn theo tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản, trước đây không lâu, sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 5, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho rằng: "Việc phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đã được thúc đẩy với tốc độ vượt dự tính".
Nhà nghiên cứu Chu Vĩnh Sinh thì cho rằng: "Nhật Bản đã có Patriot tiến hành đánh chặn tầm thấp, đã đủ đối với Nhật Bản. Họ còn có hệ thống đánh chặn tầm cao SM-3, nên đánh chặn tầm cao không có vấn đền. Hàn Quốc tương đối yếu, cho nên Hàn Quốc triển khai THAAD còn có thể hiểu được, nhưng Nhật Bản triển khai sẽ dư thừa".
Nhà nghiên cứu Lữ Diệu Đông cho rằng đề phòng Triều Tiên chỉ là một cái cớ, hoàn toàn không phải là mục tiêu chính của Nhật Bản. Ở góc độ công nghệ quân sự, Nhật Bản cân nhắc nhập khẩu hệ thống THAAD là để bổ sung lỗ hổng của hệ thống phòng thủ tên lửa hai tầng hiện có ở trong nước, qua đó để tăng cường răn đe đối với các nước xung quanh.
Nhà nghiên cứu Hoắc Kiến Cương, Phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng: "Đối với Nhật Bản, tăng cường phòng thủ chính là tiến công tăng cường tốt nhất. Thông qua nhập khẩu THAAD có thể tăng cường hoàn thiện hệ thống trang bị của Nhật Bản, để Nhật Bản tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nước lớn về quân sự".
Ngoài ra, Lữ Diệu Đông cho rằng, Tổng thống Barack Obama sắp hết nhiệm kỳ, để chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục trong thời kỳ Donald Trump, nhân cơ hội trước khi ông Donald Trump có chính sách rõ ràng, tiến hành tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật cũng là một nhân tố để tính toán.
Trung Quốc lo ngại
Nhà nghiên cứu Hoắc Kiến Cương cho rằng, về bề ngoài, nhập khẩu THAAD có thể tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ về phòng thủ tên lửa. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản từ cao đến thấp đều do Mỹ cung cấp, THAAD có thể làm cho hợp tác này được tăng cường, cũng giúp cho "trận địa tuyến đầu" - Nhật Bản trong chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ được củng cố hơn.
Ngoài có lợi cho củng cố "trận địa tuyến đầu" vững chắc, THAAD còn có thể thúc đẩy thiết lập liên minh phòng thủ tên lửa ba nước Mỹ - Nhật - Hàn.
Chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương do chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy sớm đã có thiết kế về hệ thống phòng thủ tên lửa, trong khi đó việc thiết lập liên minh phòng thủ tên lửa của ba nước Mỹ - Nhật - Hàn là một trong những nội dung quan trọng.
Tuy nhiên việc này lại rất có khả năng đe dọa lợi ích của một số nước Đông Bắc Á. Nhà nghiên cứu Chu Vĩnh Sinh cho rằng triển khai THAAD sẽ "gây thiệt hại" cho lợi ích chính đáng của các nước khác. Các nước đều có quyền lợi tham gia bình đẳng vào các vấn đề an ninh khu vực, cũng có trách nhiệm bảo vệ an ninh khu vực, bất cứ nước nào cũng không nên tìm cách "độc quyền" về các vấn đề an ninh khu vực.
Hiện nay, Mỹ đang thể hiện quan ngại đối với các mối đe dọa an ninh, ra sức xây dựng hệ thống đồng minh, "gây thiệt hại" cho lợi ích an ninh và lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nga.
Trang tin Sputnik Nga ngày 23/11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Trung Quốc và Nga cần hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự, điều này có lợi cho tăng cường an ninh khu vực và có ảnh hưởng rất tích cực đối với sự ổn định chiến lược.
Ông Sergei Shoigu cồn cho biết thêm, hai nước phối hợp lập trường chặt chẽ trong các vấn đề khu vực, trong đó bao gồm vấn đề an ninh khu vực Đông Bắc Á.
Nhà nghiên cứu Chu Vĩnh Sinh cho rằng Nhật Bản triển khai THAAD sẽ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của họ, một khi Mỹ và Nhật Bản đạt được nhất trí thì rất khó ngăn chặn sự "leo thang" này, Trung Quốc và Nga chỉ có thể tiến hành chống lại từ phương diện tăng cường khả năng phòng thủ và nâng cao trình độ chiến lược.
Ngay từ khi triển khai THAAD ở Hàn Quốc, nhà nghiên cứu Đới Húc, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác và an ninh biển Trung Quốc cho rằng Trung Quốc và Nga không thiếu các biện pháp ứng phó, chẳng hạn có thể gia tăng triển khai pháo rocket tầm xa và tên lửa tầm ngắn. Đây là những thứ mà hệ thống THAAD không thể đánh chặn.