NSƯT Hoài Linh bị đồn sử dụng chất cấm, qua đời ở bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Sao lại đăng tôi nhập viện rồi qua đời. Đi câu cá không chịu đi, sao lại đi câu view chi vậy? Chán thật chứ, cứ thích cho chết là chết”, NSƯT Hoài Linh nói.

Trưa 31/5, Hoài Linh phủ nhận đã qua đời như thông tin đồn đại trên mạng xã hội. Nam nghệ sĩ quay đoạn clip, nhờ một người em gái thay mình đăng tải để đính chính tin đồn thất thiệt.

“Sao lại đăng tôi nhập viện rồi qua đời. Đi câu cá không chịu đi sao lại đi câu view chi vậy? Chán thật chứ, cứ thích cho chết là chết”, anh cười nói, kèm biểu cảm lắc đầu ngán ngẩm.

hoailinh03-1732.jpg
Tn đồn về nghệ sĩ Hòa Linh

Trước đó, một tài khoản TikTok tên "Báo Xã Hội" đăng tải bài viết với tựa đề "Nghệ sĩ Hoài Linh qua đời?".

Chủ tài khoản này viết: "Tin nội bộ từ người nhà nghệ sĩ Hoài Linh cho biết anh đã bị ngất và ngã trong nhà vệ sinh lúc 22h ngày 30/5. Gia đình đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện An Bình (Quận 5, TPHCM) nhưng tình trạng anh rất tệ, hôn mê sâu và xuất huyết não, chưa thể tiến hành can thiệp. Khả năng cao là anh có sử dụng chất cấm, các bác sĩ đang tích cực theo dõi...".

Bài viết đăng tải rạng sáng 31/5, thu hút 530 nghìn lượt xem với hàng nghìn bình luận tương tác, chia sẻ.

Nội dung thông tin thất thiệt về nghệ sĩ Hoài Linh.

Dù kênh TikTok lấy tên là "Báo Xã Hội" nhưng theo quan sát, giao diện rất lộn xộn, không theo trình tự, dựng clip sơ sài, không đáng tin cậy như các báo chính thống. Kênh này cũng không có email, số điện thoại, địa chỉ liên lạc, website không thể truy cập được.

Hiện nay, trên TikTok xuất hiện rất nhiều kênh lấy tên báo nhưng không phải đơn vị chính thống, chỉ nhằm mục đích đăng các nội dung câu view, giật tít, kích thích sự tò mò của người xem. Với các thông tin bịa đặt, hành động này thể hiện sự vô trách nhiệm, đạo đức của những người đứng sau xây dựng các kênh trên.

Đây không phải lần đầu tiên Hoài Linh bị đồn qua đời. Năm 2017, một tài khoản tung tin nam nghệ sĩ trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện và kêu gọi tương tác để mong anh sớm siêu thoát.

Những tin đồn thất thiệt được lan truyền ở nhiều nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok. Thậm chí chuyên trang tìm kiếm lớn như Google cũng có hẳn những cụm từ khóa: "Đám tang của Hoài Linh", "Hoài Linh chết", "Nghệ sĩ Hoài Linh qua đời"… với hàng trăm nghìn lượt tìm kiếm.

10-sv-1733.jpg
Hoài Linh từng nhiều lần bị đồn qua đời.

Thời điểm đó, Hoài Linh đã bày tỏ sự bức xúc: “Ăn rồi cứ báo tôi chết hoài. Có thời gian rảnh thì nên lo làm ăn giúp kinh tế gia đình, còn nếu đăng tôi chết câu view để sống thì cứ tự nhiên, tôi không buồn đâu. Tôi coi như mình đang làm từ thiện”.

Câu chuyện nghệ sĩ bị đồn thất thiệt như mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời lan truyền trong suốt những năm qua. Ngoài Hoài Linh, một số nghệ sĩ như Đại Nghĩa, Việt Hương, Thuý Nga, Việt Trinh, MC Lại Văn Sâm, NSND Công Lý, ca sĩ Sơn Tùng M-TP... phải nhanh chóng lên tiếng đính chính vì nhiều lần bị “chết oan” trên mạng xã hội.